09:36 | 01/09/2010

Dân tộc Hà Nhì và hội “Khô già già”

(LV) - Ngày nay, cùng với hơn 20 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên, bà con Hà Nhì đang ra sức thi đua xây dựng quê hương giàu mạnh, bản làng no ấm, gia đình hạnh phúc, yên vui. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đồng bào đã định canh định cư, gia tăng sản xuất, bảo vệ nguồn rừng; xoá bỏ dần những hủ tục nặng nề, lạc hậu.

Tinh thần: “Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số”, của nghị quyết V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, như một luồng gió mới đem sức sống về tận các làng bản Hà Nhì ở những vùng hẻo lánh xa xôi.

Dân tộc Hà Nhì có nhiều kinh nghiệm trong những công việc nông tang, đồng bào vừa giỏi chăn nuôi vừa giỏi trồng trọt, cả trồng ngô, trồng lúa lẫn trồng bông, trồng chàm, cả ở trên nương lẫn ở dưới ruộng. Họ biết cách khai khẩn đất đai, đào mương đắp đập, sử dụng sức kéo của trâu bò. Người Hà Nhì sống quây quần, đoàn kết, cá biệt có bản đông tới gần 100 gia đình. Dân tộc Hà Nhì vốn được xem là một dân tộc thông minh, cần cù, tự trọng và dễ tin người; nhưng, nếu đã bị phản bội dù chỉ một lần, thì vĩnh viễn không bao giờ họ tin lại nữa. Nhìn chung, đại đa số người Hà Nhì tự túc được vải mặc, bởi phụ nữ Hà Nhì rất chăm chỉ và giỏi việc canh cửi tằm tơ, họ tự đảm nhận mọi công đoạn cho đến lúc làm ra tấm vải.

Về tín ngưỡng, mỗi địa phương người Hà Nhì có một phong tục ma chay, cưới hỏi khác nhau. Với người Hà Nhì tỉnh Điện Biên, khi cha, mẹ chết thì buồng ngủ của người đó sẽ được rỡ bỏ toàn bộ hoặc từng phần; ít nhất cũng phải tháo rút tượng trưng vài tấm ván hoặc một bức vách nào đấy. Trước lúc phát tang ra bên ngoài, thì ở trong nhà bàn thờ của gia đình phải hạ xuống, cất đi. Thi hài người chết được đưa xuống bếp, đặt nằm tạm trên chiếc chõng mới làm, “đợi” đến ngày tốt và giờ tốt mới được đem chôn. Giờ “tốt” đó thường trùng với cái giờ lúc người chết tắt thở, đồng bào cho rằng nếu không thế thì người chết sẽ “tái sinh”, đầu thai thành các giống vật hung dữ quay trở về nhiễu hại cuộc sống gia đình, làng bản. Ngoài một con gà nướng, được làm thịt bằng cách đập chết chứ không cắt tiết, người chết còn được cúng bằng một bát cơm và một quả trứng gà luộc. Cúng xong, mỗi thứ “để phần” người chết một ít, còn lại gia đình chia nhau ăn. Đó là bữa cơm “đoàn tụ” cuối cùng, để tiễn biệt người xấu số trước lúc họ mãi mãi đi xa. Trong đám tang, chỉ người anh hoặc em trai mẹ (tiếng Hà Nhì là gố gô) mới được quyền đứng chân chủ tế, và cũng chỉ ấy mới có quyền để tang. Tục lệ này chính là tàn dư của chế độ mẫu hệ còn rơi rớt lại, đặc biệt với nhóm Hà Nhì Cồ Chồ.

Để phân biệt người Hà Nhì với người dân tộc khác, xin hãy quan sát trang phục của phụ nữ, nhất là phụ nữ chưa chồng. Với chiếc mũ - khăn được trang trí bởi nhiều cúc bạc, nhiều hạt cườm, nhiều tua rua bằng các loại chỉ màu sặc sỡ; thiếu nữ Hà Nhì gợi cho ta nhớ tới hình ảnh của những nhân vật nữ đài các, quyền uy, trong các truyền thuyết cổ xưa. Phụ nữ Hà Nhì mặc áo dài, 5 thân, xẻ từ sườn xuống chân, không chiết co như áo tân thời của phụ nữ người Kinh. Người Hà Nhì tự làm lấy váy áo cho mình, bằng vải bông nhuộm chàm màu đen, màu xanh hoặc bằng vải láng. Vào những dịp lễ tết, hội hè, họ mặc thêm áo ngắn kiểu gilê ở bên ngoài. Trên ngực áo, phía phải, gắn thêm những đồng xu bằng bạc hoặc cúc bằng nhôm. Khăn, ngực áo và hai ống tay áo, là nơi để chị em phô diễn kỹ nghệ thêu móc và trình độ thẩm mỹ của mình; thông qua cách bố trí các khoanh vải có màu sắc tương phản nhau, cùng những đường nét hoa văn bổ trợ cho nhau.

Dân tộc Hà Nhì có một nền văn hoá - văn nghệ lâu đời, đa dạng và đậm đà bản sắc; bao gồm nhiều loại bài hát, nhiều điệu dân vũ, nhiều kiểu nhạc cụ và rất nhiều tác phẩm văn học dân gian. Về hát, có hát ru con, hát đối đáp, hát mời rượu, hát đưa ma, hát chào khách, hát mừng nhà mới và đặc biệt là bài hát dùng trong đám cưới có độ dài hơn 400 câu, của người Hà Nhì ở vùng cao Mường Nhé - Điện Biên. Về múa có các điệu: Múa lên nương, múa dệt vải, múa đợi mưa, múa vào mùa, múa trông trăng, múa giã bạn... Về nhạc cụ, có trống, thanh la, chập cheng, am ba, tu huý, khèn lá, đàn môi, tiêu trúc (4 lỗ), nát xi, la khư và điển hình là đàn nét đu - loại đàn 4 dây hoà âm, mang tên một loài hoa rừng màu tím. Về văn học, người Hà Nhì có rất nhiều truyện cổ tích, thần thoại, trường ca, truyện thơ, ca dao, thành ngữ, tục ngữ... Song, đến nay, hầu hết các loại hình văn hoá kể trên vẫn chưa được sưu tầm, tập hợp dưới hình thức nghiên cứu, lưu giữ.

Có dịp tham dự lễ hội “Khô già già” của dân tộc Hà Nhì, bạn sẽ thấy bên cạnh các nghi thức tín ngưỡng và các trò chơi dân gian phổ biến, còn có một phong tục lạ mắt và hết sức độc đáo, đó là tục trùm chăn. Trước khi đi hội “Khô già già”, bao giờ các chàng trai chưa vợ cũng đem theo một cái chăn chiên mới. Gần tới nơi, họ giấu cái chăn ở một hốc đá, bụi cây hoặc có khi ở... trong áo. Tại lễ hội, chàng trai tham gia một cách hào hứng, chủ động, đặc biệt với các trò chơi đòi hỏi phải thể hiện hết năng lực và bản lĩnh đàn ông. Mục đích của họ nhằm thu hút sự chú ý của “phái đẹp”. Qua ánh mắt các cô gái, sự nhạy cảm của tuổi đang yêu sẽ “mách” cho các chàng trai biết cô gái nào có cảm tình với mình và cảm tình ở mức nào. Vào thời điểm thích hợp, chàng trai lặng lẽ tách khỏi cuộc chơi chung, tìm cách tiếp cận người đẹp. Những lời hỏi han, mời mọc, bông đùa và dĩ nhiên cả lời ướm thử, được các chàng trai thực hiện với mục đích thăm dò, xem phản ứng của “đối tác” ra sao. Khi “cá đã cắn câu”, chàng trai tiến thêm một bước táo bạo hơn, nắm lấy tay cô gái và... lôi đi. Dĩ nhiên cô gái sẽ chống cự, nhưng là sự chống cự cho “phải phép”; tay có vẻ nhùng nhằng nhưng miệng thì cười quyến rũ và chân lại... bước theo người ta. Chàng trai lập tức lấy cái chăn mà mình đã giấu sẵn, trùm lên đầu cô gái, rồi dẫn cô gái ra bìa rừng, bờ suối hoặc chỗ nào đó, hai người ngồi bên nhau tâm sự.

Qua tâm sự, nếu cảm thấy không thể tiếp tục tình yêu được, thì họ sẽ chia tay và không bao giờ lặp lại chuyện trùm chăn nữa. Trường hợp cả hai bên đều hài lòng về nhau, thì đợi lúc gần sáng chàng trai sẽ vác cô gái về “giấu” ở nhà mình. Sau đó ít ngày, nhà trai cử người sang nhà gái mối mai, xin với nhà gái cho đôi trẻ được tự do tìm hiểu trên quan điểm đi đến hôn nhân. Trùm chăn, thực ra là bước đầu tiên của tục “cướp vợ”, tương tự như tục “cướp vợ” của dân tộc Mông. Song chính động tác trùm chăn đã tạo nên sự khác biệt, độc đáo, phản ánh một nét văn hoá hôn nhân của người Hà Nhì, so với các dân tộc anh em nói chung và dân tộc Mông nói riêng.

Hiện nay ở nhiều vùng người Hà Nhì, tục trùm chăn vẫn còn duy trì trong cuộc sống đời thường, đặc biệt tại các lễ hội hoặc liên hoan văn hoá các dân tộc ít người. Đó là một nét văn hoá truyền thống mang bản sắc Hà Nhì, rất chung mà lại rất riêng...

THD(Nguồn:BaoDienBien)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site