20:19 | 21/11/2013

Giải pháp nào để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống

(LV) - Cũng như tiếng nói, trang phục là một trong những tín hiệu quan trọng đầu tiên để nhận biết, phân biệt văn hóa tộc người mà ngày nay chúng ta thường gọi là “bản sắc văn hóa”, “bản sắc dân tộc”.

 >>> Nhiều hoạt động văn hoá trong Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”

 >>> Chương trình tổng thể Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”

>>> Sáng mãi tinh thần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 

>>> Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - kết tinh di sản đặc biệt quý báu của dân tộc 

“Di sản” quý của mỗi dân tộc

Xuất phát từ đặc điểm của tự nhiên và nhu cầu của đời sống, mỗi vùng, mỗi dân tộc đã sáng tạo, hình thành một sắc thái văn hóa riêng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đặc điểm địa hình phục vụ cho nhu cầu đi lại, ăn, ở, mặc, giao tiếp trong cộng đồng. Nhiều sản phẩm đạt tới trình độ mỹ thuật, có giá trị nhiều mặt trong cuộc sống. Đó là những di sản quý mà mỗi tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã đóng góp làm nên sự đa dạng, phong phú, độc đáo của văn hóa Việt Nam.

Thực tế nhiều năm qua, trong giai đoạn giao lưu và hội nhập, có nhiều luồng văn hóa du nhập từ bên ngoài, văn hóa Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng hình như chưa đủ bản lĩnh để đứng vững. Nhiều nét văn hóa đẹp, độc đáo của các dân tộc thiểu số cũng như đa số ở nước ta đã, đang có sự lai tạp, biến dạng, mất mát với tốc độ đáng lo ngại, trong đó có tiếng nói và trang phục, phong tục tập quán…

Thực hiện Nghị quyết 5 khóa VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng ta đã nhiều năm tổ chức “Ngày văn hóa các dân tộc” theo từng vùng hoặc qui mô cả nước đã có tác dụng làm chuyển biến nhận thức, góp phần tôn vinh văn hóa các dân tộc thiểu số. Điều đó có tác dụng to lớn trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc để Việt Nam đứng vững trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực xấu nhằm chia rẽ làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Xuân Lương nói chuyện với thế hệ trẻ tỉnh Bình Phước về bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống. 11/2011
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Xuân Lương nói chuyện với thế hệ trẻ tỉnh Bình Phước về bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống. 11/2011. Ảnh: Minh Tâm

Nguy cơ bị mai một

Hội thảo “Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay” là một biện pháp để tạo sự đồng thuận về nhận thức và cách làm nhằm tôn vinh “cái đẹp” của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong thực hiện chủ trương bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

Trang phục các dân tộc là sản phẩm của lịch sử được chế tác bởi nhu cầu đời sống của người lao động trong không gian, môi trường văn hóa thích ứng với điều kiện tự nhiên và xã hội (thời tiết, sinh hoạt, thị hiếu…) từng thời kỳ. Do điều kiện khách quan, chủ quan của các tộc người và các vùng miền, trang phục các dân tộc thiểu số nói chung tuy có bộ phận được cải tiến nhất định nhưng còn ít và chậm theo hướng thời trang; đang có xu hướng không được coi trọng trong đời sống hàng ngày; một bộ phận có nguy cơ bị lãng quên, mất hẳn trong cuộc sống thời hiện đại. Một số tộc người ở một số địa phương đã nhiều năm người dân (kể cả chị em phụ nữ) không còn dùng trang phục dân tộc trong sinh hoạt ngày thường, kể cả trong ngày lễ, tết, hội hè cũng không còn bóng dáng trang phục truyền thống, nhất là lớp trẻ.

Nguyên nhân thực trạng trên có nhiều, trực tiếp và rõ nhất là thị trường hàng hóa phát triển, nhiều yếu tố ngoại lai du nhập thiếu kiểm soát; thị hiếu thay đổi thiếu định hướng; sâu xa là do nhận thức nặng về “mốt” theo thời trang của một bộ phận trong cộng đồng; nghề dệt/nhuộm thủ công truyền thống không được chú ý hỗ trợ để sản xuất nguyên liệu, đổi mới trang thiết bị, cải tiến mẫu mã và thông tin quảng cáo giới thiệu sản phẩm; có một số thích bắt chước thiếu chọn lựa…

 

Trang phục cô dâu dân tộc Dao đỏ
Trang phục cô dâu dân tộc Dao đỏ. Ảnh: Thanh Hà

Một số giải pháp

Khi môi trường và không gian văn hóa thay đổi quá nhiều, quá nhanh cũng làm cho trang phục và nhiều thành tố văn hóa của các dân tộc thiểu số như tiếng nói, nhà ở, phong tục… không còn không gian thích hợp và chưa đủ bản lĩnh để tồn tại, phát huy. Muốn bảo tồn, phát huy những thành tố văn hóa truyền thống ấy trong đời sống có nhiều cách, trong đó rất quan trọng là cần tôn trọng và tạo ra không gian, môi trường văn hóa thích hợp.

Môi trường, không gian văn hóa ấy là gì? Là những lễ hội truyền thống của từng cộng đồng; là những “Ngày Văn hóa” của riêng từng dân tộc hoặc các dân tộc; là các hội mang tính xã hội - nghề nghiệp với các câu lạc bộ thường xuyên giao lưu trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng với nhau… Đó là những dịp, cơ hội để bà con các dân tộc được giao lưu, họ rất vui và tự hào.

Cùng với bảo tồn, phát huy các thành tố của di sản văn hóa khác của các dân tộc thiểu số như tiếng nói, dân ca, phong tục…, bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số là việc cần làm ngay. Bảo tồn có nhiều cách: Bảo tồn tĩnh trong bảo tàng, thư viện là cần và cũng đã khó; Bảo tồn trong cuộc sống là bảo tồn có phát huy, phát triển còn khó hơn, nhưng việc làm đó đáp ứng được nguyện vọng chung của cộng đồng các dân tộc. Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với bảo tồn phát huy các thành tố văn hóa đặc sắc khác trong không gian văn hóa thích hợp có tác dụng hỗ trợ, cộng hưởng, thiết thực và hiệu quả rõ rệt.

Vi Hồng Nhân

(Nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site