22:35 | 19/11/2013

Lễ hội Căm Mương tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LV) – Chiều ngày 19/11/2013, Lễ hội Căm Mương của dân tộc Lự đến từ xã Nâm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lao Châu đã diễn ra trong ngôi nhà của người Lự tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

>>> Sáng mãi tinh thần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 

>>> Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - kết tinh di sản đặc biệt quý báu của dân tộc 

Đồng bào Lự cư trú thành từng bản dọc theo các dòng sông, suối; tên bản làng thường gắn liền với đặc thù của miền đất họ sinh sống. Từ trước đến nay, với đời sống định canh định cư người Lự đã biết canh tác lúa nước từ rất sớm, nên đời sống vật chất của họ tương đối ổn định, chính vì vậy mà vốn văn hoá tinh thần cũng phong phú, đa dạng với nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian mang đậm bản sắc tộc người.

Thầy cúng dâng lễ vật lên thần linh
Thầy cúng dâng lễ vật lên thần linh.

Cũng như các Lễ hội khác, Lễ hội Căm Mương góp phần lưu giữ bản sắc văn hoá, củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Như thường lệ Lễ Căm Mường sẽ được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Đây là dịp để bà con dân bản dâng tế lễ vật cầu khẩn thần sông, thần núi, thần khe, thần suối, thần rồng, phù hộ cho bà con dân bản được ăn nên làm ra, điều lành ở lại, điều dữ mang đi.

Sau khi tổ chức Lễ Căm Mường dường như tất cả các họ hàng dòng tộc, các hộ gia đình trong bản sẽ sống đoàn kết, thương yêu nhau hơn. Với những lời khẩn cầu trong lễ Căm Mường thì tất cả các gia đình phải cố gắng nuôi cho con cái học hành để có cuộc sống tốt hơn các thế hệ đi trước. Đây chính là một nét đẹp trong vốn văn hoá văn nghệ dân gian của đồng bào Lự nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung cần được bảo tồn gìn giữ và phát triển.

Lễ Căm Mương mở đầu với phần lễ thính thần, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do buổi lễ, nội dung này đề cập đến lịch sử của người Lự, lịch sử bản mường, cái lý của việc làm lễ Căm Mương và những người sẽ thụ lễ lần này. Căm Mương chính là lễ để bà con dân bản thể hiện lòng thành kính dâng tế lễ vật lên các vị thần.

Từ xưa đến nay lễ Căm Mương bao giờ cũng được làm rất trang trọng. Mỗi gia đình sẽ cử ra một người đại diện là nam đi tham gia phần thụ lễ, khi về sẽ có lộc dành cho những người ở nhà.

Tiếp sau đó là phần lễ khấn cầu. Cuộc lễ bắt đầu sau khi các thầy lạy ba lạy rồi đọc lời cúng. Trong phần lễ này không có khèn, sáo, trống hay bất kỳ một loại nhạc cụ nào để làm âm vang, linh hồn riêng, mà cái linh hồn ở đây chính là sự thần bí, linh thiêng ẩn hiện trong những lời khẩn cầu của thầy cúng.

Tam dịch (lời cúng): Núi rừng mang hồn nước/ Khe suối lượn hình sông/ Thần rồng bay lượn múa/ Phun nước tưới ruộng đồng/ Cho ngô lúa trổ bông/ Cho mùa vàng trĩu quả.

Cầu mong may mắn đến với dân bản
Cầu mong may mắn đến với dân bản.

Phần chính là lễ Căm Mương, người Lự ví lễ Căm Mương là dịp để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần được thể hiện bằng các lễ vật dâng tế trong buổi lễ. Những lễ vật này do dân bản tự nguyện đóng góp, đó là phần mà các vị thần sẽ được hưởng và thầy cúng sẽ khẩn cầu lên các vị thần.

Theo ông Nguyễn Chiến Hữu, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở VHTTDL Lai Châu: Trong đời sống tâm linh của người Lự lễ Căm Mương đóng một vai trò rất quan trọng và không thể thiếu được. Ẩn sâu trong đó là ý nghĩa nhân văn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi bản mường người Lự. Điều đó cũng thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng, sự gắn kết giữa các thành viên trong bản trở thành một gia đình lớn trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Sau lễ Căm Mương thì mọi người cảm thấy thoải mái, tự tin hơn cho việc sản xuất mùa vụ xắp tới. Họ tin rằng các vị thần sau khi nhận lễ sẽ phù hộ cho bà con dân bản ăn nên làm ra, mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà. Như lời của thấy cúng: Từ nay mường bản yên lành/ Tâm linh đã vẹn vạn điều bình yên/ Chiều tàn bóng núi trao nghiêng/ Hồn thiêng sông núi về nơi gió ngàn/ Phù hộ mường bản bình an/ Trăm điều hạnh phúc muôn ngàn điều hay/ Một ngày mới được đổi thay/ Dòng tộc đoàn kết chung tay xây mường.

Kết thúc phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi như đẩy gậy
Kết thúc phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi như đẩy gậy.

Sau phần lễ, lễ Căm Mương “Kiêng Mường” của người Lự vẫn giữ nguyên được bản sắc vốn có của nó, đó là việc tổ chức lễ hội trong vòng một ngày. Sau khi kết thúc phần lễ là đến phần hội, hai chàng trai cùng thổi sáo mẹ, sáo con để cho các cô gái hát những bài dân ca của dân tộc mình.

Những lời hát tuy mộc mạc, giản dị, nhưng ẩn sâu trong đó là ý nghĩa nhân văn cao cả, đó cũng là lời gửi gắm, nhắn nhủ của thế hệ đi trước dành cho lớp trẻ hôm nay phải biết chung tay xây dựng mường bản ngày càng ấm no hạnh phúc.

Cùng với các bài hát thì trò chơi ném còn cũng là một phần không thể thiếu trong lễ hội này, nhưng thu hút người xem và nhộn nhịp nhất có lẽ là trò chơi đẩy gậy, nó thể hiện sức mạnh, bản lĩnh, sự khéo léo của người chơi không chỉ trong việc chuẩn bị tư thế, phương pháp tấn công mà ngay cả việc dồn sức hạ đối thủ ở pha cuối cùng cũng cần hội đủ những yếu tố trên. Bên cạnh đó đánh gối cũng là trò chơi rất được người Lự ưa thích, trong đó sự khéo léo qua từng động tác, từng cú đánh được đặt lên hàng đầu và quyết định sự thắng bại của mỗi trận đấu.

Qua những trò chơi này ai thắng cuộc thì sẽ là người gặp nhiều may mắn trong năm tới, còn ai thua sẽ là người gặp rủi ro hoặc những điều không may, vì vậy mà họ sẽ được mọi người té nước để cầu may cũng như giải đen.

Lễ Căm Mương của người Lự ở xã Nậm Tăm huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu đã loại bỏ hoàn toàn yếu tố mê tín dị đoan, mà thay vào đó là đề cao vai trò của những sinh hoạt văn hoá dân gian mang tính cộng đồng, nó càng làm tăng thêm sự gắn kết trong mỗi cộng đồng làng bản. Chính vì vậy, lễ hội này cần được bảo tồn, gìn giữ, phát huy, trở thành nét đẹp trong vốn văn hoá dân gian mang đậm bản sắc riêng của người Lự.

Lai Châu là một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc với 20 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào Lự có 4.985 nhân khẩu chiếm 1,59% dân số toàn tỉnh. Ơ Lai Châu chỉ có duy nhất một nhóm Lự đen "Lừ đăm", để phân biệt với nhóm Lự trắng “Lừ Khao” ở Síp Song Păn Na (Trung Quốc), với những tên tự gọi như: Lừ, Thay Lừ, Nhuồn, Duồn… thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái hiện đang sinh sống chủ yếu ở huyện Sìn Hồ và huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu.

Thu Lê
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site