18:47 | 20/04/2014

Lên Tây Nguyên nghe cồng chiêng

(LV) - Trong không khí lễ hội của các dân tộc Ê Đê, M’nông, Bah Nar, Gia Rai... bất cứ lúc nào cũng có tiếng nhạc cồng chiêng vang lên trầm hùng, mời gọi mọi người đến tham gia cuộc vui thâu đêm suốt sáng giữa hoang sơ của đại ngàn...

Kiệt tác của núi rừng

Chưa xác định chính xác được niên đại của cồng chiêng Tây Nguyên, chỉ biết rằng nó tồn tại song hành với đời sống nhân dân các dân tộc Tây Nguyên từ bao đời nay. Khi nhắc đến giá trị của chiêng dưới góc độ vật thể có thể khẳng định được chiêng là một nhạc cụ dân gian độc đáo từ nguyên liệu cho đến cách chế tạo nên sự phong phú, đa dạng của các dàn chiêng tồn tại hầu hết ở các tộc người dọc theo dãy Trường Sơn và Tây Nguyên.

Nghệ sĩ nhân dân Y Moan thẩm âm dàn chiêng
Nghệ sĩ nhân dân Y Moan thẩm âm dàn chiêng.

Phần lớn cồng chiêng Tây Nguyên được chế tác bằng phương pháp đặc biệt. Chiêng sau khi đúc xong được các nghệ nhân dùng phương pháp nện hoặc chặt mặt để tạo âm. Nét độc đáo và tạo nên giá trị vô giá của các bộ chiêng cổ chính là sự đồng tâm đến tuyệt đối trên tất cả vị trí của mặt chiêng cho nên tiếng chiêng khi đánh lên nghe vang và không có các tạp âm chen vào.

Đối với chất liệu chiêng thì dường như chưa có công trình nghiên cứu nào có thể xác định được một cách cụ thể thành phần hợp kim: đồng, vàng, bạc... được pha trộn trong chiêng. Theo các nhà nghiên cứu thì ngay trong chiêng Prăk của người M’nông mặc dù xác định được chất liệu làm chiêng chính là từ các đồng tiền vàng, bạc và đồng, nhưng lại không thể xác định được tỷ lệ các hợp kim này.

Gắn bó với đời sống của đồng bào Tây nguyên.

Là nhạc cụ phổ biến của buôn làng, chiêng không chỉ là tài sản mà còn là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Và giá trị vô giá của cồng chiêng chính là thể hiện tiếng nói tâm linh, tâm hồn của người Tây Nguyên, diễn tả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động hàng ngày.

 Tuổi trẻ với cồng chiêng
Tuổi trẻ với cồng chiêng.

Tất cả các lễ hội trong năm: Lễ thổi tai, lễ cúng sức khỏe, lễ tiễn đưa người chết, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước, lễ đâm trâu... đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng, bởi cồng chiêng là một thứ nhạc cụ thiêng liêng gắn bó với đồng bào nơi đây từ lúc sinh ra cho đến khi về nơi an nghỉ cuối cùng. Bên cạnh đó, cồng chiêng còn gắn bó với các nghi thức cưới hỏi, chữa bệnh của đồng bào.

Đồng bào dân tộc Tây Nguyên quan niệm trong mỗi một chiếc chiêng đều có một vị thần. Ngoài ra, mỗi chiếc chiêng còn tượng trưng cho một thành viên trong gia đình của người Ê Đê, M’nông, Gia Rai hay Bah Nar và ứng với những vị trí khác nhau trong mỗi một dàn chiêng. Không những thế, chiêng còn là thứ âm nhạc dân gian độc đáo ở tính đa điệu, phức điệu và đa tiết tấu, những đặc điểm chỉ có thể có trong loại hình âm nhạc hiện đại. Và dàn chiêng của mỗi một dân tộc cũng mang những nét khác nhau tạo nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa cồng chiêng của các dân tộc, được phân biệt bởi tên gọi, số lượng chiêng, cách đánh...

Nếu như chiêng của dân tộc Ê Đê mang tính tiết tấu thì chiêng của người Gia Rai, Bah Nar lại mang tính giai điệu. Người Ê Đê có chiêng Kdo, chiêng Kur; người M’nông có chiêng Bar, Goong peah; người Gia Rai có chiêng Tai, chiêng Arap... và số lượng cũng tùy thuộc đặc tính của từng bộ chiêng khác nhau.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên biểu diễn Cồng Chiêng
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên biểu diễn Cồng Chiêng.

Cồng chiêng là tiếng vọng thiêng liêng của núi rừng Tây Nguyên, nhưng dường như có một thời bị thưa vắng dần trong đời sống bình thường của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vì họ phải lo miếng cơm, manh áo hàng ngày. Văn hóa cồng chiêng một thời bị nguy cơ thất truyền và cùng với nạn “chảy máu” cồng chiêng, một bộ phận không ít thanh niên dân tộc Tây Nguyên ít tha thiết với loại hình nghệ thuật dân gian này.

Từ năm 2005 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực tổ chức nguyên bản các lễ hội cồng chiêng truyền thống, đây là sự khôi phục nhiều lễ hội lớn mà trong đó, cồng chiêng được coi là linh hồn. Các lễ hội cồng chiêng truyền thống đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, đặc biệt là đối với những du khách quốc tế. Việc khôi phục các lễ hội thông qua nhiều hình thức khác nhau như các lễ hội chào mừng những ngày lễ, sự kiện lớn trong năm, ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số...

Bên cạnh đó, ngành du lịch đã ngày càng quan tâm hơn đến việc khai thác chất văn nghệ dân gian có chiều sâu và cồng chiêng chính là linh hồn để đưa vào khai thác trong các tour du lịch văn hóa phi vật thể... chính là tạo “đất sống” cho cồng chiêng - một ‘thương hiệu” hấp dẫn của du lịch Tây Nguyên

Cử Đúp

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site