06:06 | 20/07/2014

Dân tộc S’tiêng

(LV) - Cũng như các dân tộc khác trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc S’tiêng có rất nhiều phong tục và những giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Phần lớn người S’tiêng ở vùng cao vẫn giữ tập quán canh tác nương rẫy. Họ chặt cây đốt rẫy chọc lỗ trỉa hạt, làm cỏ bằng cuốc, thu hoạch lúa bằng tay hoặc bằng liềm cắt từng giẻ lúa và có tập quán làm vườn quanh nhà, trồng cây củ quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xa xưa, người S’tiêng còn có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nhưng nay voi rừng không còn nữa, nghề này cũng bị quên lãng.

Trước đây người S’tiêng nổi tiếng với nghề thợ rèn đạt trình độ khá cao, nhiều công cụ, vật dụng tinh xảo đã được các nghệ nhân chế tác. Bên cạnh đó, nghề dệt và nhuộm vải bằng vỏ cây rừng cũng là một nghề phát triển. Chính qua những hoa văn, màu sắc, kiểu dáng trên khố váy, khăn, người S’tiêng chứng tỏ khả năng tạo hình của mình. Ngoài ra còn có những hoa văn trang trí trên những chiếc gùi, vật dụng đan lát, những hình vẽ trang trí trên cồng chiêng, trên cây nêu...

Tổ chức xã hội của người S’tiêng theo mô hình gia đình lớn gồm nhiều gia đình nhỏ cư trú trong ngôi nhà siêu dài tồn tại theo chế độ mẫu hệ song song với chế độ phụ hệ. Người mẹ già cai quản ngô lúa, gia súc gia cầm và trông coi việc ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Người bố già coi quản chiêng, ché, vũ khí, chủ trì các nghi lễ. Ngày nay, mô hình gia đình lớn mất dần, thay vào đó là mô hình gia đình nhỏ phụ hệ trở nên phổ biến.

Nhà ở của người S’tiêng có hai loại: Nhà nền đất và nhà sàn. Nhà nền đất dựng bằng khung gỗ hoặc tre, bốn mái, hai mái chái đầu hồi lượn tròn, nhà lợp tranh chắn gần sát đất, cửa đi vào ra ở hai đầu hồi. Nhà để ngô lúa làm tách riêng với nhà ở. Kết cấu nhà sàn gần giống với nhà nền đất, cầu thang lên xuống ở hai đầu nhà, sườn nhà mở ra sau sàn nơi phơi phóng, đặt cối giã gạo.

Về trang phục, nam giới đóng khố, mình trần, mùa lạnh mặc áo cổ chui đầu. Phụ nữ mặc váy, để ngực trần. Phụ nữ, nam giới đều để tóc dài búi gáy, cà răng căng tai, xăm mình. Đồng bào ưa dùng lược ngà voi; đeo vòng tay vòng cổ bạc, đồng, nhôm. Ngày nay, đa số nam nữ thanh niên trẻ không còn cà răng, căng tai, đóng khố, búi tóc xăm mình như trước.

Hôn nhân của người S’tiêng đang chuyển dần từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ, đồng thời lồng ghép vào hình thức hôn nhân có sự trao đổi. Khi nhà trai có đủ đồ dẫn cưới như: Chiêng ché, trâu bò… theo yêu cầu của nhà gái thì không phải ở rể. Trường hợp không lo đủ các yêu cầu nêu ra thì chàng trai phải ở rể đến khi cha mẹ vợ qua đời. Cha mẹ chỉ cho phép trai gái tự do hôn nhân khi đôi bên gia đình đồng ý và thông qua mai mối để tiến hành các nghi thức hôn lễ truyền thống.

Tang ma S’tiêng mang tính cộng đồng cao, khi có người qua đời dân làng đến giúp. Họ vào rừng chặt cây khoét rỗng làm quan tài, khi mai táng bỏ thêm gạo, thuốc lá bên cạnh thi thể rồi mới đóng nắp lại. Họ nhanh chóng khiêng đi chôn xa nhà, xa làng, bà con còn giữ tục chia của cho người chết bằng những đồ dùng, chiêng ché thủng hoặc đập vỡ để xung quanh mộ.

Ngôi nhà nền đất của dân tộc S’tiêng tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Phương Linh
Ngôi nhà nền đất của dân tộc S’tiêng tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Phương Linh.

Tín ngưỡng của người S’tiêng là “vạn vật hữu linh”, họ quan niệm vật gì cũng có hồn, do đó họ thờ đa Thần. Đồng bào cho rằng từ con người vật nuôi, đồ đạc, cây cối, tảng đá đều có linh hồn. Coi mặt trời là thần may mắn no đủ, các thần sấm, chớp, sông, nước, ruộng, nương, đất, mặt trăng đều được kính nể. Lễ vật cúng thần thường là hiến sinh những con vật có màu trắng (lợn trắng, gà trắng, trâu trắng).

Nghi lễ cúng thần lúa của người S’tiêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gắn bó mật thiết giữa con người với hồn lúa, giữa con người với sông suối, con người với con người… Lễ này do một gia đình tổ chức, cho dù tốn kém đến đâu nhưng gia đình mời tất cả cộng đồng về dự hội ăn mừng được mùa lúa bội thu, đánh cồng chiêng mời tất cả các vị thần, các hồn lúa ở rẫy khác của cộng đồng về dự. Đây là những giá trị nhân văn sâu sắc trong việc tổ chức lễ hội cúng lúa của người S’tiêng.

Cồng (goong), chiêng (ching) là nhạc cụ đặc sắc và tiêu biểu nhất trong các loại nhạc cụ của người S’tiêng, nó đã gắn bó với cộng đồng người S’tiêng như máu thịt, nó đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần của đồng bào. Bên cạnh cồng chiêng, âm nhạc cổ truyền còn có một khối lượng dân ca phong phú và đa dạng. Người S’tiêng có lối hát kể (Tâm pơt), có thể loại tình ca (Nao lan), trường ca (O Kroong), có hát ru, đồng dao và nhiều bài sinh hoạt khác. Họ biết chế tác và sử dụng nhiều nhạc cụ như kèn M’buốt, sáo Tơ lết, sáo U Kooc le, sáo Pia, sáo N’hôm, kèn Nung biên, đàn Đinh put và một số loại trống. Những nhạc cụ trên có khi được biểu diễn đệm cho hát, có khi diễn tấu những bản nhạc ngắn… Người S’tiêng có khu chơi thả diều, đánh quay vào mùa khô. Họ có kho tàng chuyện cổ tích phong phú về sự khai thiên lập địa, về quan hệ gia đình dòng tộc, về muôn loài chim thú.

Hiện nay, trong xu thế phát triển của xã hội, văn hóa của các dân tộc thiểu số có sự biến đổi và nguy cơ mai một dần thì việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc S’tiêng là việc làm rất cần thiết đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có vai trò của ngành văn hóa ở địa phương và cơ sở.

- Dân tộc S’tiêng còn có những tên gọi khác như: Xa Điêng, Bu Lơ, Bu Đíp, Bu Đển, Bu Lanh, Rang, Tà Mun, Bà Rá, Dalmen, Rong Ah, Bu Le.
- Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer (ngữ hệ Nam Á), có nhiều gần gũi với tiếng M’nông, Mạ, Chơ ro.
- Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê qua kết quả điều tra dân số năm 2009, dân tộc S’tiêng ở Việt Nam có 85.436 người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương.

Minh Phương

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site