08:22 | 12/09/2014

Bếp lửa trong đời sống của người Khơ Mú

(LV) - Người Khơ Mú xem bếp lửa như một phần quan trọng và linh thiêng trong mỗi gia đình. Qua đó người ta có thể đánh giá được sự giàu có, sự ngăn nắp của chủ nhân ngôi nhà.

Bếp ma nhà (Hrôi gang)

Bếp ma nhà được lập để cúng tổ tiên cha mẹ và chỉ riêng có bếp này mới phải lập theo đúng lễ nghi còn hai bếp kia như bếp tiếp khách, bếp xôi cơm thì trên sàn nhà nào cũng phải có nhưng không cần phải thủ tục cúng xin phép thần linh và bố mẹ. Bếp ma nhà cho dù không dùng để đun nấu thức ăn hàng ngày, nhưng nó lại có một nghi lễ riêng là nếu gia đình nào chưa lập được bếp thờ thì khi mất không được đặt quan tài trong nhà mà phải dỡ quan tài ra từng mảnh, mỗi người vác một miếng ván (tuyệt đối không được hai người khênh một mảnh ván, theo tục lệ thì đó coi đã là khênh quan tài rồi) đến tận huyệt mới được lắp ráp và niệm người chết ở dưới huyệt. Nếu gia đình nào cố ý làm trái sẽ gây hậu họa cho gia đình cho họ tộc và thôn bản.

Bếp lửa còn là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình
Bếp lửa còn là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.

Bếp thờ ma nhà được khoanh theo hình chữ nhật, chiều dài khoảng 70cm trong lòng nện đất thật chặt làm lớp ngăn cách với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn. Khi làm được ngôi nhà mới, người Khơ Mú quan niệm “Con ma không sống chung nhau được thì con người cũng phải làm ba bếp không thể chung nhau tất cả vào một bếp được”.

Muốn làm được bếp ma nhà, gia đình phải chuẩn bị lễ vật gồm: 2 hũ rượu cần, một con lợn, gạo, sừng trâu để đong rượu, gáo múc rượu bằng quả bầu khô, đây là thể hiện sự giàu có của gia đình bề thế. Việc tiếp theo gia đình phải chọn nhờ một đôi nam nữ trinh tiết, ngoan ngoãn, cần cù siêng năng đóng giả thành một đôi vợ chồng đan ba đầu phên (phên gianh lợp nhà, mỗi phên chỉ được đan 3 con gianh) để lót dưới đáy hũ rượu và chuẩn bị lễ vật bày trước bếp thờ ma nhà và sau đó đứng phục vụ gia chủ từ đầu cho đến khi xong lễ cúng ma nhà cho gia chủ.

Người Khơ Mú tổ chức cúng bếp ma nhà thường vào buổi chiều, khi đó cả gia đình cùng có mặt trước bếp, chủ nhà làm thủ thủ tục cúng vía, sau đó tiếp tục đến thủ tục cúng ma nhà mời tổ tiên cha mẹ về ở nhà mới phù hộ cho con cháu nhà cửa êm ấm, có nhiều sức khỏe, thóc lúa đầy nhà, gà lợn đầy chuồng…

Sau khi cúng xong cha mẹ, chủ nhà ăn ba miếng thịt trong mâm, đôi nam nữ phục vụ cất ba phên gianh lên gác bếp để lưu giữ làm vía. Gia chủ rót một chém rượu đặt lên trên gác bếp mời ông tổ chứng giám.

Tiếp đó tất cả khách đến mừng gia chủ, mỗi người đều phải đến trước bếp ma nhà uống ba lần rượu cần trong bình rượu cúng và chúc những lời tốt đẹp cho gia chủ có nhà mới có bếp mới, rượu còn lại trong bình phải để lại trước bếp ma nhà đến ngày hôm sau mới được dọn dẹp cất giữ.

Bếp chính (Tâm brạ)

Bếp chính hình chữ nhật chiều dài khoảng 1m, bên trong cũng nện đất thật chặt làm lớp ngăn cách với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn, chính giữa đặt một cái kiềng dùng để đun nấu. Song song với khung bếp cách mặt sàn khoảng 80cm là giàn bếp làm bằng tre, nứa được treo bởi dây mây bốn góc, trên giàn đặt để lưu giữ lương thực, thực phẩm cần sấy khô như: Một xâu thịt rừng, da trâu, cá hoặc thịt đã nướng… Trên cùng là giàn khói dùng treo những hoa quả sấy khô, ngô, lúa giống và các vật dụng đan lát cần được hong khói để tăng thêm độ đen bóng và làm cho vật dụng được bền chắc hơn.…

Vị trí của bếp được đặt ngay gian đầu cầu thang, bếp này dùng để nấu nướng và tiếp khách, khi lập bếp gia đình không cần thờ cúng. Đối với người Khơ Mú bếp này không đơn thuần là nơi để nấu nướng, để sưởi ấm, mà còn là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, là nơi đón tiếp khách đến chơi. Mọi người thường ngồi lại quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm và trò chuyện, chia sẻ những buồn vui…

Bếp chính (Tâm brạ)
Bếp chính (Tâm brạ).

Bếp xôi cơm (Tâm rumạ)

Bếp này được người Khơ Mú đặt ở cuối mỗi ngôi nhà, cũng được thiết kế hình chữ nhật, chiều dài khoảng 80cm đến 90cm. Riêng bếp này liên quan đến tục rước mẹ lúa (Grơ mẹ ngọ) cho nên không dùng để đun nấu thức ăn, sưởi ấm mà chỉ dùng để xôi cơm của mỗi gia đình.

Có thể nói, bếp lửa của người Khơ Mú luôn gần gũi, gắn bó không thể tách rời trong cuộc sống của từng gia đình. Đó chính là những nét văn hóa gắn liền với trong đời sống sinh hoạt của các cư dân sinh sống nơi núi rừng Tây Bắc. Những nét văn hóa độc đáo ấy có từ bao đời và đang được người Khơ Mú lưu giữ theo cùng thời gian. Nó là một kho tàng nghệ thuật dân gian phong phú đã góp phần quan trọng làm nên dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo và riêng biệt.

Box: Người Khơ Mú quan niệm dù giàu hay nghèo, dù nhà to hay nhà bé, một gia đình phải có “bốn góc nhà, ba góc bếp”, tức là trên sàn mỗi gia đình phải có đủ 3 bếp: Bếp ma nhà (Hrôi gang), bếp tiếp khách (Tâm brạ) và một bếp dùng để xôi cơm (Tâm rumạ), cả ba bếp đều quan trọng vì mỗi bếp có một chức năng và vị trí riêng biệt trong mỗi ngôi nhà nhưng quan trọng nhất và linh thiêng nhất là bếp thờ cha mẹ, tổ tiên.

Đặng Phương Lan


Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site