06:13 | 24/09/2014

Nghề đan lát của người K’ho

(LV) - Đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống của dân tộc K’ho (Lâm Đồng), thường được thực hiện vào những thời điểm nông nhàn. Hàng năm cứ vào khoảng tháng 6, tháng 7 dương lịch, sau khi công việc gieo trồng ngoài nương rẫy đã xong bà con dân tộc nơi đây lại bắt đầu bước vào mùa đan lát.

>>> Bảo tồn văn hóa dân tộc Si La  

Nguyên liệu của nghề đan

Nguyên liệu dùng trong đan lát của người K’ho thường được khai thác trực tiếp từ thiên nhiên ở các đồi núi quanh địa bàn cư trú, bao gồm những loại: lồ ô, nứa, dây mây, cây sim rừng, cóc rừng, cói, vỏ cây pết, cây tỳ hoặc lá cây sơ đoă. Tất cả các loại cây nguyên liệu trên thường được khai thác vào những ngày không có trăng (cuối tháng). Theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào thì nếu khai thác vào những ngày này cây sẽ không bị mối mọt, còn riêng các loại cây để tạo màu như: cây pết, tỳ, sơ đoă thì chọn loại cây già lắm nhựa để cho được màu chuẩn khi nhuộm.

Các loại cây nguyên liệu trên sau khi lấy từ rừng về đều được lựa chọn xử lý và sơ chế một cách đơn giản trước khi đưa vào sản xuất.

Công cụ sản xuất

Công cụ sản xuất dùng trong nghề đan lát của người K’ho tuy không nhiều nhưng sắc bén có kiểu dáng và kích thước đặc biệt phù hợp với yêu cầu trong các công đoạn đan lát và loại hình sản phẩm. Cụ thể như: xà gạt dùng để chặt, sơ chế nguyên liệu, dùi nhọn (xô - uých - kơ - sôi) dùng để dùi lỗ xuyên sợi khi cạp miệng (găp) và nấc vành (gơ - nap), dao nhọn (pêscôt): mũi nhọn, cán cong rất sắc bén dùng để chuốt sợi mây, vót nan; Khung đan (noa - rơ - sự) thường sử dụng trong đan gùi. Khung có hai loại: khung tròn và khung vuông và có kích thước to nhỏ khác nhau tùy thuộc vào loại gùi cần đan mà người đan sẽ sử dụng.

Kỹ thuật đan và hoa văn trang trí

Thông thường trong quy trình sản xuất để tạo sản phẩm, nghề đan lát của các dân tộc Mạ, K’ho, Churu cũng có nhiều điểm tương đồng, nhất là trong cách cài nan, kiểu đan. Ở các sản phẩm của họ phổ biến được đan theo kiểu cài lồng mốt (po - dul) và cài lồng đôi (po - pa - rờ) như các loại gùi, nong, nia, chiếu, sớp, chụp mối, lờ bắt lươn. Ngoài ra còn dùng kĩ thuật kết nan (găp) khi làm một số sản phẩm khác như: đó, nơm, chụp mối... Để định hình, tạo dáng cho sản phẩm, một số loại sản phẩm có sử dụng khung đan để uốn nan theo ý định của người đan.

Hoa văn trang trí trên các sản phẩm đan lát của người K’ho ở Lâm Đồng là các loại hoa văn hình học và thường được bố trí ở phần thân gùi, phần miệng hoặc chạy đường viền như: chiếu, sớp đựng cơm... Đặc biệt có hai loại hoa văn được người K’ho hay dùng để trang trí chủ yếu trên gùi mà đồng bào thường gọi là băng - cha - kiang (hoa văn xiên hình chữ V) và băng - cha - ờs (hoa văn hình thoi). Nhưng theo trí tưởng tượng tạo hình đơn giản của họ thì đó là dạng gấp khúc cùi chỏ và hình quả trám. Trên chiếu và sớp thường phổ biến loại hoa văn hình móng chân chó, hình vỏ rùa...

Màu sắc sử dụng để trang trí hoa văn chủ yếu trên các sản phẩm là màu đỏ, đen. Người K’ho cũng thường dùng màu để nhuộm nan, sợi để đan hoa văn nhưng chủ yếu là dùng cho chiếu, sớp. Riêng đối với gùi thì họ ít khi dùng nan nhuộm màu để đan gùi hoa mà họ lợi dụng chính bản chất của nan nứa, lồ ô để tạo màu làm nổi bật các đường nét hoa văn. Nghĩa là khi đan gùi hoa, người K’ho ở Di Linh sẽ dùng toàn bộ nan cật, các nan đều để nguyên cật xanh, riêng nan xương được cạo sạch lớp cật xanh mỏng ở bên ngoài cho nhạt hơn. Sau khi đan xong thì người ta mang gác trên giàn bếp một thời gian, lúc này khói và bồ hóng ăn vào các nan gùi tạo ra hai màu đậm nhạt rõ rệt (nan nguyên cật có màu nâu đậm, nan được cạo cật sẽ có màu vàng nhạt) làm nổi bật các đường nét hoa văn.

Nghề đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc K’ho ở Di Linh (Lâm Đồng) nhưng hiện nay đang dần bị mai một. Những kỹ thuật tinh xảo như đan gùi hoa, chiếu, sớp đang có nguy cơ bị thất truyền (hiện nay hầu như chỉ có người già còn biết đan gùi hoa), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiếu nguyên liệu. Nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng, đó là ngày nay trong cuộc sống hiện đại với sự xuất hiện của những đồ dùng bằng nhựa với giá rẻ và tiện dụng (như rổ, rá, làn, giỏ xách...) cũng đã ảnh hưởng nhiều tới nghề đan lát. Vì vậy, cần sớm có những dự án, chính sách thích hợp để khuyến khích, hỗ trợ giúp bà con bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của nghề thủ công truyền thống này

Đoàn Bích Ngọ

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site