06:11 | 16/10/2014

Hát Iếu - Khúc hát giao duyên của người Tày

(LV) - Trong kho tàng văn hoá của người Tày, hát dân ca giao duyên luôn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá tinh thần đặc sắc. Trong vô vàn các làn điệu dân ca làm say đắm lòng các chàng trai, cô gái Tày như hát Then, hát Khắp cọi, hát Sli… phải kể đến hát Iếu - một hình thức hát giao duyên khá đặc sắc của người Tày ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Giao duyên gắn kết vợ chồng

Hát Iếu là hình thức hát đối đáp của một nam, một nữ hoặc một tốp nam nữ tình cờ gặp nhau ở một lễ hội, ở chợ hay trên đường đi làm nương rẫy… Hát Iếu không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hoá mà còn thực hiện chức năng trao đổi tình cảm lứa đôi và biểu hiện nét đẹp trong phong tục, tập quán của người Tày. Bởi vậy, hát Iếu còn được ví như “làn điệu quan họ” giao duyên của người Tày.

Từ xưa, hát Iếu là loại hát dân ca, chỉ dành cho người chưa vợ và chưa chồng. Tuy nhiên, trong thực tế, do sức hấp dẫn của loại hình dân ca này nên những người có vợ, có chồng, thậm chí là những người lớn tuổi đều có thể hát.

Nghệ nhân Hoàng Thị Hợi bày tỏ: Đến già mình vẫn say mê điệu Iếu này. Càng đi sâu tìm hiểu và càng đi theo cái làn điệu Iếu, càng thấy nó sâu sắc, đằm thắm, tình cảm: “Yêu nhau yêu mãi đến già/ Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Lúc trẻ là thế, còn khi đến tuổi già thì vẫn thương nhau thôi.

Hát Iếu có nhiều đặc điểm khác biệt với những làn điệu hát khác của người Tày, từ nội dung, trình tự cuộc hát đến cách thức tổ chức. Ví dụ hát Then là những bài dân ca cổ truyền từ xưa, lời bài hát đều đã theo bài bản đã có sẵn. Còn hát Iếu là hát đối đáp chỉ xuất hiện trong sự ngẫu hứng, khi một bên ra lời hát thì bên kia phải hát đối đáp lại sao cho hợp lý, thuyết phục. Do vậy ở hát Iếu thì biên độ sáng tác, ứng khẩu rộng rãi, tự do hơn so với các thể loại khác. Do vậy, người tham gia hát Iếu phải thật thông minh, nhanh nhạy và có tài ứng tác.

Hát Iếu giao duyên còn gắn kết nhiều cặp trai gái nên nghĩa vợ chồng và có những lúc hát Iếu còn thay lời muốn nói để bày tỏ tâm trạng, nỗi lòng của mình. Nghệ nhân Hoàng Pi chia sẻ từ những câu chuyện ông đã từng gặp: Đôi vợ chồng lấy nhau, trong cuộc sống có vấn đề gì giận hờn nhau mà không giải quyết được, người vợ bực tức sáng không muốn dậy. Người chồng buổi sáng dậy, ra vườn tưới nước và Iếu lên một bài hát võng đến tai vợ, vợ thương chồng nên phải dậy, cùng chồng thả trâu, thả vịt, cho lợn ăn, rồi đến bữa cơm sáng… Một bài hát đã giúp hai vợ chồng xoá bỏ mâu thuẫn, mà không cần ai giải quyết cả.

Nội dung hát Iếu thường chia thành 5 loại: Iếu định duyên, Iếu quấn quýt, Iếu khoáy, Iếu đố và Iếu lượn. 5 loại hát Iếu này được xem như các cung bậc: hỷ - nộ - ái - ố của đồng bào Tày ở Quang Bình, Hà Giang. Tuy nhiên không phải cuộc Iếu nào cũng đầy đủ các nội dung trên mà tuỳ từng diễn biến cuộc hát, trình tự cuộc hát thường là chào nhau, mời nhau hát, hát tìm hiểu, tâm tình, giãi bày rồi tiếp đến là các đoạn xe kết, định duyên hoặc chia tay, hẹn ước.

Thời gian hát Iếu diễn ra rất dài, có thể thâu đêm đến sáng. Thường là một bên nam hoặc một bên nữ ra câu đố, bên kia phải hát đối lại. Khi hát trả lời được rồi thì có thể đưa ra câu đố, tình huống khó hơn cho người đã đố mình lúc trước. Cứ như vậy, hai bên đối đáp nhau cho tới khi bên nào thua thì thôi…

Khóc thương người đã mất

Một thể loại hát Iếu rất quan trọng trong đời sống của người Tày, đó là Iếu lượn, thường được sử dụng trong những dịp tang ma. Iếu lượn là những lời tâm sự, giãi bày, nhớ nhung, tiếc nuối của người trần gian với người đã mất.

Truyền thuyết xa xưa kể rằng, có một đứa con câm điếc, khi bố chết không biết khóc, bèn mượn đội trống kèn đến để khóc cha. Trống đánh kèn thổi một lúc thì ông bố tỉnh ra và nói, từ khi chết không nghe tiếng con cháu khóc, đến hôm nay mới nghe tiếng kèn này võng đến tôi tỉnh ra, báo cho con cháu được biết. Từ truyền thuyết đó, người Tày dùng Iếu lượn trong mỗi dịp tang ma.

Sau những lời hát thể hiện sự tiếc thương, những người trong ban tang lễ sẽ múa những điệu lượn để tiễn đưa linh hồn của người đã khuất. Những người này sẽ dùng tiếng khèn, tiếng chũm choẹ để phát ra những âm thanh độc đáo.

Nghệ nhân Hoàng Giao cho biết: Iếu lượn cũng có nhiều bài khác nhau theo tiến trình của lễ tang hoặc dành cho những người trẻ, già khi khuất núi cũng có sự khác biệt. Iếu lượn cũng có cả bài dành cho người đến phúng viếng với những làn điệu khác nhau.

Iếu lượn là làn điệu dân ca duy nhất kết hợp hát và múa. Bên cạnh những giá trị về mặt nghệ thuật, Iếu lượn còn mang giá trị văn hoá sâu sắc bởi dân tộc Tày có quan niệm rằng chết cũng là một niềm hạnh phúc, con người sẽ từ giã thế giới trần tục để bước sang một thế giới vĩnh hằng. Và sau tâm trạng tiếc thương của con cháu thì những bước lượn và âm thanh sôi động sẽ thay cho lời vui mừng tiễn đưa linh hồn người đã khuất sang một thế giới mới.

Câu hát Iếu của đồng bào Tày mang giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống của đồng bào nơi đây. Hát Iếu thể hiện sự tế nhị trong giao duyên, tỏ tình của trai gái Tày xưa, đồng thời thể hiện khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp. Những bài hát Iếu đã in sâu trong tâm hồn tình cảm của biết bao người vẫn được lưu truyền cho con cháu các thế hệ sau này. Những bảo lưu về giá trị tinh thần của đồng bào dân tộc Tày ở Quang Bình, Hà Giang được thể hiện trong nghệ thuật hát Iếu có thể nói đã tạo nên một gương mặt dân ca độc đáo trong nhiều gương mặt khác của dân ca các dân tộc Việt Nam

Song Nguyên

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site