15:16 | 08/11/2014

Đi tìm nét văn hóa của người Xá Phó

(LV) - Dân tộc Xá Phó ở Lào Cai hiện chỉ còn vài nghìn người sống thành làng xen kẽ với các dân tộc Tày, Giáy… ở một số xã như Hợp Thành, Tả Phời (TP. Lào Cai), Gia Phú (Bảo Thắng), Nậm Sài (Sa Pa)... Chính vì cái sự không tập trung ấy đã tạo nên nét văn hóa vùng độc đáo ở mỗi bản làng của người Xá Phó.

Đến với bản làng người Xá Phó thôn Nậm Rịa

Biết tôi muốn tìm hiểu về phong tục tập quán cũng như những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, anh Lý Ngọc Sáng, Bí thư chi bộ - một người Xá Phó có gốc gác 4 đời ở Hợp Thành mời tôi vào nhà, rồi giới thiệu với tôi những đồ dùng, vật dụng cũng như trang phục, nét hoa văn của người Xá Phó thôn Nậm Rịa 2. Anh nói với tôi: “Nhà của người Xá Phó trước kia là nửa sàn, nửa đất hoặc nhà sàn 100% như kiểu nhà của người Tày, người Giáy, người Thái… Nhưng bây giờ thì hầu như không còn ngôi nhà sàn theo đúng nghĩa nào nữa, có chăng chỉ là những chiếc lều trông nương mà thôi.

Hoa văn trên váy, áo của người Xá Phó
Hoa văn trên váy, áo của người Xá Phó.

Cách đây khoảng 5 năm, thành phố đã vận động người Xá Phó “hạ sơn”, nhường đất để khai hoang ruộng bậc thang, làm màu để nâng cao đời sống. Bà con người Xá Phó được hỗ trợ tiền làm nhà, xây sân, nhà vệ sinh, đưa chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa nhà. Bản Nậm Rịa 2 bây giờ nhộn nhịp đông vui, chẳng kém gì bản làng của bà con người Tày, người Giáy. Một số hộ được ở lại đã thành lập làng mới (Nậm Rịa 1), sống quây quần bên sườn núi… cùng nhau canh tác ruộng nước và trồng ngô. Mặc dù còn khó khăn nhiều đấy, nhưng đời sống của bà con đã được nâng lên. Số hộ đói không còn…”.

Theo chân anh Sáng, tôi đến thăm nhà chị Đào Thị Xuân, trưởng thôn Nậm Rịa 1 để tìm hiểu thêm nét đẹp văn hóa của người Xá Phó. Không ngần ngại, chị vui vẻ giới thiệu với tôi nét hoa văn hình quả trám được thêu khá kỳ công trên áo và chân váy của phụ nữ người Xá Phó. Chị nói: Trước khi đi lấy chồng, phụ nữ người Xá Phó phải biết dệt và thêu được ít nhất 2 đến 3 bộ váy áo (dành cho bản thân) và 2 bộ quần áo được nhuộm chàm (dành tặng chồng); chăn gối, khăn đội đầu để đưa về nhà chồng. Mỗi bộ áo, váy chị em phải tranh thủ làm trong thời gian 3 đến 4 tháng mới xong. Trước khi về nhà chồng, bố mẹ, anh em sắm cho một chiếc rương (hòm), đan khá công phu và tỷ mỷ bằng mây, được sấy hàng năm trời dưới khói đen của bồ hóng trên gác bếp. Trong rương xếp đủ mấy bộ áo, váy, gối, chăn, màn, gương lược và một ít đồ trang sức (nếu có)...

Truyền dạy để bảo tồn văn hóa truyền thống

Cùng với nét đẹp trong trang phục và phong tục truyền thống, người Xá Phó còn lưu giữ được những ca khúc và điệu múa “đậm đà bản sắc văn hóa” của dân tộc mình. Chị Đào Thị Xuân có nhã ý mời tôi lên thăm cụ bà Lý Thị Mà, nhà ở lưng chừng núi “Chi gơ đề” (tạm dịch là núi con voi), nhưng vì đường quá xa, dốc đá tai mèo nên hẹn mãi đến mấy ngày sau chị Xuân và các em trong chi hội phụ nữ thôn Nậm Rịa 1 phải mời cụ xuống núi để truyền dạy những điệu múa và những “ngón” hát có một không hai của người dân tộc Xá Phó vùng quê Lào Cai.

Xem chị thêu áo
Xem chị thêu áo.

Cụ Lý Thị Mà năm nay đã bước vào tuổi 82, chân đã chậm, mắt đã mờ nhưng cụ hát vẫn rất hay, giọng hát sang sảng ngân vang khắp mấy gian nhà văn hóa mà không cần micro. Cụ cười nói vui vẻ với tôi: Ngày xưa, người Xá Phó còn biết thổi sáo mũi kia. Các cụ già bảo đó là sáo Cúc Kẹ, ai thổi được sáo đó mới đích thực là người Xá Phó mà. Cụ hát cho tôi nghe bài hát “Ơn lời Bác dạy” khá hay và điêu luyện. Có lúc cụ khoanh tay trước ngực, lúc lại vòng qua đầu. Tôi chẳng hiểu nhiều, nhưng nghe giọng cụ hát hay nên giơ vội chiếc máy ảnh lên ngắm. Cụ ngăn lại bảo, cháu đừng chụp ảnh, bà bây giờ xấu rồi, để các cháu hát rồi chụp!

Cụ vừa hát, vừa đưa cây sáo lên mũi thổi, những âm thanh “phí phe, phí phe! Phù phù, phụt phặt…” nghe vui tai đáo để. Tôi há mồm nghe, nhưng chẳng hiểu gì, thấy vậy cụ dừng lại bảo: Cháu chẳng nghe được đâu, các cháu người Xá Phó ở đây còn chẳng hiểu được nữa là…! Cháu học tiếng Xá Phó đi! Khi biết rồi thì bà sẽ truyền dạy cho. Tôi hứa với cụ sẽ cố học, nhưng tiếng Xá Phó khó lắm, nghe cứ như tiếng chim hót ấy.

Cụ Lý Thị Mà bá vai mấy đứa cháu, rồi chìa cho mỗi cô một đôi khăn tay màu hồng. Rồi cụ vòng qua, vòng lại nhịp nhàng theo điệu múa khăn. Các cô gái nhìn cụ và tung khăn múa theo các hình vòng tròn, hình khuyên, hình e líp, lúc ngồi, lúc đứng khá uyển chuyển. Những chiếc khăn tung lên rồi lại hạ xuống theo nhịp hát then của người Tày. Vừa múa, các cô gái vừa hát vang bài “Bác Hồ ở Pác Bó”.

Cụ, hay nói đúng hơn là nghệ nhân Lý Thị Mà là người rất am hiểu văn hóa của dân tộc mình. Cụ nói với tôi (thông qua phiên dịch): Cả bản giờ chỉ có mình bà là biết thổi qua loa cây sáo mũi Cúc Kẹ thôi. Bà chẳng biết bản sắc văn hóa, văn họ gì, chỉ biết rằng ngày xưa người Xá Phó ở nhà nửa sàn, nửa đất… bây giờ mai một nhiều rồi, cả bản không còn cái nhà sàn nào nữa vì không còn nhiều gỗ mà. Ngôi nhà mà bà đang ở là nhà của thằng con trai làm, lợp bằng ngói, nền xi măng thông thường như bao ngôi nhà khác ở trong bản thôi mà. Bà chỉ mong các lãnh đạo quan tâm, giúp đỡ để các cháu mãi mãi giữ được cái váy, cái áo của người Xá Phó bà thôi màn

Quang Trung

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site