22:43 | 23/12/2014

Mê đắm làn điệu Soọng Cô

(LV) - Cũng như làn điệu sli, lượn của người Tày, Nùng và sình ca của người Cao Lan, Soọng Cô của người Sán Dìu là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ. Ðược lưu truyền từ nhiều thế hệ, người Sán Dìu đã say mê hát bởi Soọng Cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động.

“Hồn cốt” văn hóa của người Sán Dìu

Theo truyền thuyết “Truyện quả bầu” nói về nguồn gốc dân tộc Sán Dìu, kể rằng thuở xa xưa trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận, cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em họ nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót.

Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai, họ bèn lấy nhau, sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng toàn con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau được nên phải sang làng khác tìm hiểu. Ðể bạn tình ở làng bên rung động họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Hát Soọng Cô ra đời từ đó và tồn tại đến ngày nay.

Soọng Cô là một thể loại hát ví đối đáp gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian của người Sán Dìu. Hát Soọng Cô chủ yếu là phần đối đáp giao duyên và những lời hát ru, họ hát những câu hát nói về tình yêu lứa đôi, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, ca ngợi tình nghĩa thuỷ chung vợ chồng, công lao ông bà, cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có nhân, có hiếu… khi tiếng hát cất lên nghe thật dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm ấm làm say mê lòng người, những lời ca bình dị ấy đã trở thành món ăn tinh thần, mặc cho thăng trầm thời gian nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt và lắng đọng trong tâm hồn của người Sán Dìu.

Môi trường diễn xướng của hát Soọng Cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh, người ta có thể hát một đêm, nhiều đêm, hát trong nhà, bên bờ suối, khi đi làm nương, hát trong đám cưới, trong khi ru con hay trong lúc đi chơi làng và hát chúc xuân, trong các lễ hội của người Sán Dìu.

Hát giao duyên

Những đêm hát giao duyên của các chàng trai cô gái Sán Dìu thường diễn ra ở trong nhà, bên bờ suối, hoặc khu đất trống trước làng. Nếu hát trong nhà, đầu tiên khách phải xin phép gia chủ để được hát giao duyên. Khi đã được chủ nhà đồng ý, các đôi trai gái sẽ được thỏa sức trổ tài ca hát của mình và từ lúc đó bắt đầu cho một đêm hát giao duyên.

Khi bạn hát đến nhà, chủ nhà thường đặt ra những lời hát đố để thử thách sự thông minh trong cách đối đáp của bạn hát, nếu như không giải được câu đố thì buổi hát dừng lại, mời bạn về để hôm khác có sự chuẩn bị tốt hơn sẽ hát.Cuộc hát đối đáp diễn ra với những lời thách đố của hai bên. Những tuần trà lần lượt rót ra mời bạn. Những câu hát vẫn nhẹ nhàng trầm lắng, làm cho con người quên đi cảm giác về thời gian.

Hát giao duyên không chỉ là phương tiện thể hiện tài năng của các đôi nam nữ mà còn là nơi gửi gắm và thể hiện ước mơ, quan niệm về người bạn tình cũng như tình cảm của những người đang tìm hiểu nhau. Từ những đêm hát này mà có biết bao đôi trai gái đã bén duyên và yêu nhau.

Trong hát giao duyên, có những câu hát thể hiện nỗi nhớ nhung của chàng trai, cô gái khi đang yêu: Nhớ anh lắm lắm anh ơi/ Nhớ đêm không ngủ nhớ ngày không ăn/ Nhớ anh cơm chẳng buồn ăn/ Hai bên tay áo ướt đầm như mưa…

Bên cạnh những lời tâm tình, còn có những lời than thở, những ước nguyện của đôi trai gái, hát Soọng Cô còn thể hiện sự chủ động trong tình yêu của những chàng trai, cô gái Sán Dìu. Từ tình yêu, họ mơ ước tiến đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc

Hát trong đám cưới

Theo quan niệm của người Sán Dìu thì đám cưới có thể thiếu lợn, rượu nhưng không thể thiếu làn điệu Soọng Cô, vì đó là những nghi thức bắt buộc trong lễ cưới của họ.

Theo phong tục khi nhà trai đến rước dâu thì bên nhà gái mang những chiếc ghế để ở cửa ra vào cùng một ấm trà pha sẵn và một vài miếng trầu đã têm với ngụ ý là nhà trai phải hát đúng những câu hát của nhà gái đưa ra thì mới được mời vào nhà. Sau khi đáp ứng được câu hỏi của nhà gái đưa ra, nhà trai được mời vào trong nhà, đại diện bên nhà trai là ông trưởng quan lang (người thay mặt bố mẹ chú rể đi đón dâu) xin phép họ hàng nhà gái làm lễ cúng tổ tiên và đón cô dâu về nhà. Lúc này, tại nhà gái diễn ra lễ Khai Hoa Tửu (Hoi Va Chíu) và những làn điệu Soọng Cô vang lên là những lời hát mừng và tạ ơn công lao của tổ tiên.

Soọng Cô trong đám cưới thường do các cặp nam giới đối đáp nhau, nhà trai cử hai anh hát, nhà gái cũng cử hai anh. Hát suốt ngày suốt đêm cho đến khi tan tiệc cưới.

Trải qua thời gian, do nhiều nguyên nhân điệu hát Soọng Cô đang bị mai một dần. và số lượng người thực sự biết hát Soọng Cô không còn nhiều. Một số bài hát do được truyền khẩu theo thời gian đến nay đã không còn lưu giữ được… Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển điệu hát Soọng Cô không chỉ có ý nghĩa gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của người Sán dìu mà còn để “hồn cốt” văn hóa của người Sán Dìu ăn sâu vào trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Theo tiếng Sán Dìu thì Soọng có nghĩa là hát, còn Cô nghĩa là ca. Hát Soọng Cô có hai dạng: Hát giao duyên gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất (hị soon Soọng Cô) và hát đối đáp trong lễ hội, lễ cưới (sênh ca chíu cô).

Soọng Cô được hát theo sách, có bài bản sẵn. Người đi hát phải thuộc sách hát. Ngày nay, có nhiều bài hát Soọng Cô lời mới, dựa vào từ, vào giai điệu của những câu hát cổ, người Sán Dìu đã sáng tác thêm những bài hát mới ca ngợi quê hương đất nước.

Lê Loan

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site