20:59 | 18/01/2015

Mùa làm cốm của người Giáy ở Lào Cai

(LV)- Có một tục lệ không thể thiếu trong nghi lễ quan trọng của bà con các dân tộc Giáy (Quang Kim, Bát Xát, Lào Cai) là việc làm cốm để ăn mừng mùa vụ bội thu, làm lễ tạ ơn trời đất và thần lúa đã mang đến cho họ những hạt lúa vàng...

>>> Dân tộc Sán Dìu 

>>> Phiên chợ đặc biệt ngày đầu năm 

Cả làng giã cốm

Trong tiết trời se se lạnh, băng qua những cánh đồng còn thơm mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng, đi trên những con đường “nông thôn mới” chúng tôi háo hức về thôn Làng San (Quang Kim, Bát Xát) khi đồng bào Giáy nơi đây đang rộn ràng trong ngày lễ ăn mừng cơm mới. Trong làng hôm nay nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng có tiếng nói chuyện, tiếng cười giòn tan và lũ trẻ con thì nhảy nhót quanh sân nhà chờ xem giã cốm.

Vào thăm và xem giã cốm ở nhà ông Liềng Văn Sửu và bà Lục Thị Chắp, đúng lúc gia chủ đang chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên. Vừa làm cỗ, bà Lục Thị Chắp vừa cho biết: Ðể chuẩn bị cho nghi lễ cúng mừng lúa mới, đồng bào Giáy ở Làng San phải chuẩn bị một món ăn không thể thiếu đó là xôi cốm. Ðể có cốm làm xôi, người ta phải làm cốm... Từ hôm trước bà Chắp ra ruộng lúa nếp vào buổi sáng sớm, cẩn thận chọn từng bông lúa nếp ngắt về để làm cốm. Bà Chắp tâm sự: Phải để lúa đủ độ chín mới gặt về làm, bởi nếu nếp già thì hạt cốm sẽ cứng, ăn không ngon, nếp non quá thì cốm làm được sẽ ít... Những ruộng lúa nếp bản địa do người Giáy tự để giống, hạt căng tròn, ngậm đầy sữa, nên cốm của người Giáy dẻo ngọt và thơm.

Quan sát các công đoạn làm cốm của người Giáy ở Làng San chúng tôi thấy mọi thao tác đều được các bà, các chị làm rất tỉ mỉ, bởi không chỉ làm ra hạt cốm ngon để cúng lễ tổ tiên trong ngày mừng cơm mới mà ở đó còn chất chứa cả tâm huyết của người vùng cao, nên để làm được hạt cốm cũng đòi hỏi lắm công phu. Khi lúa vừa chín độ “ngả bóng câu” thì người phụ nữ trong gia đình dùng một dụng cụ làm bằng sừng trâu chuyên để ngắt lúa, ra ruộng lúa ngắt từng bông đem về tuốt hạt, sàng sảy bớt vỏ và tạp chất. Sau đó, đến công đoạn đãi nếp để chọn hạt mảy, căng bóng, rồi đem rang bằng chảo gang đúc.

Vừa vớt mẻ cốm rang trong chảo gang to trên bếp lửa xuống rá, bà Lồ Thị Ý cho biết: Cốm rang cần được đảo liên tục cho nóng đều, bởi chỉ cần quá lửa là hạt cốm sẽ nát. Cốm rang xong khi còn nóng là đem giã ngay, rồi đem sảy mày, thế là có được cốm ngon... Chẳng ai biết đích xác nghề cốm có tự bao giờ, nhưng theo người già trong bản thì mỗi độ thu về người Giáy Làng San đã rang nếp non đem cho vào cối giã cho thêm dẻo và thơm hương sữa nếp thơm, để rồi có được thứ quà đặc sản “cốm non” như ngày nay.

Mâm cỗ không thể thiếu cốm

Làm cốm chỉ là một công việc trong chuẩn bị nghi lễ cho ngày mừng cơm mới của người Giáy ở Làng San. Tuy không cầu kỳ nhưng mâm cỗ cúng của đồng bào nơi đây không thể thiếu món bánh cốm... cùng với rượu, thịt vịt, thịt lợn. Bánh cốm là món được coi như là chủ đạo trong mâm cỗ cúng. Thế nên sau khi đã chế biến ra hạt cốm, người Giáy cho một ít nước ấm trộn vào cốm, băm thịt lợn nạc cùng hành khô phi thơm với mỡ nước... sau khi đã trộn vừa gia vị, gói nguyên liệu vào lá chuối rồi xếp vào chõ, đồ cho tới khi bánh chín. Khi cúng, người Giáy bỏ bánh cốm ra khỏi lá chuối, xơi ra bảy chiếc bát con để lên mâm cỗ cúng. Những bát bánh cốm nóng hổi bốc khói nghi ngút tỏa hương thơm phức được người Giáy đưa lên ban thờ để cúng lễ. Khi cúng lễ, họ sắp lễ ở 2 ban thờ, một là thờ tổ tiên ông bà ở ban thờ chính, còn một ban thờ đặt dưới đất thờ thần đất, ngoài cửa cũng thắp 2 nén hương tại nơi ghế đá ngay bậc cửa ra vào để cúng vãng lai...

Sau khi đã chuẩn bị xong mâm cỗ cúng, gia chủ đốt nén hương thơm, rót rượu ra các chén nhỏ đã bày sẵn trên các ban thờ và lầm rầm khấn bằng tiếng Giáy. Nội dung lời khấn: Hôm nay là ngày tốt, gia chủ có mâm cơm cúng, thành tâm mời ông bà, tổ tiên về ăn cơm mới. Ðây là tấm lòng thành dâng lên tổ tiên cũng là tạ ơn trời đất đã cho mùa màng tươi tốt bội thu... Mong rằng thần trời, thần đất phù hộ cho gia chủ, cho bản làng năm sau hạt lúa thêm mẩy, cây lúa thêm trĩu bông, nặng hạt, thóc đầy nhà, con cái trong nhà luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!

Bài cúng lễ cho ngày ăn mừng cơm mới thật đơn giản, nhưng trong đó chứa đựng khát vọng của người vùng cao gắn bó với hạt lúa, nương ngô, gắn bó với ruộng vườn, cây quả... Người Giáy Làng San cũng như nhiều dân tộc thiểu số ở Lào Cai, nghi lễ mừng cơm mới là một nghi lễ rất quan trọng trong một năm, không thể thiếu. Ðó là nét văn hóa mang đậm bản sắc, giàu tính nhân văn, nét đẹp vẫn được người Giáy bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay...

Trời đã sang chiều, mùi thơm của cốm nếp lan tỏa vương khắp bản làng, bởi hôm nay nhà nào cũng làm cốm. Dù có bận rộn, tất cả đều gác lại công việc để “ăn cốm”... Chờ cho mâm cỗ cúng hạ xuống, chúng tôi đã cùng chủ nhà ăn bữa cơm trong ngày mừng cơm mới trong niềm vui chộn rộn. Và món xôi cốm làm chúng tôi không khỏi tấm tắc khen vì đây là lần đầu tiên được thưởng thức món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực của đồng bào Giáy. Hương cốm dịu ngọt lại đượm mùi thơm nhẹ nhàng thanh tao của lá chuối hơ lửa như gói gọn cả hương vị đất trời, của đồng quê và của nắng gió nơi miền sơn cước.

Thanh Cường

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site