02:20 | 16/02/2015

Người Cor ăn Tết

(LV) - Mỗi năm dù thế nào đi nữa, ao ước của mỗi gia đình dân tộc Cor ở huyện vùng cao Bắc Trà My (Quảng Nam) là được tổ chức ăn Tết, cầu cúng một năm an lành, hạnh phúc, mùa màng bội thu, dân làng khỏi ốm đau, bệnh tật, mọi người đoàn kết và thương yêu cùng nhau xây dựng quê hương...

>>> 2015 - Hứa hẹn của văn hóa Việt 

>>> Hội Xuân dân tộc Tết Ất Mùi 2015 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam 

Thời điểm ăn Tết do chủ nóc nhà quyết định

Tết đầu năm là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, giàu tính nhân văn của cộng đồng người Cor được tổ chức trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến hết tháng 2 dương lịch hàng năm sau Tết Nguyên đán của người Việt (Kinh). Ngày xưa, mỗi nóc nhà người Cor thường có nhiều hộ gia đình cùng huyết thống sinh sống. Nhà nào, nóc nào có điều kiện thì tổ chức ăn Tết theo khả năng và thời điểm thích hợp được người chủ nóc ấn định. Tuy diễn ra không đồng loạt, nhưng Tết đầu năm luôn được người Cor tổ chức tưng bừng và nhộn nhịp. Tùy từng vùng mà người Cor nơi đây gọi Tết đầu năm với nhiều tên gọi khác nhau: Xa-a-ní hay Xa-viết (Xa: có nghĩa là ăn, a ní hay viết có nghĩa là Tết).

Tết đầu năm luôn được người Cor tổ chức tưng bừng và nhộn nhịp
Tết đầu năm luôn được người Cor tổ chức tưng bừng và nhộn nhịp. Ảnh: Minh Đức

Trong khoảng thời gian này, những người đàn ông Cor chuẩn bị củi to chất sẵn vào bếp và tranh thủ vào rừng đặt bẫy, kiếm thêm con heo rừng, con sóc, các loại chim, chuột... Con gái thì rủ nhau xuống sông suối bắt thêm ốc, cá, hái thật nhiều rau rừng để cái Tết có phần thịnh soạn, thêm vui. Những người có uy tín trong nóc được già làng cử đi mời khách các làng bên cùng đến dự ăn Tết với làng mình. Những người già Cor cúng trời đất và xem sao tốt để làng ăn Tết. Một số người khéo tay thì lo đẽo gọt, trang trí, tô vẽ và dựng cây nêu lễ trước sân nhà. Nơi dựng cây nêu sẽ là trung tâm các hoạt động lễ hội của cả nóc.

Tết không thể thiếu rượu cần và các loại bánh…

Tết của người Cor không bao giờ thiếu ché rượu cần thật ngon, cơm nếp nướng trong ống nứa (alóp), bánh lá đoót, bánh lá dong. Tất cả cơm và các loại bánh này đều được làm bằng lúa nếp rẫy. Những ngày chuẩn bị ăn Tết, các bà, các mẹ, các chị thường bận rộn, nên các em gái Cor cũng tham gia gói bánh, vừa đỡ đần một phần công việc, vừa được các bà, các mẹ hướng dẫn cách làm bánh truyền thống của dân tộc mình. Ngày xưa, biết làm bánh lá đoót, lá dong đẹp, ngon cũng là một nét đẹp nữ tính không thể thiếu của người phụ nữ Cor.

Sau khi bánh lá đoót và bánh lá dong được gói xong, cùng được đặt chung vào nồi đồng bảy hoặc nồi bung to, đổ nước lấy từ đầu ngọn suối về ngập bánh và đặt lên bếp giữa nhà sàn để nấu. Công việc nấu bánh bắt đầu từ khi ăn cơm tối xong và kéo dài cho đến tận sáng hôm sau. Thời gian này, bếp lửa nhà sàn luôn bập bùng, mọi người trong nhà, trong nóc quây quần bên nồi bánh hát làn điệu dân ca xadru, agiới đặc sắc của dân tộc mình. Người lớn nói về săn bắn con thú rừng, công việc của mùa rẫy đã qua, bàn tính chuyện làm cái rẫy mới cho nhiều lúa, cho cái miệng luôn có cái ăn và cái bụng người Cor không bị đói. Vui và hạnh phúc nhất là các em nhỏ, đôi mắt cứ tròn xoe, xúm xít, bên nồi bánh thức cùng người lớn để được truyền đạt kinh nghiệm làm bẫy bắt con thú rừng, làm cái rẫy, bày hát xadru, agiới. Cứ như thế, câu chuyện bên nồi bánh Tết như ngọn lửa hồng bập bùng, không bao giờ tắt.

Càng về khuya, không gian lắng đọng, vọng rõ tiếng gà rừng từ núi cao gáy hồi canh ba, cũng là lúc nước trong nồi đã cạn, bánh vừa chín tới. Bánh được vớt ra khỏi nồi, để nguội, người chủ gia đình lựa những bánh đẹp và ngon nhất cùng con gà, nhà khá giả có thêm con heo và đôi khi có con thú rừng vừa săn được, tất cả dâng lên cúng Thần linh, tổ tiên, ông bà về ăn, phù hộ cho cái chân, cái tay người Cor được khỏe để phát nhiều cái rẫy mới, để cho nhiều lúa, nhiều nếp. Cúng xong, cả nóc bắt đầu xẻ thịt heo, làm thịt gà, nướng cá, nướng thịt…

Ảnh: Minh Đức

Chung vui đón mừng năm mới

Vào ngày Tết, mọi gia đình trong nóc tề tựu về đầu ngọn nước để làm lễ cúng máng nước, cúng tổ tiên, thần núi, thần sông, đất đai. Khi mọi nghi lễ đã hoàn tất, chủ nhà mời tất cả bà con trong làng đến gia đình quây quần ở gưl (phần chung của nóc nhà dài) để cùng nhau ăn uống. Cơm thịt và rượu thật no say, mọi người hân hoan vào hội. Con trai, con gái, trẻ con, người già cùng hát xadru, a giới, đánh cồng chiêng, trống, thổi sáo tà lìa, amáp, chơi các loại đàn vơ ró, đàn kađlóc hòa cùng điệu múa kađáu truyền thống xoay vòng. Và đêm càng về khuya, trong dập dìu của âm vang cồng chiêng hoà cùng với trống và nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác ngân vang, lan xa giữa không gian bao la của đại ngàn Trường Sơn, mọi người như đắm chìm trong niềm hân hoan để chung vui một cái Tết đầu năm ấm no hạnh phúc.

Những ngày này, nếu có dịp về vùng đồng bào Cor huyện Bắc Trà My sinh sống, đi khắp các bản làng người Cor đâu đâu cũng thấy họ dựng cây nêu, ngập tràn tiếng cồng chiêng, lảnh lót bởi tiếng sáo tà lìa, các loại nhạc cụ truyền thống và điệu múa kađáu của phụ nữ Cor. Đến đây, khách được mời thưởng thức những sản vật ẩm thực truyền thống của bà con người Cor bên ché rượu cần ngây ngất hương thơm. Những chàng trai, cô gái Cor trong bộ trang phục đẹp nhất nô nức tham gia các trò chơi như thi bắn nỏ, đan gùi, làm bánh… Đây còn là dịp để những chàng trai, cô gái Cor tìm đến nhau tình tự rồi nên duyên vợ chồng.

Tết của người Cor nơi đây với bánh lá đoót, lá dong tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc. Như mạch nguồn của dòng suối mát trong, như hơi thở của đại ngàn vọng lại, tâm hồn và tính cách của người Cor bao đời nay vẫn vậy, họ sống hòa thuận gắn kết trong cộng đồng, hoà mình với thiên nhiên, sắt son và chung thuỷ với truyền thống quê hương, với núi rừng nơi họ từng gắn bó.

Nguyễn Văn Sơn

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site