16:21 | 19/08/2015

Giải pháp bảo tồn cho 16 dân tộc thiểu số

(LV) - Chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về bảo tồn, phát triển và phát huy các giá trị văn hóa góp phần không nhỏ trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

>>> Đẩy mạnh hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người 

>>> Đoàn đại biểu của 16 dân tộc thiểu số có dân tộc dưới 10.000 người tới tham quan "Ngôi nhà chung" 

Nhằm tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò, trách nhiệm của già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, từ ngày 06 - 08/8/2015, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người” để từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Các thiếu nữ dân tộc Pà Thẻn trong trang phục truyền thống.   Ảnh: Thanh Huyền
Các thiếu nữ dân tộc Pà Thẻn trong trang phục truyền thống. Ảnh: Thanh Huyền.

Tìm các giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

Ði tìm các nguyên nhân dẫn tới thực trạng mai một các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, cũng là để chúng ta tìm các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phù hợp giữa định hướng của Ðảng và Nhà nước, các nghiên cứu của các nhà khoa học, các ý kiến của các chủ thể văn hóa.

Các dân tộc rất ít người có nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện giá trị, bản sắc của các dân tộc mình, ví dụ như việc phụ nữ các dân tộc tự hào vì biết dệt vải để may bộ trang phục cổ truyền của dân tộc mình. Thế nhưng, hiện nay, đồng bào các dân tộc ngày càng ít sử dụng trang phục truyền thống, nhất là nam giới; chỉ có một số ít nữ giới sử dụng trang phục truyền thống hàng ngày, số còn lại chuyển sang mặc theo trang phục của các dân tộc có số dân đông trên địa bàn, hầu hết các hộ gia đình chuyển sang sử dụng trang phục của người Kinh, nhất là lớp trẻ. Việc mất đi nghề dệt thủ công truyền thống cũng là nguyên nhân cơ bản của việc làm mai một nét truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc.

Về lễ hội cũng vậy, hầu hết các dân tộc đều có các lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình. Các lễ, tết thường có ý nghĩa lành mạnh, thể hiện lòng biết ơn của con người với trời đất, tổ tiên, ông bà; thể hiện mong ước của người dân lao động muốn mùa màng tươi tốt, cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc. Việc tổ chức các lễ, tết trong cộng đồng các dân tộc góp phần rất lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá, tri thức dân gian trong ứng xử giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người. Tuy nhiên, hiện nay các lễ hội tiêu biểu, đặc sắc với những giá trị nhân văn, giáo dục sâu sắc của các dân tộc ngày càng ít được tổ chức và bị mai một dần. Cộng đồng các dân tộc rất ít người tại các thôn, bản không còn lưu giữ được các lễ hội truyền thống của dân tộc mình; ở nhiều nơi, các dân tộc rất ít người chịu ảnh hưởng bởi phong tục tập quán, lễ hội của các dân tộc khác sống trên địa bàn.

 Nâng cao nhận thức cho lớp trẻ, cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu giá trị văn hoá dân tộc để chính họ tự bảo tồn văn hoá của dân tộc mình.     Ảnh: Minh Phương
Nâng cao nhận thức cho lớp trẻ, cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu giá trị văn hoá dân tộc để chính họ tự bảo tồn văn hoá của dân tộc mình. Ảnh: Minh Phương.

Sự giao thoa, đồng hoá về văn hoá đang diễn ra ngày càng sâu sắc trên các phương diện văn hóa vật thể (nhà ở, ăn uống….) và phi vật thể (ngôn ngữ, trang phục, lễ hội…). Việc sử dụng, vay mượn ngôn ngữ của dân tộc khác đang diễn ra ở hầu hết cộng đồng các dân tộc rất ít người. Một bộ phận lớn người dân, đặc biệt là lớp trẻ có xu hướng ngày càng ít sử dụng tiếng mẹ đẻ, thay vào đó là sử dụng ngôn ngữ của dân tộc Kinh hay các dân tộc khác trên địa bàn (tiếng H’mông, tiếng Tày, Nùng, Thái…).

Ngoài ra, nhiều giá trị văn hóa, văn nghệ, làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của từng dân tộc theo thời gian bị mai một bởi văn hóa của các dân tộc khác hoặc bị thất truyền, lãng quên ở các cộng đồng có số dân rất ít như Brâu, Rơ Măm, Ơ đu…

Phát huy vai trò của những người có uy tín

Xác định được vị trí, vai trò của già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số dưới 10.000 người là chủ thể quan trọng không thể thiếu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong điều kiện hiện nay để từ đó xác định nội dung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người ra khỏi tình trạng có nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để bảo tồn văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Do vậy, để xây dựng các giải pháp phù hợp cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, Bộ VHTTDL đã tổ chức buổi gặp gỡ các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín để trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thiết thực với từng dân tộc nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Ở Việt Nam, 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người là: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu, Lô Lô, Mảng, Cơ Lao, Bố Y, Cống, Ngái, La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Chứt, Lự, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum, hầu hết có điều kiện sống vô cùng khó khăn, do địa bàn sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao. Do đó, khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào gặp hạn chế, nhiều dân tộc đứng trước nguy cơ bị mai một các giá trị văn hóa truyền thống. Thậm chí có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục đang đứng trước nguy cơ bị… mất hẳn.

Hải Nhung

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site