16:37 | 17/09/2015

Nợ cưới của người Chil

(LV) - Ngày xưa con gái người Chil (một nhánh của dân tộc K’ho) cưới chồng phải chi tốn khá nhiều tiền cho việc ăn uống, xính lễ vì phải trải qua nhiều lễ nghi từ lúc dạm ngõ đến lễ cưới.

Nhà trai “thách cưới” nhà gái

Ngay từ đám chơi nhà, nhà gái đã phải đưa đủ rượu, thịt, gạo dẻo qua bên nhà trai để bàn việc đi của cưới (của đi cho cha mẹ chồng trả công sinh thành, nuôi nấng). Bữa này ít nhất cũng tốn vài triệu so với thời giá bây giờ.

Nếu hai gia đình thuận tình cho đôi trẻ nên vợ nên chồng thì nhà gái về mà lo tiền mua sắm để ngày ăn hỏi đi cho nhà trai. Của cưới ít nhất cũng là hai bò mẹ và hai bò con, có đám người con trai thuộc diện “tốt tướng” (to khoẻ, siêng năng, có học thức cao…) bên nhà trai đòi tới 5 mẹ con bò (10 con). Mặc dù của cưới lớn như vậy song người Chil vẫn cho là “chẳng đáng vào đâu so với công sinh thành, dưỡng dục cao hơn núi, rộng hơn dòng suối lớn để chồng mình nên vóc, nên hình!”. Bò này được cha mẹ nuôi cho sinh sản để “làm vốn” dưỡng già hoặc để cưới chồng cho em gái chứ người con trai đi ở rể không được hưởng một đồng nào.

Tiếp đến mỗi chị gái và cháu gái của chàng trai được phép đòi một vật kỷ niệm, có thể là một bộ quần áo thổ cẩm hoặc một chuỗi cườm đeo cổ. Khi đã có đủ những thứ bên nhà trai yêu cầu thì xin ngày “ăn hỏi”; ngày này nhà gái cũng phải đem đủ đồ ăn, rượu, trà qua nhà trai nhưng nhiều hơn lễ “chơi nhà” vì phải đãi cả dòng họ nhà trai hoặc cả buôn một bữa đến no say.

Nét đẹp mộc mạc của các chàng trai, cô gái K’ho
Nét đẹp mộc mạc của các chàng trai, cô gái K’ho.

“Gởi nợ” để lo đám cưới

Đám cưới không phải tốn tiền “đi lễ” nữa nhưng cũng rất tốn kém, vì trước kia người K’ho không có tục mừng tiền nhưng nhà gái vẫn phải đãi cả già trẻ, lớn bé trong buôn đủ cơm trắng, thịt nướng, rượu cần no say 2 bữa trong ngày, tốn bao nhiêu nhà gái cũng phải chịu hết. Có điều với con gái đã đến tuổi cưới chồng thì, nếu là gia đình khá giả có tiền ngay bỏ ra cưới thì chẳng có gì đáng bàn, song nếu cha mẹ nghèo khó đến mấy đi nữa vẫn có thể thực hiện đầy đủ mọi nghi lễ và tổ chức đám tiệc đàng hoàng bởi dòng họ, thân tộc luôn có tinh thần hỗ trợ cao.

Trước đám dạm ngõ cả 2-3 tháng, chủ nhà có con sắp cưới chồng làm mấy mâm cơm mời trưởng họ cùng ông bà, cô bác, chú dì, anh em tới trình bày thật hoàn cảnh của mình và thông báo chính xác số của cưới nhà trai đã “chốt”, cùng dự trù các khoản chi cho 3 đám, trưởng họ sẽ thống kê tổng cộng rồi kêu gọi mọi người giúp. Nói đúng ra thì với người Chil thường hay lo xa, ngay từ khi con cái mới 9 - 10 tuổi họ đã tính đến việc cố gắng giúp anh em khi có đại sự như làm nhà, cưới xin, ma chay… gọi là “gởi nợ” để khi tới lượt nhà mình thân tộc sẽ trả lại. Với những người bị coi như “nợ” trước đó bao giờ cũng đi đầu trong việc giúp lại, không chỉ bằng số đã “nợ” mà còn đi cao hơn tuỳ theo hoàn cảnh thực tế và giá cả thị trường. Người chưa có đám tiệc lớn cũng cố đi cho nhiều để sau này tới lượt nhà mình cũng bớt phải gánh nặng nên hầu hết các đám không đến nỗi thiếu của không cưới được chồng cho con.

Việc giúp này ai cũng phải đi trước ngày đám dạm ngõ ít nhất nửa tháng để chủ nhà còn biết đường mà cân đối chi phí, nếu thiếu quá phải đi vay mượn thêm ở ngoài cho đủ chứ khách trong cả buôn (làng) không đi phong bì như thời nay, mà mỗi nhà chỉ đem đến có khi là con gà, gùi măng, rau, quả hoặc gạo, nếp, rượu… mà thôi. Đám cưới xong đôi uyên ương cứ vô tư hưởng tuần trăng mật đủ nửa tháng thì nhà gái sẽ làm bữa tiệc nho nhỏ mời thân tộc nhà mình và đại diện nhà trai đến để công bố tổng số tiền đã chi phí cho việc đi của cưới cùng 3 đám, hết bao nhiêu sẽ được ghi nợ cho hai vợ chồng mới cưới trả dần, song không giao trước thời hạn. Có thể là 3 - 4 năm, cũng có khi tới 10 năm đến khi nào hết nợ mới được ra riêng.

Ngày nay đôi bạn trẻ giành quyền quyết định việc cưới

Nợ cưới của người Chil bao đời nay vẫn thực hiện y như hủ tục cũ, có điều từ khoảng năm 1995 tới nay do trình độ dân trí được nâng cao nên các chàng trai, cô gái sắp lập gia đình hiểu rõ cái nợ cưới chẳng khác nào cái “nợ đời” phải trả dai dẳng vừa thêm lo nghĩ, vừa chậm quyền tự do (bởi lâu được ra riêng), vì lẽ đó mà họ giành quyền tự quyết định việc cưới xin bằng cách con trai năn nỉ cha mẹ đừng đòi của cưới nhiều vì “chỉ khổ cho con còng lưng làm trả”. Còn nhà gái tuy vẫn tiến hành đủ các bước trước hôn nhân xong tiết kiệm tối đa, cỗ cưới cũng làm vừa đủ uống, đủ ăn không để dư thừa lãng phí, nhờ vậy mà rất nhiều cặp uyên ương người Chil mới cưới nhau vài năm đã dễ dàng thanh toán đủ nợ cưới để hãnh diện ra riêng trước sự thán phục của buôn làng.

Cũng có một điều đáng nói thêm là, nhiều đời qua Luật làng vẫn cho phép con trai cưới vợ về nhà làm dâu, mặc dù đi làm dâu thì người phụ nữ vẫn trọn quyền làm chủ gia đình, được cha mẹ chồng quý mến, anh chị em tôn trọng như con gái ruột thịt lại không mất của cưới, song chẳng hiểu sao đại đa số các cô gái chỉ thích “bắt” chồng phải tốn của cưới như nói ở trên chứ chẳng chịu đi làm dâu?.

K’Sim Hậu

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site