18:32 | 05/09/2015

Tái hiện Nghi lễ cúng cây Đu trong Tết mùa mưa của dân tộc Hà Nhì tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LV) – Sáng nay, 05/9, lần đầu tiên tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra buổi lễ tái hiện Nghi lễ cúng cây Đu trong Tết mùa mưa (Giế Khừ Già) của dân tộc Hà Nhì đến từ xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện “Vui Tết Độc lập” nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (02/9/1945-02/9/2015) tại “Làng”.

 >>> Tái hiện Lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Mảng tại “Ngôi nhà chung”

 >>> Lễ cúng bản của dân tộc La Hủ: Ước mong cuộc sống bình yên, no đủ

>>> Đồng bào các dân tộc Lai Châu vui Tết Độc lập tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

 >>> “Vui tết Độc lập” trong “Ngôi nhà chung”

Để chuẩn bị cho lễ cúng, đồng bào lo dọn dẹp và chỉnh trang không gian dự định tổ chức lễ, dựng cây đu và chuẩn bị lễ. Trong nghi lễ cúng cây Đu trong Tết mùa mưa, đồng bào tiến hành thịt lợn để làm lễ cúng, trong đó, thịt được để sống, gồm đầu lợn, thịt... Khi thịt lợn, phải chú ý để nguyên vẹn lá gan của con lợn được thịt, lá gan đó phải dính nguyên mật lợn và sẽ được đặt lên trên mâm cúng cho thầy cúng xem. Việc xem lá gan của con lợn sẽ báo cho thầy cúng biết điềm gở hay điềm lành đến với bản và gia đình trong năm.

Đồ lễ gồm: đầu lợn, thịt lợn, bánh dày, trứng gà luộc, rượu trắng, giỏ đựng bát, muối, gạo, đũa, chén rượu và một số vật dụng như mâm tre, ống tre, lá chuối, cây đu, trống...

Trưởng lễ A Hờ (Bản Pô tô, xã Hổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cho biết: Theo quan niệm của người Hà Nhì, vào lễ hội mùa mưa năm nay, nếu con lợn sau khi thịt nặng hơn con lợn thịt của năm cũ thì bản làng năm nay sẽ làm ăn phát triển hơn năm cũ. Nếu không được như ý thì người ta cũng vẫn nói là lợn thịt năm nay nặng hơn, để mong muốn mọi sự tốt lành, phát triển đến với cả bản và các gia đình.

Thầy cúng lễ phải là người do dân bản bầu ra, thường là người thầy cúng của năm trước đó đã cúng cho dân bản năm đó được khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật, làm ăn, chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu.

Khi đồ cúng lễ đã sửa soạn xong, thầy cúng hướng dẫn mọi người sắp mâm cúng dâng lên các thần linh. Mâm cúng được đặt cạnh cây đu. Thầy cúng sẽ tiến hành xem bói gan lợn, sau đó, thầy cúng khấn thần linh, lời khấn có nội dung rằng: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, ngày con rắn đầu tiên của tháng 7, theo luật lý ông cha ta để lại cho chúng con có con lợn, quả trứng, xôi, bánh dầy, rượu ngon kính dâng lên các thần linh trên trời dưới đất, linh hồn của tổ tiên người Hà Nhì phù hộ cho con cháu người Hà Nhì trồng ngô, ngô có hạt, trồng lúa lúa có bông, bông to, hạt mẩy, trâu bò lợn gà biết sinh sôi, nảy nở, bà con trong bản khỏe mạnh để năm sau con cháu lại cúng tết mùa mưa năm sau to hơn năm trước”. Tất cả thành viên cúi lạy theo thầy cúng.

Khấn xong thầy cúng tháo dây buộc ở tấm ván đu rồi lấy thức ăn trên mâm cúng đặt lên ván đu, mỗi loại một ít rồi đu đi đu lại ba lần bằng tay để cho điều xấu thì bị cuốn đi, điều lành thì được mang lại.

Sau đó, thầy cúng lên ván của cây đu, thầy cúng vừa đặt lời khấn vừa đu. Thầy cúng và gia chủ uống rượu chúc phúc cho mình trước và sau đó là chúc phúc cho bà con dân bản.

Cuối cùng, tất cả anh em, con cháu, mọi người trong bản cùng uống rượu, hát những bài dân ca để chúc nhau, cùng nhau đánh trống, múa hát, chơi đu và các trò chơi dân gian.

Ông Nguyễn Hùng Dương (Lê Duẩn – Hà Nội) cho biết: “Đây là lần đầu tiên ông cùng với các bạn của mình đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông cảm thấy rất vui khi được hòa mình vào không gian sống của đồng bào 54 dân tộc ngay tại chính Thủ đô, được xem buổi lễ tái hiện của đồng bào Hà Nhì ông thấy rất thú vị và thông qua buổi lễ ông hiểu và yêu hơn những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Và đặc biệt lại được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của đồng bào các dân tộc làm ngay tại nơi đây. Ông hy vọng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức nhiều lễ hội hơn nữa để ông cũng như các bạn của mình có thể tới đây và trải nghiệm những bản sắc văn hóa của đồng bào trên khắp cả nước”.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ tái hiện:

Đồng bào chuẩn bị lễ vật trước khi làm lễ
Đồng bào chuẩn bị lễ vật trước khi làm lễ.

...Đặt thức ăn trong mâm cúng lên ván đu
Thầy cúng đặt thức ăn trong mâm cúng lên ván đu.

Thầy cúng lên ván của cây đu, vừa đặt lời khấn vừa đu
Thầy cúng lên ván của cây đu, vừa đặt lời khấn vừa đu...

Thầy cúng uống rượu cùng với gia chủ
Thầy cúng uống rượu cùng với gia chủ.

...Chia lộc cho dân bản
...Chia lộc cho dân bản.

Mọi người trong bản cùng nhau vui văn nghệ
Mọi người trong bản cùng nhau vui văn nghệ.

 Kim Nương (Ảnh: Thu Loan)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site