16:57 | 20/11/2015

Tái hiện Lễ búi tóc ngược của đồng bào dân tộc Thái tại “Ngôi nhà chung”

(LV) - Sáng ngày 20/11/2015, tại Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra buổi lễ tái hiện Lễ búi tóc ngược (tằng cẩu hay khửn cẩu) của đồng bào dân tộc Thái đến từ tỉnh Điện Biên - một phong tục mang bản sắc riêng đánh dấu bước ngoặt của những người con gái Thái khi đến tuổi kết hôn.

 >>> Nét đẹp trong lễ cưới hỏi của dân tộc Sán Chay

 >>> Tái hiện Lễ hội A Za Koonh (cầu mùa) của dân tộc Tà Ôi giữa lòng Thủ đô

 >>> Đặc sắc Lễ cầu mưa của dân tộc Khơ Mú

 >>> Rộn ràng lễ hội Quai Yang plâyq achan (Lễ cầu mưa) của dân tộc Chăm tại Hà Nội

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2015), chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

Nhà trai mang lễ vật sang nhà gái
Nhà trai mang lễ vật sang nhà gái.

Lễ tằng cẩu diễn ra với mục đích phân biệt người con gái Thái đã có chồng với những người con gái Thái chưa chồng, ngoài ra việc búi tóc ngược còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người con gái đã có chồng đó là che chở, bảo vệ cho chồng, con, bảo vệ tổ ấm hạnh phúc gia đình.

Theo phong tục của người Thái Đen, khi đôi trai gái đã báo cho bố mẹ hai bên được biết là muốn nên duyên vợ chồng, gia đình chàng trai sẽ chọn ngày tốt nhờ người mai mối có uy tín, khéo đối đáp sang bên gia đình nhà gái chơi và thăm dò ý kiến bên nhà gái (pay chảm).

Đến ngày tốt (theo lịch Thái) gia đình nhà trai sang bên nhà gái xin làm lễ búi tóc ngược nhận dâu. Từ sáng sớm, nhà trai mang sang nhà gái đủ những lễ vật cần thiết để bắt đầu tiến hành lễ cưới theo phong tục. 

Nghi thức trải chăn, đệm cầu cho cô dâu, chú rể được êm ấm, hạnh phúc; sinh con có “nếp”, có “tẻ”
Nghi thức trải chăn, đệm cầu cho cô dâu, chú rể được êm ấm, hạnh phúc; sinh con có “nếp”, có “tẻ”...

Nghi thức đầu tiên là lễ “Trải chăn, đệm”. Để thực hiện nghi lễ này phải chọn ra “4 bà hạnh phúc” gồm: 2 người đàn ông của họ nhà trai và 2 người phụ nữ của họ nhà gái, tất cả đều phải khỏe mạnh, có cuộc sống gia đình hạnh phúc để tiến hành trải chăn, ga, gối, đệm. Trước đó, cô dâu và chú rể mỗi người phải mua 1 cái đệm. Khi trải đệm thì đệm của cô dâu nằm ở dưới, đệm của chú rể nằm ở trên. “4 bà hạnh phúc” đứng ở 4 góc giường, vừa trải ga, đệm vừa có lời cầu may, hạnh phúc cho cô dâu chú rể (bằng tiếng dân tộc Thái). Theo người già trong bản thì đây là thủ tục để cầu cho cô dâu, chú rể được êm ấm, hạnh phúc; sinh con có “nếp”, có “tẻ”. 

... Sau nghi thức trải chăn, đệm xong mọi người cùng uống rượu chúc mừng
... Sau nghi thức trải chăn, đệm xong mọi người cùng uống rượu chúc mừng.

Tiếp đến là lễ “Tằng cẩu” hay còn gọi là lễ “Búi tóc ngược” - lễ này chỉ riêng dân tộc Thái đen mới có. Con gái dân tộc Thái Đen khi đi lấy chồng thì đều búi ngược tóc lên để khi ra đường mọi người biết mình đã có chồng.

Đồ sính lễ tằng cẩu do nhà trai chuẩn bị, gồm: Một búi tóc độn, một cái châm cài tóc bằng bạc, một chụp búi tóc, một đôi đệm, một đôi chăn, một đôi gối, sà tích, một bộ váy áo, một đôi hoa tai, một dây chuyền và một đôi vòng tay. Lễ vật nhà gái gồm có: một chiếc màn, một cái mẹt, một đôi đệm, một đôi chăn, một đôi gối, một đôi vòng tay, một bát gạo, hai quả trứng gà, một bát nước đựng ba hòn sỏi, có mần chầu. Tất cả đồ lễ của bên nhà trai và nhà gái sẽ được bầy vào mâm lễ. 

Đồ sính lễ do nhà trai chuẩn bị mang sang nhà gái
Đồ sính lễ do nhà trai chuẩn bị mang sang nhà gái.

Ngoài ra, phải có một cái lược để chải tóc cho cô dâu, một bát nước lã và trong bát nước đó phải có sỏi ba bến nước, búi rau mần trầu ba vườn để nhúng lược vào chải tóc cô dâu.

Trong “4 bà hạnh phúc” sẽ chọn ra một bà họ nhà trai gọi là bà tằng cẩu để làm lễ búi tóc cho cô dâu. Trong trang phục áo cóm truyền thống của dân tộc Thái, cô dâu quỳ trước mâm lễ và được mẹ đẻ thả tóc xuống cho bên nhà trai tiến hành thủ tục tằng cẩu. Từ đây, đôi bạn trẻ chính thức trở thành vợ chồng, họ cùng nhau bước vào giường cưới. “4 bà hạnh phúc” bỏ vào trong màn cô dâu, chú rể 1 bé trai và 1 bé gái, sau đó họ cùng nhau uống rượu chúc mừng cô dâu, chú rể hạnh phúc trăm năm, sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh và tất nhiên có đủ cả “nếp” lẫn “tẻ”. 

Nhi thức chải đầu cho cô dâu
Nghi thức chải đầu cho cô dâu.

Tiếp theo là tới nghi lễ báo ma nhà hay còn gọi là làm lý tổ tiên (cò lò hóng). Đây là phong tục không thể thiếu của dân tộc Thái, báo với tổ tiên khi có con gái đi lấy chồng. Lễ báo ma nhà, gia đình nhà gái phải mời thầy cúng về làm lễ. Chuẩn bị đồ lễ gồm có: Thịt lợn, thịt gà, thuốc lá, rượu, tiền mặt... Theo thầy cúng thì tùy điều kiện từng gia đình mà chuẩn bị đồ lễ to hay nhỏ, nhiều hay ít. Khi thầy cúng báo cáo với tổ tiên cho con gái đi xây dựng gia đình thì cô dâu, chú rể quỳ trước ban thờ để làm lễ. 

Xong phần lễ tạ ơn, 2 gia đình nhà trai, nhà gái cùng uống rượu chúc mừng cho cô dâu, chú rể trăm năm hạnh phúc
Xong phần lễ tạ ơn, 2 gia đình nhà trai, nhà gái cùng uống rượu chúc mừng cho cô dâu, chú rể trăm năm hạnh phúc.

Lễ tạ ơn được tiến hành ngay sau khi thầy cúng làm lý tổ tiên xong. Mọi lễ vật theo phong tục do chú rể chuẩn bị để cảm ơn bố mẹ vợ đã sinh thành và nuôi dưỡng cô dâu khôn lớn. Trước khi chú rể có lời cảm ơn bố mẹ vợ, đại diện 2 họ, nhà trai và nhà gái cùng nâng mâm lễ lên rồi đặt xuống 3 lần. Theo chú rể, việc nâng lên, đặt xuống 3 lần để gọi 3 hồn, 7 vía của bố mẹ vợ. Theo phong tục của dân tộc Thái, khi bố mẹ vợ chưa mất thì con rể phải đội một chiếc mũ vải khi tạ ơn. 

Cô dâu và chú rể làm nghi thức trong buồng cưới
Cô dâu và chú rể làm nghi thức trong buồng cưới.

Xong phần lễ tạ ơn, 2 gia đình nhà trai, nhà gái cùng uống rượu chúc mừng cho cô dâu, chú rể trăm năm hạnh phúc. Sau khi các nghi lễ được tiến hành, cũng là lúc bà con trong bản, bạn bè của cô dâu, chú rể đến chúc mừng hạnh phúc và dự bữa cơm thân mật với gia đình. 

Nhà trai và nhà gái cùng đông đảo bà con vui liên hoan văn nghệ chúc mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ
Nhà trai và nhà gái cùng đông đảo bà con vui liên hoan văn nghệ chúc mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ.

Lễ búi tóc ngược (tằng cẩu hay khửn cẩu) của đồng bào dân tộc Thái được lưu giữ qua nhiều đời, thể hiện một nét đẹp trong văn hóa thuộc về bản sắc riêng của tộc người nơi đây.

Kim Nương

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site