08:30 | 14/02/2016
Lễ hội mừng năm mới của người Giáy tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
(LV) - Trong khuôn khổ các hoạt động Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), sáng 13/02 (mùng 6 Tết), đồng bào dân tộc Giáy đến từ tỉnh Hà Giang đã tái hiện Lễ hội mừng năm mới (Lễ hội múa trống) của dân dân tộc mình tại “ Làng”.

Lễ hội mừng năm mới hay còn gọi là Lễ hội múa trống là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Giáy, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạt, tỉnh Hà Giang. Lễ hội thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán từ sáng mùng Một đến hết tháng Giêng, bởi theo quan niệm của đồng bào, đây là thời điểm giao hòa giữa đất và trời, giữa con người với thiên nhiên và cũng là thời điểm để xua đi những điều không may mắn của năm cũ và thể hiện và cầu mong trời đất năm mới được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội mừng năm của người Giáy thường được tổ chức đơn giản, không nặng nề về hình thức và lễ vật cúng thần. Theo quan niệm của họ, Ông (được thờ trong miếu Ông) và Bà (được thờ trong miếu Bà) chính là Tổ tiên của dân tộc Giáy và cũng là những lời che chở, bảo vệ cho con cháu người Giáy. Do đó, lễ hội cũng chính là dịp để đồng bào mời ông bà, tổ tiên về chung vui với con cháu và gửi gắm những khát vọng của họ.

Lễ vật để chuẩn bị cho Lễ mừng năm của người Giáy chủ yếu là các sản phẩm do người Giáy tự làm gồm có: gà, bánh trưng, hoa quả, rượu…Mỗi gia đình phải chuẩn bị một mâm lễ vật riêng để dâng tại miếu Bà để mời Bà về dự và xin phép Bà cho dân làng hạ trống xuống để tổ chức lễ hội. Trống thần chỉ được đưa ra khỏi miếu Bà một lần duy nhất trong năm. Sau khi hạ trống xuống, trống được chuyển đến miếu Ông để làm lễ.

Tại miếu Ông, với sự có mặt đông đủ của dân làng, mâm lễ vật đã chuẩn bị xong, thầy cúng tiến hành lễ cúng mời thần linh về để chứng kiến buổi lễ của làng và nghe báo cáo những kết quả mà dòng tộc và thôn bản đã đạt được trong năm qua, cám ơn sự phù hộ che chở giúp đỡ của các vị thần linh.

Khấn xong, thầy cúng đi đến bên trống thần, cầm dùi trống viết những câu thần chú lên mặt trống với nội dung như: Trai gái hoà thuận, người già sống lâu… sau đó thầy cúng đánh tiếng trống đầu tiên mời thần linh về dự hội.

Sau đó, thầy cúng chỉ định 1 đôi trai gái trong làng lên nhận dùi trống, cúi lạy thần trống và tiếp quản việc đánh trống, dân làng nối theo nhau đi vòng quanh trống và bắt đầu điệu múa cầu mưa thuận gió hoà, cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu cho cả làng khoẻ mạnh, người già sống lâu, trẻ em mau lớn… trong tiếng trống hân hoan và lời cầu khấn của thầy cúng.

Sau các nghi thức, thầy cúng mời mọi người vui hội, hoà nhịp trống mừng năm mới với các điệu múa, hát đối, hát giao duyên, chơi các trò chơi như đánh Yến, tung Còn...

Theo quan nệm của người Giáy, trống thần là vị thần đưa tin, những lời khấn của họ muốn đến được với tổ tiên phải nhờ vào thần trống. Vì vây, được đánh trống là đã xin được may mắn cho mình và gia đình. Hết tháng Giêng cũng là lúc mùa lễ hội kết thúc,thầy cúng cùng các chàng trai trong thôn lại khiêng trống từ miếu Ông về cất giữ tại miếu Bà, chờ mùa lễ hội năm sau.

Một số hình ảnh Tái hiện lại lễ mừng năm mới của người Giáy tại " Làng":

Thầy cúng làm lễ tại miếu Bà
Thầy cúng làm lễ tại miếu Bà.

Mâm lễ cũng được chuyển đến miếu Ông
Mâm lễ cúng được chuyển đến miếu Ông.

Thầy cúng làm lễ tại miếu Ông
Thầy cúng làm lễ tại miếu Ông.

trống Thần
Trống Thần tại miếu Ông.

Thầy cúng làm lễ tại trống Thần
Thầy cúng làm lễ tại trống Thần.

Lễ hội múa trống mừng năm mới với các điệu múa, trò chơi của đồng bào Giáy
Lễ hội múa trống mừng năm mới với các điệu múa...

Trò chơi đánh Yến của dân tộc Giáy
và trò chơi đánh Yến của đồng bào Giáy.

Đông đảo người dân và du khách đến tham quan.
Đông đảo người dân và du khách đến tham quan lễ hội.

Hoàng Nguyên


Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site