08:57 | 03/04/2016

Kiêng kỵ trong thời kỳ mang thai của người Mường

(LV) - Mang thai là dấu hiệu mang lại niềm vui cho các bậc làm cha làm mẹ, gia đình, dòng họ. Những kiêng kỵ trong thời kỳ mang thai đã phần nào đem lại sự yên tâm cho các ông bố, bà mẹ cũng như niềm hy vọng sẽ sinh được đứa con khỏe mạnh, đẹp đẽ trong tương lai.

>>> Người Tày với phong thuỷ 

Bảo vệ sức khỏe của thai nhi

Đứa trẻ ra đời mạnh khỏe, đẹp đẽ, không bị tật nguyền là mong ước và niềm hạnh phúc của gia đình và dòng họ. Chính vì vậy, khi mang thai người phụ nữ phải giữ gìn như: đi lại nhẹ nhàng, không được bước chân quá nhanh, kiêng không làm các công việc nặng nhọc, với tay quá cao, hạn chế ngồi xổm quá lâu, tránh sơ suất dẫn đến việc tụt thai (sảy thai). Với những phụ nữ dạ con bị nông thì khi làm việc phải từ từ, không được đứng lên ngồi xuống nhiều.

Người Mường có quan niệm, thai nhi khi ở trong bụng mẹ đã có linh hồn, do đó nó cảm nhận được những gì mà người mẹ nghĩ và làm. Vì thế, khi mang thai người mẹ luôn phải vui vẻ, ăn nói dịu dàng, tư tưởng thoải mái, tránh nóng giận, tránh xem những cảnh tượng khiếp sợ. Cũng giống như người Kinh, phụ nữ khi mang thai không bị cách ly, vẫn tham gia vào công tác xã hội và làm công việc bình thường. Song lại bị hạn chế khi tham gia vào các nghi lễ cộng đồng mang tính chất tôn giáo bởi họ cho rằng thời kỳ này thân thể người phụ nữ mang thai không được sạch sẽ nên nếu họ đến đó thần linh sẽ không phù hộ cho dân làng.

Những người là thầy cúng, thầy mo, bà mỡi hay những người đang chuẩn bị làm những công việc hệ trọng như làm nhà mới, chuẩn bị cưới hỏi cho con cái… thường lảng tránh mỗi khi gặp phụ nữ mang thai hoặc mới đẻ vì xúi quẩy, công việc sẽ không may mắn, không thành công. Suy nghĩ này không chỉ tồn tại trong nhận thức của người Mường mà còn cả trong suy nghĩ ở người Kinh, người Dao và một số tộc người khác.

Khi mang thai, người Mường kiêng đi đám cưới, bởi sợ đứa trẻ trong bụng sau này vô duyên, khó lấy vợ lấy chồng; kiêng đi đám ma, bởi hơi của người chết lạnh, khiến đứa trẻ trong bụng khó chịu, làm cho thai phụ bị đau bụng. Khi đi đám ma, nếu thai phụ dẫm chân vào vỏ cây đóng quan tài khiến dễ bị sảy thai hoặc sau này đẻ con sẽ bị “reng”, tức bị phì phì nước dãi trong mồm.

Phụ nữ khi có thai không được đến thăm các bà đẻ, không được bế trẻ nhỏ khi còn đang trong cữ bởi nặng vía sẽ làm nó quấy khóc. Hơn nữa nếu đi thăm bà đẻ sẽ dễ bị đẻ non do đứa trẻ trong bụng thích đứa bé mới sinh nên đòi ra ngoài sớm. Ngoài ra, kiêng bồi bổ quá nhiều vì sợ thai to khó đẻ, không bước qua dây thừng buộc trâu vì sợ đẻ con bị tràng hoa quấn cổ; không ngồi vào cái cày, cái bừa vì sợ đẻ con già tháng (chửa trâu); không ngồi vào cái chày giã gạo vì sợ đứa trẻ sau này sẽ bướng bỉnh, khó bảo; thấy rắn không được đánh, nếu không sau này đứa con sẽ bị thè lưỡi ra như rắn… Cũng như vậy, với người Mường Bi ở huyện Tân Lạc, thai phụ kiêng ngồi ở bậc cầu thang lên nhà sàn, khi đi qua nghĩa địa, qua cửa đình đều phải mang cành cây theo người đề trừ tà ma, không được xuống cấy trước mọi người vì sợ bị ốm nghén. Vào mỗi buổi sáng thai phụ phải dậy sớm đi mở hết các cửa trong nhà, họ cho rằng làm như vậy sau này sẽ đẻ dễ dàng.

Kiêng kỵ trong ăn uống

Về ăn uống, thai phụ không được ăn một số loại như: quả lẹo đôi vì sợ đẻ sinh đôi khó nuôi; thịt các con vật bị chết vì lo sau khi đẻ sản phụ sẽ bị thiếu máu; ốc vì sợ con nhiều dãi dớt, đẻ mau (đẻ dày năm một). Ngoài ra, thai phụ kiêng không ăn cá nướng, cá nấu canh vì sợ đẻ con khó ra nhau thai, không uống nước đựng trong ống bương đã chặt vát đầu bởi sợ sau này con sẽ sứt môi, không ăn thịt trâu bởi sợ đẻ con có da giống da trâu. Kiêng ăn thịt vịt đực vì sợ đẻ con trai sau hay theo con gái (giống như vịt đực đuổi vịt cái), kiêng ăn rau bí vì rau bí có nhiều tay, sợ đẻ con bị tật, tay chân lèo khèo và con hay bị bệnh sài…

Người Mường không cho thai phụ ăn thịt rùa, thịt chó còn bởi xuất phát từ quan niệm cho rằng, rùa đã giúp người Mường cách thức làm nhà sàn để ở và chó đã cứu con người sống sót khi có giặc tràn vào Mường Bi.

Kiêng kỵ của người chồng có vợ mang thai

Khi vợ mang thai, người chồng cũng phải tuân thủ một số kiêng kỵ nhất định như không được khiêng quan tài bởi quan tài nặng làm vợ dễ sảy thai hoặc sau này đứa trẻ sẽ bị yếu bụng, hay chảy dãi dớt. Nếu đi phục vụ đám tang thì phải lấy một ít vỏ bào làm quan tài và ít đinh cây để sau này nếu như đứa trẻ ra đời bị chảy dãi, mồm phì nước bọt thì chữa mẹo cho chúng.

Khi đi đám tang, người khác nhờ khiêng quan tài thì phải nói rằng: Vợ đang có thai không khiêng được nên đừng ai trách; không lợp nóc nhà vì sợ những điều rủi ro sẽ gây ra cho đứa trẻ, không được đánh chết hay cắt cổ một con vật nào dù để ăn hay dùng vào mục đích khác bởi làm như thế thai nhi sẽ chết trong bụng mẹ hoặc nếu có được sinh ra thì đứa trẻ sẽ là người độc ác (người Kinh ở khu vực Bắc, Trung Bộ cũng có kiêng kỵ tương tự). Ngoài ra, người ta cũng khuyên người chồng trong thời gian vợ mang thai, hạn chế sinh hoạt vợ chồng để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi.

Lê Loan
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site