11:10 | 28/03/2016

Tưng bừng ngày hội Tây Nguyên giữa lòng Hà Nội

(LV) - Nét văn hoá Tây Nguyên phóng khoáng mà lôi cuốn, dữ dội mà đắm say, rộn ràng mà dịu ngọt… tất cả đều hiện lên sống động, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

>>> Tái hiện lễ cầu mưa và cầu mùa dân tộc Ê Đê tại Hà Nội 

>>> Đặc sắc lễ cưới của dân tộc Gia Rai 

Cũng phải lâu lâu rồi, người dân Thủ đô mới lại được thưởng thức một “cuộc biểu dương văn hoá” phong phú, đặc sắc đến thế về Tây Nguyên. Những gì từng được đọc, nghe, xem về những chàng trai Tây Nguyên quả cảm, bắn nỏ thiện nghệ; những cô gái Tây Nguyên duyên dáng với chiếc gùi trên lưng say trong những điệu múa rộn ràng,… thì nay được “mắt thấy, tai nghe” ngay giữa lòng Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ấn tượng Tây Nguyên

Một sự kết tinh của văn hoá từ xa xưa được hơn 100 nghệ nhân, đồng bào các dân tộc M’nông (Đắk Nông), Giẻ Triêng, Xơ Đăng (Kon Tum), Gia Rai (Gia Lai), Mạ (Lâm Đồng), Ê Đê (Đắk Lắk) thể hiện đã mang tới cho nhân dân Thủ đô và du khách một không gian văn hoá đầy sắc màu tại “Ngôi nhà chung” của đồng bào 54 dân tộc anh em. Với nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên như: Lễ cúng cổng bon của dân tộc M'nông, Lễ mừng nhà rông mới của đồng bào Giẻ Triêng, Lễ tạ ơn thần đất, thần rừng của dân tộc Mạ, Lễ cầu mưa, cầu mùa của dân tộc Ê Đê, Lễ mừng lúa mới của bà con dân tộc Xơ Đăng, Đám cưới truyền thống của đồng bào Gia Rai, cùng nhiều hoạt động dân ca dân vũ, diễn xướng dân gian đã tạo nên một “Tây Nguyên đại ngàn” giữa lòng Hà Nội.

ffm
Tiết mục dân ca dân vũ của dân tộc M'Nông. Ảnh: Hà Tuấn

Trong không gian nhà dài Ê Đê tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lần đầu tiên, một đêm “Khan” độc đáo đã được chính chủ thể văn hóa - các nghệ nhân đến từ huyện Cư M’gar (tỉnh Đăk Lăk): Y Bruăt Êban (79 tuổi), Y Wang (66 tuổi), Y Phin Niê (40 tuổi) thể hiện. Bên ánh lửa bập bùng, trong tiếng cồng chiêng âm vang và cả men rượu cần nồng say, tiếng “khan” vang lên như lời của đại ngàn kể về một quá khứ văn hoá hào hùng, về truyền thuyết Tây Nguyên với Đam San, Xinh Nhã.

Đặc biệt, lần đầu tiên, bộ sưu tập kỷ vật văn hóa dân tộc Ê Đê của gia đình cố NSND Y Moan Ênuôl gồm 16 nhóm hiện vật: ghế Kpan dài 9,5m nặng gần 1 tấn, ghế chủ, trống, chiêng, bộ công cụ, gùi có chân, ghế bên bếp lửa và nhiều hiện vật khác… được trưng bày, giới thiệu tại nhà dài Ê Đê trong Khu các làng dân tộc đã mang tới cho người xem nhiều cảm nhận thú vị.

Tấm lòng đồng bào Tây Nguyên với Hà Nội

Trong chuyến hành trình về với Hà Nội, không ít người đã từng đến với Thủ đô nhưng cũng có người mới tới lần đầu. Dù vậy, với đồng bào, mỗi người đều mang trong mình một tình cảm thiêng liêng với Hà Nội khi những người con của núi rừng xa xôi được trực tiếp nghe hơi thở và cùng hoà nhịp đập với “trái tim” của Tổ quốc.

Với nhiều đồng bào Tây Nguyên mới chỉ biết đến Hà Nội qua sách báo, vô tuyến thì nay có dịp ra thăm Thủ đô đều cảm thấy “Thủ đô đẹp quá, hơn cả những gì mình tưởng tượng”. Không ngăn được dòng lệ khi vào Lăng viếng Bác, nhiều nghệ nhân cao tuổi “mãn nguyện” cho biết: ước mơ cả đời là được vào thăm Lăng Bác Hồ nay đã thành hiện thực và nguyện hứa với Bác sẽ tiếp tục cùng với bà con gìn giữ bản sắc văn hoá Tây Nguyên trong nền văn hóa đa dạng và đậm đà bản sắc các dân tộc Việt Nam.

Quốc Tuấn
Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site