18:04 | 03/02/2017

Tái hiện trích đoạn lễ hội “Lồng Tồng” của người Tày

(LV) – Sáng 3/2, lễ hội Lồng Tồng - một trong những nét văn hóa đặc sắc, một nghi không thể thiếu dịp đầu xuân của đồng bào Tày đã được tái hiện một cách sinh động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

 >>> Sắc xuân hội tụ dưới “Ngôi Nhà Chung”

Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là "xuống đồng". Lễ hội được xem là hoạt động tín ngưỡng gắn liền với nền nông nghiệp của đồng bào Tày. Đây là dịp để mong cầu các vị thần linh che chở để có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống no ấm.

Tái hiện lễ hội Lồng Tồng

Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Vào ngày lễ xuống đồng, ngoài đồng của Bản, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng. Mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giầy, chè lam, bánh bỏng... Trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều màu sắc. Lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt được thực hiện do các thầy tào tiến hành.

Mâm cúng, có gà luộc, có bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc nhuộm phẩm màu, xôi đỏ, xôi vàng tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, cho âm dương, trên mỗi đĩa xôi có một con én màu đỏ làm bằng giấy đậu lên, những mơ ước, những khát vọng về cuộc sống ấm no, sinh sôi nảy nở, an lành đều được gửi gắm tất cả vào trong đó.

Đồng bào Tày chuẩn bị lễ vật dâng cúng
Đồng bào Tày chuẩn bị lễ vật dâng cúng.

Về lễ vật cúng tế, tộc người Tày chuẩn bị rất chu đáo cẩn thận, tất cả những người tham gia cũng như vật dùng đều phải sạch sẽ; các món ăn phải ngon, tinh túy, cầu kỳ, đẹp mắt như: Bánh khảo (sla cao) làm từ gạo nếp, lạc, vừng, đường được rang lên và xay thành bột; bánh bỏng (pẻng khô) cũng từ gạo nếp với nhựa cây khoai ngứa được đồ lên thành xôi rồi đưa vào cối giã bằng tay; ngoài ra còn có 2 loại bánh bỏng (thóc théc, khẩu sli) cũng được làm từ gạo nếp nhưng cách chế biến khác nhau; bánh chè lam (pẻng khinh); bánh chưng Tày (pẻng tổm, khẩu tổm); gà cúng phải là gà sống thiến béo có chân, đầu, mào đỏ đẹp; lợn đen tế phải từ 50kg trở lên; ngoài ra còn có thêm các loại sản phẩm nông nghiệp do dân bản trồng trọt, chăm sóc và các dụng cụ lao động sản xuất.v.v.

Ngoài những món cúng truyền thống, mâm cúng ngày hôi còn được chuẩn bị khá công phu, nhà không có điều kiện thì vài chục món, còn nhà khá giả thì làm đến hàng trăm món. Trên mỗi mâm cỗ còn có thêm đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát và bông, có tua rua nhiều màu sặc sỡ.

Thông thường lễ hội diễn ra trên những thửa ruộng, cánh đồng hay bãi đất rộng nhưng tại Phú Đình lễ hội được tổ chức tại sân vận động xã. Ngay từ sáng sớm, các gia đình cùng nhau đội mâm cúng ra khu đất định sẵn để làm lễ xuống đồng, quện trong bước chân là những câu hát Sli mượt mà cầu chúc 1 năm mưa thuận gió hòa.

Thầy cúng làm lễ
Thầy cúng làm lễ .

Khi cỗ được bày xong, thầy cúng có uy tín được dân làng tiến cử sẽ bắt đầu phần lễ với nghi lễ của dân tộc Tày, xin Thành hoàng làng mở hội, tạ Thiên Địa, cầu Thần Nông, thần Núi, thần Suối…ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ấm no hạnh phúc…

Trong lễ cấu mùa này, nghi thức xuống đồng đóng một vai trò quan trọng – một người đàn ông to khỏe, đức độ, cày giỏi, làm ăn giỏi nhất làng và một con trâu tốt nhất được chọn để vạch những đường cày đầu tiên của vụ mới, mở đầu cho một mùa sản xuất bội thu.

Các trò chơi vui hội Lồng Tồng

Phần lễ nhanh chóng kết thúc nhường bước cho phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống. Là một hoạt động hấp dẫn thu hút nhiều người tham gia, tung còn được chọn làm trò chơi khai hội. Mở đầu là hội tung còn. Ðây là hoạt đông vui nhất, thu hút nhiều người tham gia nhất. Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng lớn đựơc chọn làm địa điểm lễ hội, người ta dựng một cây mai cao từ 20-30cm làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 - 60 cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật- Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Tung còn đòi hỏi cả sức khoẻ và sự khéo léo. Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn thì dân bản không vui, vì theo quan niệm của họ, phải có người tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hoà. Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên còn thi tung còn cho nhau.

Đồng bào Tày và cộng đồng các dân tộc vui hội ném còn
Đồng bào Tày và cộng đồng các dân tộc vui hội ném còn.

Trong phần hội còn có hoạt động thi cấy lúa trên mảnh ruộng nước đã được bừa ngầu từ hôm trước. Mỗi làng, xã sẽ chọn ra những phụ nữ nhanh nhẹn nhất, cấy giỏi nhất để tham gia hội thi.

Các trò diễn khác trong Lễ hội Lồng tồng gồm: Ném còn, kéo co, đấu gậy, cờ tướng, chọi chim, bắn nỏ, cau quay, đánh yến, đánh đáo, đánh bi, đánh khăng, đi cà kheo... Trò đánh đu thu hút được rất nhiều bạn trẻ tham gia.

Trò chơi đẩy gậy
Trò chơi đẩy gậy.

Trong các trò vui chơi của người Tày, trò hát then, Sli, lượn thu hút nhiều khách thập phương hơn cả. Các trò này được kéo dài từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc lễ hội, được đưa vào nhà và khắp thôn bản đều hát; nội dung hát chủ yếu là hát giao duyên, hát chúc tụng, hát mừng xuân mới, đặc biệt các đôi trai gái thanh niên tìm hiểu nhau sau này trở thành vợ chồng...

Giá trị của lễ hội

Lễ hội Lồng tồng của người Tày là một nghi thức đặc trưng của văn hóa vùng, mang tính chất tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng cầu mưa, tín ngưỡng thờ mặt trời. Chứa đựng nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian, và cũng chính là Lễ hội cầu mưa của người làm nghề nông là nghề truyền thống của dân tộc Tày, Nùng với các nội dung chào mừng mùa xuân mới, mừng vụ mùa trước cho mùa vụ sau bội thu, cho mọi người, mọi nhà khỏe mạnh ấm no, hạnh phúc, bản làng yên vui.

Trò chơi ném còn của người Tày là một trong những trò chơi phổ biến của các lễ hội dân gian của người Tày ở Định Hoá, Thái Nguyên. Nó luôn là người bạn chung thủy để chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống của người dân. Cùng với các trò chơi khác của người Tày và các loại hình nghệ thuật khác của những dân tộc anh,em.

Có thể nói ném còn đã trở thành một thực thể trong đời sống tinh thần, một thành phần có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu bộc lộ tình cảm của những người dân Tày yêu thích các trò chơi dân gian. Thông qua ném còn người dân thể hiện tín ngưỡng phồn thực,cầu may, trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần người Tày. Nét đẹp văn hoá của đồng bào Tày qua Trò chơi ném còn cần được giữ gìn, lưu truyền và phát triển để không bị mai một theo thời gian.

Để khôi phục, bảo tồn trò chơi ném còn của dân tộc cũng góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Không những vậy, nó còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân.

Tố Oanh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site