08:06 | 16/04/2017

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thường xuyên

(LV) - Hoạt động thường xuyên của cộng đồng các dân tộc có ý nghĩa đặc biệt, là nguồn sinh khí thổi hồn vào “Ngôi nhà chung”. Tuy nhiên, cách thức hoạt động đang bộc lộ nhiều bất cập, sự tham gia của chủ thể văn hóa trong khai thác, vận hành vẫn chưa hiệu quả.

>>> Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam hưởng ứng tháng Thanh Niên 

Thành công bước đầu quan trọng

Dù xét trên góc độ nào, văn hóa - chính trị hay kinh tế - du lịch, thì sự hiện diện một cách chân thật, sống động và thường xuyên của chủ thể văn hóa với các hoạt động thường nhật trong không gian văn hóa của từng cộng đồng, thì đây đều là điều kiện tiên quyết vừa có thể gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, vừa có thể tạo ra những sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là thị trường du lịch văn hóa.

Thực hiện chủ trương “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, hàng năm Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với các địa phương trong cả nước huy động theo hình thức luân phiên, đón hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc về tham gia hoạt động tại đây. Đồng bào các dân tộc đã tổ chức hoạt động đời sống, tái hiện các lễ hội, trình diễn các nghề thủ công truyền thống... thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.

Từ cuối năm 2015, các cộng đồng dân tộc đã về hoạt động thường xuyên tại đây. Lượng khách đến với “Làng” cũng vì thế ngày một tăng lên, chỉ tính riêng trong năm 2016, “Làng” đã đón hơn 500.000 lượt khách, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Đồng bào dân tộc Mạ và dân tộc Mông giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình tại “Ngôi nhà chung”
Đồng bào dân tộc Mạ và dân tộc Mông giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình tại “Ngôi nhà chung”.

Ngày 25/12/2016 chính thức thu phí tham quan “Làng”, mở ra một hướng mới trong sự phát triển và là động lực thúc đẩy hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa hoạt động, từng bước hướng tới sự chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Nhiều công ty lữ hành đã liên kết nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đến “Làng”, như : IDP Travel, Newstarlight Travel, Tre Việt… Đây là những tín hiệu khả quan cho thấy, hoạt động thường xuyên của cộng đồng các dân tộc, đại diện cho những vùng văn hóa khác nhau của nước ta trong thời gian vừa qua ở “Làng” là một hướng đi đúng đắn và tất yếu trong thực hiện mục tiêu của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Nhận diện thách thức

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, định hướng và tạo niềm tin trong việc hoàn thiện “một trung tâm hoạt động văn hoá mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và khách quốc tế; đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, văn nghệ”. Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú, năng động, đa dạng, hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc. Các hoạt động giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước góp phần nâng cao dân trí và hoàn thiện con người theo hướng chân, thiện, mỹ... Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa thể níu chân du khách quay trở lại. Bởi vậy, cần nhận diện rõ những khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức, khai thác, vận hành hoạt động thường xuyên của “Làng” để có bước đi thích hợp.

Không khó để nhận ra những khó khăn trong việc huy động đồng bào các dân tộc về hoạt động thường xuyên tại “Làng”. Đây là hoạt động có quy mô và phạm vi lớn, liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng khác nhau, quá trình hoạt động cần giải quyết nhiều vấn đề cả trong công tác tổ chức, điều hành đến công tác bảo đảm. Đòi hỏi các chủ thể tham gia phải giải quyết nhiều mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn giữa nhu cầu huy động lực lượng, phương tiện lớn để phục vụ hoạt động thường xuyên tại “Làng” với nguồn kinh phí bảo đảm có hạn, giữa số lượng với chất lượng nghệ nhân, giữa gìn giữ, bảo tồn với phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, giữa hoạt động văn hóa với hoạt động dịch vụ.

Phần hội là các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, múa xòe, Tó mắk Lẹ...
Phần hội là các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, múa xòe, Tó mắk Lẹ....

Thực tế thời gian qua, “Làng” đã có những bước đi với lộ trình thích hợp, từng bước huy động đồng bào tham gia hoạt động thí điểm, chủ động khắc phục những vấn đề nảy sinh, kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Dự kiến trong năm 2017, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với các đơn vị, địa phương huy động 15 cộng đồng dân tộc với khoảng 1.000 nghệ nhân, già làng, trưởng bản, đồng bào dân tộc từ 29 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền của cả nước về Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tham gia các sự kiện và hoạt động thường xuyên tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động thường xuyên của “Làng”, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động đồng bào các dân tộc, tạo cơ chế phối hợp hoạt động hiệu quả giữa “Làng” với các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Ảnh: Thanh Hà

Đặc biệt, một trong những yêu cầu then chốt quyết định thành công hoạt động thường xuyên là khâu lựa chọn lực lượng nghệ nhân và đồng bào tham gia và phải được luân phiên định kỳ. Bởi đây là lực lượng trực tiếp thực hiện sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, là chủ thể khai thác, vận hành hoạt động của “Ngôi nhà chung”. Tham gia hoạt động tại “Làng”, họ không chỉ là những nghệ nhân có khả năng tái hiện văn hóa mà còn cần phải biết phát huy văn hóa, cùng với các lực lượng chức năng của “Làng” nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa du lịch mang thương hiệu riêng của “Làng”, có sức hấp dẫn, thu hút du khách, với tính cạnh tranh cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường du lịch văn hóa trong và ngoài nước.

TS. Đỗ Văn Lừng

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site