09:14 | 04/05/2018

Người “nặng lòng” với Trường Sa

(LV) - Khởi xướng thiết kế máy lọc nước biển thành nước ngọt để khắc phục phần nào khó khăn cho chiến sỹ tại Trường Sa, anh Trần Vũ Thành (Chủ tịch CLB Trí thức trẻ Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương) tự nhận dù thân ở đất liền nhưng tâm luôn hướng về đảo xa.

 >>> Anh nông dân biến mảnh đất sình lầy thành trang trại tiền tỷ

Hành trình ngọt hóa nước biển

Lần đầu tiên được đặt chân tới quần đảo Trường Sa là năm 2014 theo hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức là vào đúng mùa khô, anh Trần Vũ Thành nhớ như in những ký ức về sự thiếu thốn và trân trọng nước ngọt của các chiến sỹ làm nhiệm vụ trên đảo. Điều kiện ở Trường Sa khó khăn đủ thứ, mọi thiết bị đều phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, như gió biển mang theo hơi muối với mức độ ăn mòn rất lớn, bão tố và sóng biển vây tứ phía, nắng gắt gao… có thể làm hư hại máy móc bất cứ lúc nào. Chưa kể đến diện tích của đảo cũng bị hạn chế, không thể thoải mái như đất liền để đặt bể lọc lớn hay thiết bị quá khổ. Thiếu nguồn cấp năng lượng, các thiết bị sử dụng ánh sáng mặt trời lại bị hạn chế vào mùa mưa bão… khiến cho nhiều ý tưởng biến nước mặn thành nước ngọt trước đó đều đã thất bại.

 

Anh Trần Vũ Thành kiểm tra hoạt động máy lọc nước
Anh Trần Vũ Thành kiểm tra hoạt động máy lọc nước.

Trở về đất liền, anh Thành vẫn canh cánh với ý tưởng thiết kế máy lọc nước cho đảo xa. Với vai trò là Chủ tịch CLB Trí thức trẻ Hà Nội, anh đã kêu gọi các thành viên trong CLB bắt tay vào làm. Anh nhớ lại, thời điểm bắt tay vào làm công nghệ chưa có nên anh em đều cùng ngồi lại tìm giải pháp, từ nghiên cứu thiết bị, thiết kế phần mềm, nghiên cứu thực địa tại Trường Sa để mang ra đảo. Tới cuối năm 2014, mô hình máy được chế tạo. Được thiết kế hệ thống tự động lấy nước từ biển lên, đo theo con nước thủy triều, lọc hết cát, phù du rồi mới bơm lên bể lọc, chiếc máy phải hạn chế tối đa sự tấn công của thiên nhiên nhưng tiết kiệm sức người.

Chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt đầu tiên được đặt tên NT-30 ra đảo Trường Sa Đông cũng đúng vào hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tháng 5/2015. So với những ký ức thiếu nước ngọt mà cách đó một năm anh chứng kiến, lần đặt chân ra Trường Sa lần này, với anh Thành và những người bạn cùng chí hướng, đó là những kỷ niệm ngọt ngào.

Anh chia sẻ: “Máy sử dụng công nghệ lọc màng (Lọc RO) hiện đại nhất hiện nay, đã qua nhiều lần thử nghiệm và kiểm tra nên đảm bảo trở thành nước lọc uống luôn. Sau khi lắp xong, anh em chia nhau cốc nước ngọt, hồ hởi uống luôn tại chỗ. Nhiều người ngỡ ngàng đến nỗi không tin đó là sự thật”.

Chiếc máy NT-30 về đảo cũng bị thử thách như “dâu mới về nhà chồng”. Đầu tiên là đem nước lọc nấu cơm, thấy những hạt cơm cũng giống như cơm nấu bằng nước mưa, vậy là được công nhận một phần. Sau đó, một phần cơm được để lại đến chiều xem cơm có bị “lại gạo” hay không. Cuối cùng, bát cơm tối vẫn thơm dẻo, khiến mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, biết là đã thành công thực sự. Từ sau hôm đó, toàn đảo được dùng nước ngọt để nấu ăn. Anh Thành nhớ lại, “Thử thách là vậy chứ sau này mọi người mới chia sẻ, cảm giác đầu tiên uống nước ngọt sung sướng đến khó tả”.

 

Hành trình mang nước ngọt tới vùng khát
Hành trình mang nước ngọt tới vùng khát.

Sau khi thí điểm thành công, Bộ Tư lệnh Hải quân tín nhiệm đã tiếp tục đề nghị CLB Trí thức trẻ Hà Nội thiết kế một máy lọc nước cho đảo An Bang. Từ tháng 4/2016, anh Thành đã lại lên đường ra Trường Sa. Anh cho biết, phần thiết kế máy đã được cải tiến để tăng tuổi thọ máy và với công suất lên 2.000 lít/ngày, chỉ chờ đủ điều kiện để lắp đặt. Trong những chuyến ra đảo này, anh còn triển khai thí điểm công nghệ vi sinh xử lý môi trường cho các đảo Trường Sa. Hiện nay, công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt đang là nội dung trọng tâm của 2 chương trình: “Môi trường xanh cho biển đảo Tổ quốc” thực hiện cho Trường Sa giai đoạn 2016 - 2018. Đồng thời, anh cũng ứng dụng công nghệ này để thực hiện chương trình “Nước ngọt nghĩa tình” thực hiện cho các tỉnh miền Tây Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo nước ngọt cho vùng khô hạn và xâm nhập mặn tại đây.

“Nặng lòng” với Trường Sa

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, anh Trần Vũ Thành cũng là một trong những hạt nhân tích cực đưa đảo xa gần hơn với đất liền, chăm lo người chiến sỹ canh giữ biển đảo cũng như yên lòng hậu phương, cùng kết nối với cộng đồng vì Trường Sa thân yêu.

Nhiều năm qua, những bức ảnh đẹp về biển đảo, chiến sỹ và cuộc sống trên đảo do những thành viên trong CLB thực hiện đã được tập hợp để in thành bộ bưu thiếp “Sắc màu Trường Sa” tuyên truyền về biển đảo. CLB cũng tổ chức các triển lãm ảnh để giới thiệu và gây quỹ, tổ chức các chương trình thường niên như chương trình Tết Nguyên đán, “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn”, “Ốm có thuốc - Khám có thầy”... dành cho cả hậu phương và chiến sỹ.

 

Anh Trần Vũ Thành (ngoài cùng bên trái) tại Trường Sa
Anh Trần Vũ Thành (ngoài cùng bên trái) tại Trường Sa .

Những ngày này, CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương phối hợp cùng Bảo tàng tuổi trẻ lại tất bật với các hoạt động cho chương trình “Môi trường xanh cho biển, đảo Tổ quốc” năm 2018. Trong đó có các hoạt động triển lãm ảnh “Sức sống Trường Sa”: Giới thiệu tới tuổi trẻ và nhân dân cả nước 100 bức ảnh về Trường Sa, Nhà giàn DK1, 30 tư liệu về Hoàng Sa, 33 lá cờ Tổ quốc từ Trường Sa, 15 lá cờ Tổ quốc từ Nhà giàn DK1 và các hiện vật khác. Đồng thời phát hành bưu thiếp Trường Sa và vận động gây quỹ Trường Sa xanh, kết nối các sản phẩm môi trường tặng cho đảo và nhà giàn…

Anh Trần Vũ Thành cho biết, chương trình lần này hướng nhiều tới thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Bởi vậy, ngoài việc tổ chức triển lãm tại khu đô thị Ecopark, Bảo tàng tỉnh Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), triển lãm được tổ chức tại các trường đại học như trường Đại học Thương Mại, trường THPT Hoàng Văn Thụ, Đại học Sư phạm (Hà Nội). Đây là dịp tuyên truyền về Trường Sa, giới thiệu và vận động các nguồn lực trong cả nước thực hiện nội dung “Trường Sa xanh” do Trung ương Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức, thực hiện các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống, giúp bộ đội Trường Sa, nhà giàn DK1 giảm bớt khó khăn, sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt cho đảo An Bang.

Cao Tân Bắc

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site