07:10 | 25/05/2018

Lễ dựng cây nêu của người Ba Na

(LV) - Đối với đồng bào Ba Na, hình ảnh cây nêu, ghè rượu, cồng chiêng, là những thứ không thể thiếu trong những hội hè, lễ, Tết. Trải qua bao thế hệ, in sâu trong tiềm thức của người Ba Na, cây nêu được ví như biểu tượng của sức mạnh, sự giàu có trường tồn. Trong tín ngưỡng của người Ba Na cây nêu còn có ý nghĩa tâm linh - nơi giúp người làng tiến gần hơn với thế giới của các vị thần.

>>> Độc đáo nghi lễ rước cây nêu cầu an của dân tộc Êđê

Cây nêu - biểu tượng, hồn cốt của người Ba Na

Cũng như các dân tộc anh em cùng chung sống ở tỉnh Kon Tum, mỗi khi lập làng mới, người Ba Na thường chọn vị trí trung tâm của làng để dựng nhà rông. Người Ba Na gọi nhà rông là Hnam Rôông, Jơng hoặc là Jôông. Bởi đối với người Ba Na, nhà rông không những thể hiện uy lực, sức mạnh mà còn là sự tài hoa, tính đoàn kết của dân làng. Nhà rông chính là trung tâm của làng, là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của cộng đồng: Lễ hội, vui chơi, hội họp, đón tiếp khách quý và giải quyết các vụ việc liên quan đến cộng đồng làng... Trong lễ mừng nhà rông mới của người Ba Na, không thể thiếu nghi thức dựng nêu cùng các nghi lễ hiến sinh để thể hiện lòng thành và sự kính trọng của dân làng đối với các vị thần linh.

 

Lễ hội xung quanh cây nêu
Lễ hội xung quanh cây nêu.

Người Ba Na gọi cây nêu là Gâng. Cây thường dùng để làm cây nêu là cây tre hoặc cây lồ ô ở trong rừng có thân thẳng tắp. Cây nêu của người Ba Na gồm 3 tầng, tượng trưng cho: mặt đất, khoảng không vũ trụ và tầng trời. Tầng mặt đất là gốc của cây nêu, bao gồm các bộ phận: Loong gâng (các ngọn cây le có treo các sợi tua: tượng trưng cho cây lúa, ngô…), Đao (4 cây chôn ở 4 gốc của cây nêu với một đầu vát mỏng, trang trí hoa văn: tượng trưng cho trụ nhà và công cụ săn bắt hái lượm) và Koong (là trụ của cây nêu có trang trí hoa văn, tượng trưng cho bếp lửa). Khoảng không vũ trụ là nơi chim chóc bay lượn. Tầng trời là phần ngọn của cây nêu, đây là nơi trú ngụ của thần linh để phù hộ cho dân làng. Cây nêu có ý nghĩa quan trọng và rất linh thiêng đối với người Ba Na, là nơi giao hòa giữa con người với thần linh, là nơi trú ngụ của thần linh để xua đuổi tà ma, bảo vệ dân làng… Sự hài hòa giữa sắc màu đen, đỏ, trắng, vàng trên cây nêu tượng trưng cho màu của tình yêu, khát vọng và sức sống vươn lên của con người.

Nghi thức dựng nêu

Sau khi già làng cột vật hiến sinh vào cây nêu, dân làng làm nghi thức thông báo và cầu khấn thần linh phù hộ cho dân làng, lời khấn đại ý như sau: “Ơ thần Kây Dây sáng lập ra trời đất, hỡi thần núi, thần sông, thần nhà rông. Hôm nay dân làng tổ chức lễ mừng nhà rông mới, chúng tôi cúng khấn các thần linh một con trâu, con dê, con heo to khỏe, xin các thần linh xuống chứng giám và phù hộ cho dân làng sức khỏe, con cái đầy nhà, vật nuôi đầy sân, mưa thuận gió hòa, một mùa bội thu…”. Kết thúc lời cầu khấn, tiếng hú reo mừng vang cả núi rừng, cồng chiêng nổi lên rộn rã. Tiếng cồng chiêng, trống hòa với vòng xoang cứ rộng dài mãi, uyển chuyển gọi mời già, trẻ, gái, trai làng xa, làng gần về chung vui, mừng dân làng có nhà rông mới. Cứ sau một đợt cồng chiêng vang lên, bà con dân làng lại nghỉ để uống rượu cần. Trước khi vào hội, chị em phụ nữ hái nhiều loại rau có sẵn trong rừng như rau dớn (Hla Kơ tonh), cây môn rừng (Hla Hming), cây chuối rừng (Rơ làng, ju), lá mỳ… mang về chế biến cùng với thịt vật hiến sinh để làm ẩm thực phục vụ ngày hội. Không khí vui mừng của dân làng cứ thế diễn ra thâu đêm suốt sáng.

 

Cô cái Ba Na trong ngày hội
Cô cái Ba Na trong ngày hội.

Lễ vật hiến sinh được già làng mang đặt ở cây nêu cầu mong thần linh phù hộ cho bà con dân làng luôn được mạnh khỏe và may mắn. Sau nghi lễ, tất cả mọi người bắt đầu cùng uống rượu ghè được xếp thành hàng ở ngoài sân, rồi cùng nhau nắm tay nhảy múa xung quanh cây nêu; tạm gác lại những mệt nhọc, lo toan ruộng rẫy, gương mặt ai ai cũng hớn hở, vui chơi hết mình. Trong không khí của lễ hội, cồng chiêng cứ liên tục vang lên tạo nên không khí nhộn nhịp và hứng khởi. Khi mọi người đã thấm mệt trong hương nồng của men rượu cần, dân làng bắt đầu nghỉ ngơi để nhường chỗ cho màn đêm vắng lặng. Ngày hôm sau, dân làng tiếp tục tổ chức nghi thức hạ đầu trâu và đưa xương đầu của vật hiến sinh lên mái nhà rông, nơi thờ các vật linh thiêng theo tín ngưỡng dân gian của người Ba Na.

Tài sản chung của toàn thể cộng đồng

Mỗi làng của người Ba Na đều có một nhà rông ở giữa, trở thành niềm tự hào của dân làng. Nhà rông có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân làng, là linh hồn, là trái tim, biểu tượng sự đoàn kết cộng đồng. Đồng bào Ba Na quan niệm, mái nhà rông cao vút là nơi hội tụ khí thiêng của đất trời, là cầu nối giữa con người với vũ trụ, là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất. Nhà rông là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, không gian học tập và trú ngụ của các chàng trai chưa vợ để bảo vệ dân làng, là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của dân làng. Chính vì vậy, lễ hội dựng cây nêu mừng nhà rông mới luôn được đồng bào rất coi trọng, là dịp thể hiện những nhiều nét đặc sắc của di sản văn hóa dân tộc Ba Na.


Với người Ba Na, cây nêu giữ vai trò tâm linh quan trọng, là biểu tượng, nét đẹp của sự trường tồn vĩnh cửu, mãi in sâu trong ký ức của mỗi người con Ba Na vùng cao Tây Nguyên

TS. Trần Tấn Vịnh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site