10:56 | 20/07/2018

Nhà thiết kế Minh Hạnh đánh thức những giá trị văn hóa truyền thống

(LV) - Là nhà thiết kế (NTK) thời trang nổi tiếng không chỉ trong nước, những đóng góp của Minh Hạnh là gạch nối quan trọng giữa thời trang Việt Nam và thế giới, đưa những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam tỏa sáng trên sàn quốc tế.

 >>> Người “nặng lòng” với Trường Sa

Niềm đam mê từ thuở ấu thơ

NTK Minh Hạnh sinh năm 1961 tại Pleiku trong một gia đình gốc Huế. Ngay từ thời ấu thơ, chị đã mê đắm những trang phục truyền thống của mẹ - phụ nữ gốc Huế với những chiếc áo dài tha thướt cùng những trang phục truyền thống của phụ nữ các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Tuổi thơ của Minh Hạnh gắn với những trò nghịch cắt trộm tay áo, gấu áo của mẹ để thiết kế quần áo cho búp bê. Sự khác biệt của Minh Hạnh với trò chơi thuở ấu thơ ấy đã biến thành niềm đam mê đi suốt cuộc đời. Thông minh, khéo léo thiên bẩm về thiết kế, Minh Hạnh đã tự may được áo váy cho búp bê và quần áo cho mình, đặc biệt là chiếc áo dài khi mới hơn 10 tuổi.

 

Ông Sadakari Atsuhito, Phó Thị trưởng thành phố Fukuoka trao bảng thông báo vinh danh Giải thưởng Fukuoka cho nhà thiết kế Minh Hạnh
Ông Sadakari Atsuhito, Phó Thị trưởng thành phố Fukuoka trao bảng thông báo vinh danh Giải thưởng Fukuoka cho nhà thiết kế Minh Hạnh.

Từ Pleiku, Minh Hạnh theo gia đình chuyển đến Đà Nẵng rồi Sài Gòn. Ngoài giờ đến trường, Minh Hạnh còn nhớ mãi những năm tháng gia đình bước chân vào Sài Gòn, trò chơi đam mê thuở bé đã trở thành công việc kiếm cơm áo gạo tiền cùng gia đình. Hành trang mà chị nhất định mang theo cùng gia đình từ PleiKu đi chính là chiếc máy may.

Ngoài giờ học, chị cắm đầu trên bàn máy may cặm cụi gia công đồ xuất khẩu cho hợp tác xã với đường may theo quy cách bốn mũi kim trong 1 cm. Những ngày nghỉ cuối tuần, chị em Minh Hạnh lại theo gia đình đi tàu lên Trảng Bom chăm sóc vườn khoai mì. Chị cũng tự tay vá quần áo bị sờn hay rách của mình bằng đôi tay khéo léo.

Những năm tháng khó khăn ấy, chị vẫn nuôi dưỡng tình yêu của mình với kéo, vải, kim chỉ, với giấc mơ về thời trang từ các chất liệu truyền thống.

Để theo đuổi niềm đam mê của mình, Minh Hạnh đã quyết định theo học trường Mỹ thuật Gia Định. Sau khi ra trường, trước khi bước hẳn vào công việc thiết kế thời trang, chị làm họa sỹ thiết kế cho báo rồi phụ trách trang báo về thời trang. Đây là công việc mà chị tích lũy thêm những kỹ năng cần thiết và sự hiểu biết về thời trang, cũng như việc thiết kế.

Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống

Minh Hạnh là người góp công đầu trong việc quảng bá hình ảnh tà áo dài Việt Nam đầy quyến rũ và mê hoặc cũng như những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam vô cùng hiệu quả ra thế giới. Hiện tại, Minh Hạnh vẫn là nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam, giữ vị trí cao nhất tại Tuần lễ Thời trang Việt - sự kiện tôn vinh thiết kế Việt quan trọng, diễn ra thường niên.

 

Thiết kế của Minh Hạnh trong chương trình biểu diễn trang phục Dệt may trên chất liệu truyền thống các nước ASEAN chủ đề “Hội tụ bản sắc châu Á” tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017
Thiết kế của Minh Hạnh trong chương trình biểu diễn trang phục Dệt may trên chất liệu truyền thống các nước ASEAN chủ đề “Hội tụ bản sắc châu Á” tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017.

Khi Minh Hạnh chọn thiết kế thời trang thì đây là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Chị học hỏi và tìm hiểu thời trang thế giới với những xu hướng mới nhưng luôn ý thức được giá trị của truyền thống văn hóa dân tộc. Vì vậy, chị dành khá nhiều thời gian và tâm huyết của mình để tìm hiểu, nghiên cứu trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam với các quy trình tạo nên các loại tơ tằm, thổ cẩm truyền thống, từ trồng dâu nuôi tằm hay trồng bông và lanh, đến se sợi, dệt vải cũng như nhuộm, thêu, vẽ sáp ong, khâu đắp để tạo họa tiết… Chị trân trọng quá trình lao động đầy sáng tạo của chủ nhân văn hóa đã tạo nên những sản phẩm sáng tạo nhưng mộc mạc mà tinh tế này và nỗ lực sáng tạo để đem những giá trị này lên sàn diễn thời trang cho cả thế giới được chiêm ngưỡng, tôn vinh.

Từ các chất liệu, họa tiết truyền thống của các dân tộc Việt Nam, Minh Hạnh đã sáng tạo nên những trang phục với màu sắc, hoa văn, kiểu dáng táo bạo bằng cảm quan hiện đại. Những sản phẩm mĩ nghệ thủ công truyền thống Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới, không đi theo lối mòn kế thừa truyền thống đơn điệu trong các thiết kế của Minh Hạnh. Những mẫu thiết kế áo dài của chị luôn mang hơi hướng của thời trang hiện đại nhưng có cốt cách của văn hóa truyền thống dân tộc, kết hợp hài hòa tà áo dài và vải dệt cũng như thêu tay của dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, NTK Minh Hạnh luôn xây dựng và tổ chức các buổi trình diễn thời trang, sự kiện văn hóa trong nước và thế giới để giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam. Minh Hạnh cũng hoạt động tích cực trong việc đào tạo các nhà thiết kế trẻ, khai thác mở rộng thị trường để thúc đẩy sự phát triển của ngành thời trang Việt, góp phần lớn cho việc tạo ra một phong cách riêng của châu Á.

Những gì Minh Hạnh đã làm cho thời trang Việt chính là việc tạo nên dấu ấn riêng, khơi dòng cho những chất liệu quý của Việt Nam như thổ cẩm, lụa, vải lanh và đã làm sống lại những làng nghề truyền thống tưởng như đã bị lãng quên.

Những nỗ lực và thành công mà Minh Hạnh đã đạt được trên con đường theo đuổi đam mê được chị chia sẻ: “Tôi tự hỏi, tại sao họ yêu quý và say đắm thổ cẩm Việt Nam đến như thế? Chính là bởi giá trị về mặt tinh thần ẩn dấu bên trong hình ảnh của các bà con dân tộc ngồi se sợi để dệt nên những tấm vải và tỉ mẩn vẽ chi tiết hoa văn thổ cẩm độc đáo lên đó… Khi là vốn quý nó cũng phải đem lại những giá trị hữu ích cho đời sống chứ không phải là một vốn quý chỉ là để nhìn ngắm và tự hào về điều đấy”.

Thu Loan

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site