23:00 | 07/04/2019

Nghệ nhân Bàn Thị Vinh và những di sản văn hóa của người Dao Thanh Y

(LV) - Tâm huyết với những di sản văn hóa của người Dao Thanh Y, nghệ nhân Bàn Thị Vinh (sinh năm 1940, thôn 4, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) đã dành trọn tình yêu của mình cho việc giữ gìn và lưu truyền cho thế hệ mai sau.

 >>> Những nghệ nhân giữ hồn Then cổ

Từ làn điệu dân ca ngọt ngào

Sinh ra và lớn lên ở nơi vốn chủ yếu là người Dao Thanh Y sinh sống, nghệ nhân Bàn Thị Vinh được nuôi dưỡng trong lối sống mang đậm bản sắc dân tộc với những phong tục tập quán được lưu truyền từ xa xưa. Như nhiều trẻ con nơi đây, bé gái Bàn Thị Vinh đã được lớn lên trong những làn điệu dân ca ngọt ngào qua thể hát giao duyên. Đây là lối hát được sử dụng trong không gian mở, hát vào bất cứ thời điểm nào. Khi theo bà và mẹ lên nương, đi hội và trong cuộc sống hàng ngày câu hát giao duyên được cất lên đã thấm vào bà một cách tự nhiên lúc nào không hay.

 

Nghệ nhân Bàn Thị Vinh – “đôi bàn tay vàng” trong kỹ thuật thêu truyền thống của người Dao Thanh Y
Nghệ nhân Bàn Thị Vinh – “đôi bàn tay vàng” trong kỹ thuật thêu truyền thống của người Dao Thanh Y.

Những lời ca trong hát giao duyên của người Dao Thanh Y vốn mộc mạc, giản dị nhưng lại ẩn chứa nhiều ý tứ, lại được hò đệm ngân dài, trầm bổng, da diết cùng lời tâm tình, thủ thỉ đã làm say mê bao thế hệ những người con Dao Thanh Y và bà không phải ngoại lệ.

Lên 8 tuổi, bà bắt đầu học hát dân ca cũng như học thêu hoa văn trên trang phục dân tộc Dao Thanh Y từ người mẹ - bà Trương Thị Ba (trú tại thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, nay là TP. Uông Bí, Quảng Ninh). Yêu và trân trọng những di sản văn hóa của dân tộc mình, bà chú tâm ghi nhớ, lưu giữ tất cả những gì liên quan, vì thế, bà thuộc rất nhiều chuyện kể, bài hát của dân tộc Dao Thanh Y.

Bà tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là biểu diễn dân ca của dân tộc mình ở huyện, tỉnh và ngoại tỉnh và là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tình yêu đối với các làn điệu dân ca.

Đôi bàn tay vàng

Không chỉ hát hay, thuần thục các làn điệu dân ca của người Dao Thanh Y, bà còn là người am hiểu các phong tục tập quán của cha ông và giỏi trang điểm cho các cô dâu, chú rể người Dao trong đám cưới truyền thống. Đặc biệt, bà là người được bà con nơi bà sinh sống phong tặng là người có “đôi bàn tay vàng” trong nghề thêu các trang phục truyền thống.

Nghề thêu thùa, may vá của người Dao Thanh Y ở đây khá độc đáo, được phụ nữ truyền khẩu để lưu giữ bằng trí nhớ qua các thế hệ. Các họa tiết thêu không theo mẫu được vẽ sẵn mà thêu theo trí nhớ, vì vậy khi thực hành, họ đều tập trung tâm trí vào từng mũi kim, đường chỉ. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và khả năng ghi nhớ, óc tưởng tượng và trình độ thẩm mỹ cao. Chỉ một đôi gấu quần, phải mất ít nhất ba tháng thêu liên tục và đôi vạt áo cũng khoảng hai tháng. Nghệ nhân Bàn Thị Vinh thuần thục nghề thêu này từ khi là cô gái trẻ. Bà chia sẻ: “Con gái Dao mà không biết thêu thùa thì khó lấy chồng. Người ta nhìn vào trang phục của cô gái để biết được đó là cô gái chăm chỉ siêng năng khéo léo hay không. Mỗi cô gái khi đến tuổi lập gia đình, phải tự thêu được một bộ quần áo, khăn mũ đẹp để mặc đi hội, đi chơi và mặc trong đám cưới của mình”.

Bà là người thêu hàng chục bộ quần áo cô dâu để sử dụng, lưu giữ tại Khu bảo tồn Bản văn hoá người Dao Thanh Y xã Bằng Cả. Ý thức về việc giữ gìn và trao truyền nghề những giá trị di sản văn hóa của dân tộc, nghệ nhân Bàn Thị Vinh đã tích cực chỉ bảo, truyền dạy cho các cháu, chị em trong thôn và đi giảng dạy, truyền nghề cho thế hệ trẻ ở các xã, huyện.

Bà tranh thủ thời gian khi được đi biểu diễn ở tỉnh, ngoài mua vải và phụ liệu thêu trang phục truyền thống của người Dao Thanh Y để phát cho những người đến học thêu. Năm 2011, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian” để ghi nhận những đóng góp của bà với văn hóa dân tộc.

Năm nay đã gần 80 tuổi, bà không còn khỏe để đi nhiều nơi, khoe giọng hát và làn điệu dân ca cũng như những di sản văn hóa của người Dao Thanh Y ở Quảng Ninh nhưng đôi tay bà vẫn thoăn thoắt đường kim mũi chỉ thêu khăn áo và chỉ dạy cho thế hệ trẻ những hiểu biết về di sản văn hóa mà bà chính là báu vật nhân văn sống.

Trịnh Thị Hiền

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site