16:33 | 10/07/2019

Người khởi xướng làm du lịch cộng đồng ở Hua Tạt

(LV) - Ít ai nghĩ rằng, bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) mấy năm trước vẫn còn là cái tên đầy xa lạ với du khách thì nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn của những người ưa khám phá đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Thành công ấy gắn liền với điểm du lịch cộng đồng đầu tiên trong bản - A Chu homestay và công sức của ông chủ người Mông Tráng A Chu.

 >>> Những nghệ nhân giữ hồn Then cổ

Mối duyên với du lịch

Với những người làm du lịch cộng đồng, cái tên Tráng A Chu và mảnh đất Hua Tạt (Sơn La) không có gì là lạ lẫm. Thậm chí, trong 20 câu chuyện kể của 20 nhân vật tiêu biểu đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam đưa vào ấn phẩm đặc biệt “Câu chuyện Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xuất bản nhân sự kiện Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 tại Quảng Ninh vừa qua, Tráng A Chu là một nhân vật được chọn. Những lời giới thiệu mộc mạc: “Tôi là Tráng A Chu, sinh năm 1982, là một người dân tộc Mông. Từ nhỏ đến lớn tôi sống với bố mẹ và hai em nhỏ ở bản Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La này” đã gợi mở cho mọi người về một hành trình làm du lịch đầy thách thức nhưng cũng rất đáng nể phục.

 

Gia đình Tráng A Chu (trang phục truyền thống) đón khách thăm bản
Gia đình Tráng A Chu (trang phục truyền thống) đón khách thăm bản .

Mối duyên của Tráng A Chu với du lịch cộng đồng bắt nguồn từ những ngày sau khi tốt nghiệp, chàng cử nhân ngành Công nghệ Thực phẩm này không tìm được việc làm. Anh nhớ lại: “Năm 2013, A Chu mới biết đến cái nghề gọi là nghề làm dịch vụ du lịch”. Được gặp gỡ các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, mọi người động viên, tư vấn, chỉ cho cách làm du lịch, anh mới về bàn với vợ để sửa sang nhà cửa, đón khách về với gia đình. Thời điểm đó, với gia đình Tráng A Chu, đó là quyết định liều lĩnh, bởi mọi sự bắt đầu đều từ hai bàn tay trắng - không được đào tạo bài bản về nghề, nhà cửa chưa sửa sang để đón khách, bản Hua Tạt cũng chưa có khách du lịch nào biết tới… nhưng vợ chồng Tráng A Chu vẫn quyết tâm làm. Năm 2014 bắt đầu dựng nhà sàn, cải tạo cảnh quan trong nhà, tham gia tập huấn kỹ năng đón khách, tới tháng 8/2015, A Chu homestay – cơ sở du lịch cộng đồng xây dựng trên chính mảnh đất cha ông để lại của gia đình đã chính thức đón khách. Anh đã kết nối với mạng lưới du lịch cộng đồng để cùng quảng bá du lịch tới du khách trong và ngoài nước, bắt tay với các công ty lữ hành để đưa khách về nhà. Năm 2016, homestay của A Chu đã đón 1.300 lượt khách. Năm 2017, cơ sở của anh đã đón 2.200 lượt khách. Những du khách biết tới Hua Tạt CBT đã chia sẻ với nhau thông tin để giới thiệu cho người khác. Bởi thế, năm 2018, anh đã xây thêm 8 bungalow cùng nhiều phòng cao cấp để phục vụ mọi đối tượng khách, với khả năng đón 200 lượt khách/ngày.

Mong muốn làm giàu cho quê hương

Vừa qua, tại Hội chợ Du lich Quốc tế VITM 2019, anh Tráng A Chu đã chia sẻ tại diễn đàn Du lịch xanh – Diễn đàn lớn nhất tại hội chợ về câu chuyện “Thổi hồn người Mông vào du lịch”. A Chu homestay của anh cũng được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao tặng giải thưởng hạng mục điểm du lịch sinh thái cộng đồng tiêu biểu.

 

Tráng A Chu nhận giải thưởng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại VITM 2019
Tráng A Chu nhận giải thưởng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại VITM 2019.

Kinh nghiệm sau ba năm vận hành mô hình du lịch cộng đồng mà Tráng A Chu chia sẻ chính là phải giữ gìn bản sắc, văn hóa của dân tộc mình để giữ chân du khách. Bởi thế, sau ngôi nhà sàn người Thái ban đầu anh dựng lên để thuận tiện trong việc đón khách, A Chu đã xây dựng mô hình một số phòng riêng theo cấu trúc nhà của người Mông, giữ gìn văn hóa truyền thống để du khách được hiểu thêm về văn hóa của dân tộc mình, quê hương mình.

Với mong muốn mở rộng mô hình du lịch cộng đồng và tạo việc làm cho người lao động ở bản góp phần xóa đói giảm nghèo, anh đã kết nối với 5 hộ gia đình khác trong bản cùng làm. Từ một hộ gia đình, đến nay, bà con trong bản đã bắt đầu chung sức xây dựng thương hiệu điểm du lịch cộng đồng Hua Tạt (Hua Tạt CBT). Năm 2018, cả bản đón 5.700 lượt khách, trong đó, số khách lưu trú tại nhà A Chu đạt 60%, còn lại san sẻ cho những hộ gia đình khác mới làm du lịch trong bản. Bên cạnh đó, các gia đình làm du lịch cộng đồng còn phối hợp với các hộ dân có nghề thủ công, như hộ chuyên làm giấy, hộ làm bánh giày, xay ngô, thêu thùa để đưa khách tới trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa.

Trong bản hiện nay ngoài A Chu còn có 4 hướng dẫn viên địa phương để giới thiệu văn hóa quê hương mình tới du khách... Hành trình khởi nghiệp trên quê hương Sơn La của anh đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ muốn phát triển du lịch cộng đồng khi mong muốn thay đổi cuộc sống của mình và đem lại lợi ích cho cộng đồng từ du lịch, góp phần xây dựng đời sống quê hương giàu đẹp.

Minh Khuê

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site