14:22 | 15/09/2012

Hà Giang phát huy tiềm năng hội nhập và phát triển

(LV) - Hà Giang ngày nay đã thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước, đang đứng trước nhiều cơ hội đầu tư để phát huy tiềm năng hội nhập và phát triển.

 

Hà Giang tiềm năng và thế mạnh

Hà Giang có 22 tộc người cư trú, trong đó có dân tộc ít người chỉ ở Hà Giang mới có hoặc có nhiều hơn các tỉnh khác, như dân tộc: Mông, Dao, Pà Thẻn, Lô Lô, La Chí, Pu Péo, Bố Y, Phù Lá... Hà Giang là mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi giao thoa và cũng là nơi hội tụ, kết tinh bản sắc văn hóa các dân tộc anh em để tạo nên sắc thái văn hóa riêng của Hà Giang. Qua các cứ liệu khảo cổ học các nhà khoa học đã xác định Hà Giang là một trong những địa điểm lưu giữ những dấu vết văn hóa thời tiền sử.

Về tài nguyên thiên nhiên, Hà Giang có diện tích rừng tương đối lớn, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 262.957ha, với nhiều sản vật quý hiếm. Rừng Hà Giang không những giữ vai trò bảo vệ môi trường sinh thái đầu nguồn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn cung cấp những nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng, y tế và sẽ là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh.

Tiềm năng tài nguyên khoáng sản của Hà Giang phong phú, phát hiện được gần 30 loại khoáng sản khác nhau. Đáng chú ý là có những mỏ có trữ lượng lớn trên một triệu tấn với hàm lượng khoáng chất cao như: ăngtimon ở các mỏ: Mậu Duệ, Bó Mới (Yên Minh); sắt ở Tùng Bá, Bắc Mê, chì - kẽm ở Na Sơn, Tả Pan, Bằng Lang, Cao Mã Pờ.

Trong quy hoạch phát triển công nghiệp, Hà Giang xác định đầu tư đồng bộ, từ khai thác đến chế biến thành phẩm, luyện kim cho 4 loại khoáng sản chủ yếu: sắt, chì - kẽm, mangan và angtimon. Hiện nay, tỉnh có trên 10 nhà máy đã đi vào hoạt động ở các lĩnh vực: chế biến chè xanh xuất khẩu, lắp ráp ô tô, sản xuất bột giấy. Từ khi triển khai luật Đầu tư, luật khoáng sản mới, Hà Giang đã tiếp nhận “làn sóng” đầu tư mới với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp lớn.

Hiện tỉnh đã hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống thuỷ điện vừa và nhỏ giai đoạn 2005 - 2010 có xét đến năm 2015. Theo quy hoạch, có 68 đề án thuỷ điện đã được phê duyệt. Trong lĩnh vực này, Hà Giang xác định đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ điện sông Nho Quế 1,2,3 và sông Miện với công suất khoảng 200 MW.

Cấy lúa
Cấy lúa . Ảnh: Hữu Ninh

“Làn sóng” đầu tư và chính sách thu hút

Hà Giang có nhiều chính sách, chế độ ưu đãi để thu hút đầu tư như: dùng ngân sách địa phương để thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Các điểm dự án đầu tư nhỏ, lẻ hỗ trợ 50% kinh phí đền bù GPMB trên diện tích đất được giao để xây dựng nhà máy. Kinh phí đền bù làm đường giao thông, đường điện, từ trục chính đến hàng rào nhà máy, hỗ trợ tối đa không quá 30%. Đối với các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong vùng nguyên liệu, gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hoá nông - lâm sản theo quy hoạch được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư theo từng địa bàn cụ thể.

Một điều không thể phủ nhận Hà Giang có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch. Hà Giang còn nhiều khu rừng nguyên sinh, môi trường sinh thái trong lành và chứa đựng nhiều tiềm ẩn kỳ thú. Các rừng đá trập trùng, nhấp nhô ẩn hiện trong mây bạc, nhiều đỉnh núi cao trên 2.000m như Putakha, Tây Côn Lĩnh; nhiều hang động đầy bí ẩn như Tùng Bá, Lùng Má, (huyện Vị Xuyên), Tùng Vài (Quản Bạ), Hang Mây, Sảng Tủng (Đồng Văn); các danh thắng như núi Cô Tiên, Cổng Trời (Quản Bạ), ruộng bậc thang, danh thắng Cột cờ Lũng Cú được mệnh danh “nóc nhà của Tổ quốc”, Phố cổ Đồng Văn, Chợ tình Khâu Vai, Di tích nhà họ Vương, cao nguyên đá Đồng Văn - thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu… chính là tiềm năng của ngành công nghiệp không khói…

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn văn hoá truyền thống vẫn luôn là nhiệm vụ thường trực của không chỉ những người có trách nhiệm ở địa phương. Phát triển du lịch tất nhiên phải dựa vào cái vốn là môi trường sinh thái và văn hoá truyền thống, xác định dựa vào chứ không khai thác.

Nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng trên 10% (năm 2011 là 13,2%); giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt gần 10 triệu đồng (năm 2011 đạt 9,6 triệu đồng); thu ngân sách trên địa bàn hơn 1.100 tỷ đồng.

Xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, Hà Giang đã chọn cho mình một hướng đi chủ đạo, bên cạnh các hướng đi “hỗ trợ” nhưng không kém phần quan trọng là thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp địa phương. Những hướng đi bằng chính đôi chân của mình trong những năm tới đang hứa hẹn sớm đưa Hà Giang thực sự trở thành địa phương phát triển toàn diện và bền vững.

Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc có 10 huyện, một Thành phố. Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình chia cắt hiểm trở, có độ cao trung bình là 800 - 1200m so với mực nước biển. Nơi cao nhất là đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2419m. Địa hình Hà Giang tập trung các ngọn núi cao, khá dày đặc và được chia thành 3 vùng rõ rệt: vùng cao núi đá gồm các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ; vùng cao núi đất gồm các huyện: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Mê và vùng đồi núi thấp gồm các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và Thành phố Hà Giang.

Triệu Tài Vinh

(UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site