17:03 | 21/11/2012

Xây tháp bằng kỹ thuật của người Chăm cổ

(LV) - Quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có thể coi là công trình đầu tiên của những nhà nghiên cứu, thiết kế xây dựng với kĩ thuật của người Chăm cổ. Sau năm năm nghiên cứu, xây dựng, công trình đã hoàn thành, là niềm tự hào của những người đã tham gia quá trình xây dựng. Đồng thời, tiếp thêm niềm tin để tái hiện, trùng tu nhiều công trình kiến trúc cổ đã và đang bị phá hủy theo thời gian.

Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội là một điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và ngoài nước. Nơi đây là ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.

Quần thể tháp Chăm được xây dựng mô phỏng quần thể tháp Chăm Poklong Garai (Ninh Thuận). Đây là công trình kiến trúc hết sức độc đáo đã được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật điêu khắc Chăm. Quần thể tháp Poklong Garai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm. Hàng năm đồng bào Chăm đều tổ chức các ngày lễ hội ngay tại khu tháp Chăm. Việc lựa chọn tái hiện quần thể tháp Chăm Poklong Garai tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thể hiện sự dày công nghiên cứu của các nhà quản lý và tư vấn thiết kế vì đây là một trong những quần thể kiến trúc đẹp nhất. Tuy nhiên, việc xây dựng quần thể tháp Chăm…

Cổng chính vào tháp
Cổng chính vào tháp. Ảnh: Hồng Anh

… không đơn giản, dễ dàng

Trước khi bắt tay vào xây dựng, các nhà nghiên cứu đã phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật, vật liệu xây dựng tháp của người Chăm cổ để thống nhất đưa ra phương án tối ưu, hiệu quả nhất.

Yêu cầu của các nhà quản lý và thiết kế trong việc tái hiện kiến trúc quần thể tháp Poklong Garai rất cao. Làm sao có thể tái hiện được một công trình kiến trúc của người Chăm cổ khi kĩ thuật xây dựng này đã thất truyền rất lâu, không như những kĩ thuật khác mà hiện nay vẫn sử dụng. Vì vậy, nhiều năm nay chưa có tháp Chăm nào được xây dựng. Viện Bảo tồn Di tích là đơn vị thiết kế có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu bảo tồn kĩ thuật các dân tộc Chăm từ nhiều năm nay đã đưa ra được các kĩ thuật xây dựng của người Chăm cổ. Ngoài ra, Viện cũng đã chế tạo được loại gạch theo yêu cầu xây dựng tháp. Việc tạo ra loại gạch này khó vô cùng vì vật liệu này yêu cầu phải mài cắt được, điêu khắc được nhưng vẫn phải có cường độ như gạch xây dựng thông thường theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.

… kỳ công từng viên gạch

Những người tham gia xây dựng tháp Chăm tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam thường nói vui với nhau rằng xây tháp giống như chơi trò chơi xếp hình Lego. Bởi làm sao để hàng triệu viên gạch được sản xuất kỳ công từ lúc nung đến khi được ra lò, mài rũa… đến khi xây dựng phải đảm bảo khít vào nhau một cách chính xác không thừa thiếu một li.

Từ giai đoạn nung, để nung được loại gạch này phải xây dựng được quy trình chế tạo. Vật liệu phải được trộn với tỉ lệ chính xác cao. Kỹ thuật đốt cũng rất khó vì loại gạch này phải đốt hoàn toàn bằng củi và bổi. Các kĩ thuật này được nghệ nhân đốt lò giữ bí quyết rất kĩ. Gạch Chăm xây dựng phải mài, cắt, điêu khắc, đẽo gọt được. Để đạt được yêu cầu gạch phải chín tới từ trong ra ngoài, không quá già cũng không được quá non. Gạch quá già sẽ giòn và cứng, không điêu khắc, mài cắt được. Còn gạch non khi gia công sẽ bở, sứt, vỡ từng mảng không thể sắc nét được. Riêng việc chế tạo gạch để có thể sản xuất đại trà đã mất rất nhiều thời gian.

Bức tượng vũ nữ bằng đá sa thạch trang trí trên tháp chính
Bức tượng vũ nữ bằng đá sa thạch trang trí trên tháp chính . Ảnh: Thanh Huyền

Sau khi gạch ra lò, gạch được mài chập và liên kết với nhau bằng dầu rái (một loại nhựa cây dầu rái được trồng rất nhiều ở miền Trung. Dầu có độ kết dính chặt chẽ và bền). Việc gia công loại gạch này rất kì công và tỉ mỉ. Hàng triệu viên gạch được gia công với độ dung sai rất nhỏ, đòi hỏi độ chính xác cao. Các viên gạch chênh nhau không quá một ly, nếu không hàng xây sẽ nhai mạch và khi xây hết chu vi tháp thì độ chênh sẽ rất lớn.

Trong quá trình xây dựng, các đơn vị tư vấn và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã thường xuyên theo sát đưa ra ý kiến, đề xuất... để làm sao có thể tái hiện được chính xác nhất, chân thực nhất nguyên mẫu công trình quần thể tháp Chăm Poklong Garai.

Sau khi tháp Chăm hoàn thành, việc duy tu bảo dưỡng tháp Chăm không có gì quá phức tạp. Vì bản chất gạch Chăm là loại vật liệu bền vững với thời gian. Chủ yếu là hàng năm phải chú ý quét dọn hạn chế các loại cây dại mọc trên tháp. Quan trọng là làm sao hạn chế được hoàn toàn những việc làm vô ý thức của một số du khách như viết, vẽ, bôi bẩn công trình, làm hỏng cảnh quan... để tháp Chăm luôn là địa chỉ được tìm tới của du khách trong và ngoài nước.

Phạm Hoài Nam

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site