17:37 | 17/11/2013

Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - kết tinh di sản đặc biệt quý báu của dân tộc

(LV) - Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” diễn ra từ ngày 18 - 24/11/2013 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam với nhiều hoạt động thể hiện bức tranh văn hóa đa dạng, đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, qua đó xây dựng và tôn vinh tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

>> Khánh thành quần thể chùa Khmer trong Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam”

>> Phối hợp trong các hoạt động tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam


Quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ khánh thành vào ngày 23/11/2013
Quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ khánh thành vào ngày 23/11/2013. Ảnh: Hà Tuấn


Tạp chí Làng Việt đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” về sự kiện này.

PV: Thưa Thứ trưởng, được biết, tới đây tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam”. Xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về sự kiện này?

TT Hồ Anh Tuấn: Truyền thống đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam được hun đúc, trao truyền qua hàng ngàn đời, là di sản quý báu của dân tộc ta. Qua những hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất (18/11) và Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11) tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất phối hợp tổ chức những hoạt động thiết thực, ấn tượng, tạo điểm nhấn nhằm biểu dương tinh thần đại đoàn kết của 54 dân tộc anh em, kết tinh thành sức mạnh văn hóa vượt qua những khó khăn, thử thách. Những hoạt động đó sẽ được tổ chức trong thời gian từ ngày 18 đến ngày 23/11 hàng năm và mang tên là Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam”. Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức sự kiện này.

Trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, tái hiện các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng các dân tộc như: Hội đua bò Bảy Núi; Lễ hội Ok Om Bok; Không gian văn hóa Chợ nổi Nam Bộ và Chợ vùng cao phía Bắc; Lễ hội Căm Mường dân tộc Lự; Lễ hội Arieuping của dân tộc Tà Ôi; Nghi lễ Tết Xíp Xí của dân tộc Thái… Thông qua các hoạt động này nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc Việt Nam, tăng cường giao lưu, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường giao lưu và phát triển tình cảm gắn bó giữa các dân tộc Việt Nam, qua đó tôn vinh tinh thần đại đoàn kết với ý nghĩa là di sản văn hóa đặc biệt quý báu của dân tộc Việt Nam, cần được trân trọng, giữ gìn và phát triển.

Nhiều lễ hội độc đáo của cộng đồng các dân tộc sẽ được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 18 - 24/11/2013. Ảnh: Thanh Hà
Nhiều lễ hội độc đáo của cộng đồng các dân tộc sẽ được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 18 - 24/11/2013. Ảnh: Thanh Hà.

PV: Đây không phải là lần đầu tiên các hoạt động tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam có sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc. Vậy Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” lần này sẽ có điểm gì mới, thưa Thứ trưởng?

TT Hồ Anh Tuấn: Quán triệt phương châm xuyên suốt từ khi xây dựng đến nay, đó là “Để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình”, trong các hoạt động, sự kiện diễn ra tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn có sự tham gia rất tích cực của cộng đồng các dân tộc. Trong Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” năm nay cũng không ngoại lệ khi có sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc trên khắp các vùng miền của Tổ quốc, cùng hội tụ về dưới mái nhà chung.

Điểm mới trong Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” có thể kể đến đó là lần đầu tiên, nhiều lễ hội độc đáo của vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tái hiện, giới thiệu. Điều này cũng nhằm đáp ứng mong mỏi của những người tổ chức cũng như của chính đồng bào, được tham gia tái hiện những nét văn hoá độc đáo của cộng đồng dân tộc mình trong Ngôi nhà chung Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam để giới thiệu tới đông đảo nhân dân và du khách.

Hơn thế, trong hầu hết các hoạt động diễn ra tại Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam”, du khách sẽ có cơ hội được tham gia trực tiếp, trải nghiệm cùng với các nghệ nhân, vừa tạo sự gắn kết của tình đồng bào, vừa tạo sự sống động cho các không gian văn hoá, để nơi đây thực sự là một “bảo tàng sống” của kho tàng văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc anh em.

PV: Với ý nghĩa như vậy, Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong “chiến dịch” xây dựng, quảng bá “thương hiệu điểm đến” của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về điều này?

TT Hồ Anh Tuấn: Cùng với Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” nhân dịp đầu xuân; “Bản sắc Văn hóa Việt” chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, Tuần lễ “Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 được tổ chức định kỳ hàng năm tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các Ban, Bộ, ngành, địa phương và chính các chủ thể văn hoá đã, đang và sẽ phối hợp để hội tụ và lan toả những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc, góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch hấp dẫn của trung tâm văn hoá, du lịch cấp quốc gia – Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thông điệp thì đã rõ, tuy nhiên, trăn trở của lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng như Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam và các cơ quan, địa phương là phải làm sao để Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là “Ngôi nhà chung” theo đúng nghĩa của nó, chứ không phải là “hô khẩu hiệu”. Để làm được điều đó, một trong những vấn đề mấu chốt là phải dung dưỡng được “chất keo kết dính” để gắn kết các cộng đồng dân tộc anh em. Đó cũng chính là mục đích, ý nghĩa của sự kiện lần này - tôn vinh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc như là một di sản văn hoá đặc biệt quý báu của đất nước, dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh của dân tộc ta.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Song Nguyên (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site