21:30 | 19/11/2013

Đại đoàn kết dân tộc với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản

(LV) - Khối đại đoàn kết dân tộc cùng với lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, lòng tự hào về truyền thống ông cha sẽ là sức mạnh vô bờ để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

>>> Sáng mãi tinh thần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 

>>> Đại đoàn kết các dân tộc “Di sản” văn hóa Việt Nam 

Di sản “hồn cốt” dân tộc

Thời gian cứ trôi dần vào quá khứ để năm nối tiếp năm, ngày nối tiếp ngày, ở đó cùng với những trang bi hùng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là những dòng đầy ắp sự kiện, là không gian chứa đầy khối tài sản vô giá truyền đời – những di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Nhờ đó, con cháu lớp lớp soi vào thấy tiên tổ, cha ông từng anh dũng kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ gìn bờ cõi, thông minh sáng tạo trong kiến lập sơn hà mà kiêu hãnh tự hào nối chí cha ông xây dựng và bảo vệ non sông đất nước.

Thiên nhiên đã ưu ái ban cho mảnh đất hình chữ S những danh lam thắng cảnh mà không phải nơi nào trên thế giới cũng có được: Vịnh Hạ Long góp cho đất nước những hình sông dáng núi, động Phong Nha Kẻ Bàng góp cho đất nước những hang động đẹp nhất trần gian, quần thể di tích Tràng An góp cho Việt Nam một “Vịnh Hạ Long trên cạn”, vườn quốc gia Cúc Phương, Cát Tiên, Ba Bể…

Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa – những công trình kiến trúc vĩ đại như: Khu di tích đền Hùng trên đỉnh Hy Cương, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa, Khu di tích Hoa Lư, Khu di tích Lam Kinh, Thành đá nhà Hồ, Cố Đô Huế…

Những đền, chùa, miếu mạo nơi gửi gắm tâm linh cho cuộc sống bao người. Di tích lịch sử là minh chứng hùng hồn cho truyền thống quật cường trong chống giặc ngoại xâm, sáng tạo thông minh trong dựng xây đất nước, là hồn cốt của giang sơn xã tắc, trải mấy ngàn năm vẫn bền vững giữa đời.

Cùng với những di tích lịch sử, những danh lam thắng cảnh còn có cả một khối di sản văn hóa phi vật thể chứa đầy năm tháng. Đó là linh hồn là cốt cách của dân tộc Việt Nam…

Điểm tựa hướng tới tương lai

Mỗi di sản văn hóa là một thông điệp gửi từ quá khứ, để hậu thế nhận ra ông cha suốt chặng đường dài: Là điểm tựa về vươn tới tương lai chung sức dựng xây non sông đất nước.

Khi quan hệ bang giao ngày càng mở rộng. Di sản văn hóa là tâm điểm để phát triển kinh tế du lịch. Một đất nước mang trong mình cả một kho tàng di sản, thì di sản văn hóa là giá trị cốt lõi để du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thông qua du lịch, di sản văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam sẽ được quảng bá ra thế giới.

Tuy nhiên, thời gian “vô cảm” đã bào mòn, nắng mưa thay phiên đổ xuống, cùng với chiến tranh mấy bận tràn qua, rồi chính con người – với nhiều lý do khác nhau đã tàn phá các di sản một cách kinh hoàng, dẫn đến nhiều di sản có nguy cơ cận kề phế tích.

Đặc biệt, cuộc sống hiện đại đã đẩy nhiều di sản văn hóa đến bờ vực “diệt vong”. Một khu di tích quốc gia có thể thay bằng công trình đồ sộ, một số thắng cảnh thiên nhiên có thể bị thay bằng dự án kinh tế vùng miền.

Một sản phẩm làng nghề tinh xảo khó bán hơn một sản phẩm công nghiệp của nước ngoài…Tất cả những điều kể trên đều là nguy cơ đẩy di sản văn hóa đến hồi hủy diệt.

Giả định, một ngày nào đó tất cả các di sản văn hóa Việt Nam đột ngột biến mất, thì bản sắc văn hóa Việt Nam sẽ còn lại những gì cho hậu thế mai sau?

Hơn lúc nào hết, đây chính là lúc chúng ta cần huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Di sản văn hóa, từ ngàn xưa đã là chất keo gắn kết cộng đồng dân tộc, qua mấy thăng trầm, qua bao dâu bể khối đại đoàn kết dân tộc vẫn bền vững đời đời là một phần nhờ vào giá trị của các di sản văn hóa. Ngược lại, khối đại đoàn kết dân tộc chính là nguồn sức mạnh để bảo tồn giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Bởi vậy, mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan đơn vị, từng thành viên của khối đại đoàn kết dân tộc mà trung tâm là Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chung lòng, chung tay bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động để các tổ chức thành viên của Mặt trận, từng thành viên, cá nhân hiểu biết về giá trị của di sản văn hóa, từ đó có trách nhiệm tham gia lôi cuốn mọi người, đồng thời trực tiếp tham gia các giá trị di sản văn hóa. Phải coi việc bảo tồn giữ gìn phát huy các giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của chính bản thân, gia đình, cấp mình, ngành mình.

Cần ngăn chặn những hành vi xâm hại các di tích lịch sử, các di sản thiên nhiên, các di sản văn hóa phi vật thể. Hãy nêu cao ý thức tuyên truyền quảng bá cho các di sản văn hóa Việt Nam đến với quảng đại quần chúng, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Bảo tồn giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa còn bao gồm việc sáng tạo ra các giá trị văn hóa để lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Do đó, cần làm tốt công tác vận động các tổ chức thành viên, mọi cấp ngành, sáng tạo nên các giá trị văn hóa trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để làm vốn truyền đời cho hậu thế.

Hồ Quang Sơn

(Chủ tịch Liên chi hội Di sản Văn hóa Lam Kinh)

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site