07:38 | 13/03/2014

Lương Văn Nắm: Một tấm lòng son trước sử xanh

(LV) - Trước năm 1884, Yên Thế (huyện Tân Yên và Yên Thế ngày nay) là vùng đất ít người biết đến. Có chăng cũng chỉ là vài dòng khiêm tốn trong sử sách về một miền Yên Viễn xa xôi, rừng thiêng nước độc. Nhưng từ sau khi ngọn cờ nghĩa của Lương Văn Nắm cùng bộ tướng và nghĩa binh của ông nổi lên đánh giặc Tây, Yên Thế đã đi vào lịch sử như một bản hùng ca với những người nông dân bất tử.

>>> Lễ hội Yên Thế - Vinh danh di sản văn hóa quốc gia 

>>> Bắc Giang: Đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Chùa Vĩnh Nghiêm 

Năm 1884, thực dân Pháp ký Hiệp ước Patơnôt ngày 6/6 đã chấm dứt giai đoạn xâm lược nước ta ngót 30 năm. Nhưng cuộc kháng chiến của nhân dân ta vẫn còn âm ỉ trong hoàn cảnh mới và tại Yên Thế, khởi nghĩa Yên Thế mới bắt đầu. Ngày 16/3/1884, thực dân Pháp sau khi đánh chiếm thành Tỉnh Đạo (xã Quang Tiến ngày nay), chúng dồn quân lên Thái Nguyên. Lương Văn Nắm cùng các tướng lĩnh và nghĩa binh chặn đánh quyết liệt ở Đức Lân - Phú Bình. Tiếng súng khởi nghĩa Yên Thế đã nổ.

Thế Lộc - quê hương của Lương Văn Nắm (còn gọi là Đề Nắm, Thống Nắm, Đề Hả), nay là xã Tân Trung. 130 năm đã trôi qua kể từ ngày phát lệnh Khởi nghĩa Yên Thế, nhưng những địa danh xưa vẫn còn lưu lại với những cái tên: Đanh, Khủa, Quyên, Lèo, Mạc, Thế Lộc. Lương Văn Nắm sinh ra và lớn lên tại làng Gia Thị (nay là Gia Tiến). Đây cũng là nơi phát tích và quần tụ của dòng họ Lương Văn… Sau khi bố mất, ông theo mẹ về làng Khủa. Sinh thời, Lương Văn Nắm khỏe mạnh và tài trí hơn người. Yên Thế thế kỷ XIX, giặc giã, cướp bóc nổi lên như ong, chính vì vậy dân các làng Hả, Lèo, Mạc cử ông làm thống lĩnh chống giặc cướp và sau này đồng lòng theo ông đánh giặc Tây.

Tái hiện lễ tế cờ Khởi nghĩa Yên Thế. Ảnh: Nguyễn Dương
Tái hiện lễ tế cờ Khởi nghĩa Yên Thế. Ảnh: Nguyễn Dương.

Dưới tán rừng lim cổ kính, nay là ngôi Đình Hả uy linh, tên chữ Phúc Thọ đình. Tại đây, ngày 16/3/1884 Lương Văn Nắm làm lễ tế cờ chính thức phát động cuộc chiến đấu kiên cường, đầy gian lao, vất vả nhưng vô cùng vẻ vang chống kẻ thù xâm lược Pháp. Đó đây như vẫn còn lưu giữ không khí linh thiêng, chiêng trống hòa trong quân reo súng nổ. Thấp thoáng dưới rừng lim xanh như thấy bóng cờ nghĩa cùng hình ảnh Đề Nắm, Thống Luận, Đề Truật, Cai Ba Biều và toàn thể các tướng lĩnh nghĩa quân đã truất kiếm, thề nêu cao chí khí tổ tiên, quyết hy sinh chiến đấu chống giặc giữ quê hương...

Sau những trận đánh diễn ra tại Cao Thượng, Luộc Hạ, Lương Văn Nắm lui về Khám Nghè (Cầu Gồ ngày nay) xây dựng hệ thống đồn luỹ, ban đầu gồm có Tả dinh, Tiền dinh, Trung dinh và Hậu dinh, sau này phát triển thành hệ thống 7 đồn: Đồn số 1 là đồn chính do Đề Nắm trực tiếp chỉ huy gọi là đồn Đề Nắm; Đồn số 2 do Đề Lâm cai quản gọi là đồn Đề Lâm; Đồn số 3 do Đề Truật giữ; Đồn số 4 do Đề Trung giữ; Đồn số 5 do Đề Dương tức Đề Thám giữ; Đồn số 6 gọi là đồn Tổng Tài và đồn số 7 là đồn Bá Phức. Hệ thống đồn lũy này dựa lưng vào dãy núi Cai Kinh. Sau thất bại của Khởi nghĩa Cai Kinh, Bãi sậy, Ba Đình thêm nhiều tướng lĩnh từ các nơi hội quân về đây và Yên Thế thời gian đó cực kỳ sôi động và duy nhất trên cả nước là miền đất không chịu sự khống chế của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Sau những trận khốc liệt tại làng Sậy, Thế Lộc, quan tư Pero đã phải thốt lên: Không nơi nào ở Bắc Kỳ lại luôn có chiến sự ác liệt diễn ra như ở đây.

Vào những năm 1890, 1892 giặc Pháp dồn binh lực hòng đè bẹp Khởi nghĩa Yên Thế. Bốn lần đánh vào Hữu Nhuế, rồi các trận đánh vào đồn Đề Dương, Đề Nắm, lực lượng nghĩa quân vì vậy cũng bị tiêu hao và phải phân tán, chính trong thời gian này Lương Văn Nắm bị sát hại. Ngọn cờ nghĩa do ông dựng lên chuyển vào tay Hoàng Hoa Thám, tức Đề Thám, Khởi nghĩa Yên Thế bước vào một giai đoạn mới.

Trong gần 10 năm chống Pháp kể từ khi tế cờ khởi nghĩa cho đến lúc hy sinh, Đề Nắm đã chỉ huy quân dân Yên Thế đánh bại gần 1 vạn quân Pháp do các tướng Godin, Voiron, Priedelinle chỉ huy khiến chúng phải khiếp vía kinh hồn, phải cúi đầu thừa nhận rằng: “Đây là bãi chiến trường và là nơi xảy ra những sự kiện quan trọng nhất trong xứ thuộc địa của chúng ở Viễn Đông”.

Đề Nắm bị sát hại. Đề Thám – Hoàng Hoa Thám tiếp tục sự nghiệp. Ghi nhớ thủ lĩnh đầu tiên của nghĩa quân, trong lần hòa hoãn với thực dân Pháp, Hoàng Hoa Thám cho quân về Thế Lộc dựng lại Đình Hả, ngôi đình do Đề Thám xây dựng tồn tại cho đến ngày nay. Trải qua nắng mưa hơn 1 thế kỷ, Đình Hả - nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế giờ vẫn vậy, uy nghi, trầm mặc. Tôn vinh và ghi nhớ công lao của Lương Văn Nắm, nhân dân đưa bài vị, sau này đắp tượng ông thờ trong đình và tôn như một vị thành hoàng.

Đề Nắm và nghĩa quân qua rừng Lim. Ảnh: Nguyễn Dương
Đề Nắm và nghĩa quân qua rừng Lim. Ảnh: Nguyễn Dương.
Gian giữa của Đình Hả nổi bật câu đối cổ: Nhân sinh tự cổ thùy vô tử/Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (Xưa nay hỏi có ai không chết/ Hãy để lòng son chiếu sử xanh). Sự ghi nhận của người đời, với Đề Nắm và nghĩa sỹ Yên Thế - những con người luôn khát vọng tự do thì chừng đó cũng là đủ. 

Châu Giang

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site