06:43 | 14/03/2014

Hoàng Hoa Thám - người viết tiếp bản hùng ca bất tử

(LV) - Lương Văn Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám tiếp tục giương cao cờ khởi nghĩa của Lương Văn Nắm và đưa Khởi nghĩa Yên Thế đến cao trào. “Hùm xám” vùng Yên Thế đã làm cho bọn quan cai trị từ Thống sứ Bắc Kỳ đến những tên Công sứ mấy tỉnh thượng du Bắc Bộ phải “lo sợ đến bạc đầu”.

>>> Lương Văn Nắm: Một tấm lòng son trước sử xanh 

Tuổi thơ nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nước

Quê hương Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tự hào khi đã sinh ra ông – Người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Cái sự chuyển họ đổi tên của ông cũng là một câu chuyện đáng để kể. Hoàng Hoa Thám còn nhỏ có tên là Trương Văn Nghĩa sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha ông là Trương Văn Thận và mẹ là Lương Thị Minh đều là những người rất trọng nghĩa khí và cả hai đều gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn, Nùng Văn Vân ở Sơn Tây. Nhưng trước khi đến cuộc khởi nghĩa này họ đã một lần cải họ từ họ Đoàn sang họ Trương để tránh hậu họa cho gia tộc. Khởi nghĩa thất bại để tránh sự truy sát của kẻ thù, cậu bé Nghĩa được người chú đưa đi ẩn cư tại làng Trũng xã Ngọc Nham, huyện Yên Dũng (nay là thôn Quang Châu xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên). Vùng đất hiểm trở với những con người hào sảng đã đón nhận chú cháu Hoàng Hoa Thám lúc đó có tên là Thiêm vào vòng tay và che chở, nuôi dưỡng họ những ngày đầu gian khó.

Lễ hội Yên Thế 2013.   Ảnh: Châu Giang
Lễ hội Yên Thế 2013. Ảnh: Châu Giang.

Làng Trũng từ đó gắn với tuổi thơ của Hoàng Hoa Thám. Khắp cả vùng Ngọc Châu, Cao Xá nơi ông làm thuê đã gắn với những kỷ niệm về một thời con trẻ chơi xu, đánh đáo, đánh trận giả… Vào quãng năm 1873, khi Hoàng Hoa Thám 16 tuổi, thực dân Pháp gây sự biến Bắc Kỳ lần thứ nhất, ông buông roi trâu và có mặt trong cuộc khởi nghĩa Đại Trận. Tiếp đó, ông lại có mặt trong hàng ngũ những người dân địa phương rào làng, lập lũy chống lại Thanh phỉ, ông trở thành một chiến binh, một thủ lĩnh quân sự thực thụ. Năm Hàm Nghi thứ nhất (1884), khi Pháp chiếm Bắc Ninh, ông gia nhập nghĩa binh của Trần Quang Loan, lấy tên là Đề Dương. Năm 1885, ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Lạng Giang (1882 - 1888). Chia tay với Cai Kinh, năm 1885 ông về đứng dưới cờ của nghĩa quân Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành một tướng lĩnh có tài.

Năm 1888, tại Đình Dĩnh Thép, Tân Hiệp, Yên Thế hội nghị ba quân đi tới thống nhất sự lãnh đạo Khởi nghĩa Yên Thế. Trong đó, nổi lên vai trò của Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám. Cũng từ đây cái tên Hoàng Hoa Thám luôn đi cùng Khởi nghĩa Yên Thế và sáng mãi trong lịch sử Việt Nam với những trận đánh dữ dội tại làng Cao Thượng, Đồn Hố Chuối, Khám Nghè… Sau khi Lương Văn Nắm bị sát hại, Khởi nghĩa Yên Thế thoái trào, Đề Thám là người nhen nhóm lại đốm lửa hồng để rồi sau đó thổi bùng lên thành ngọn lửa.

Cho đến nay, người dân làng Bích Động, huyện Việt Yên vẫn lưu truyền câu chuyện về Hoàng Hoa Thám làm lễ tế cờ, nêu cao tinh thần đánh giặc Pháp xâm lược và trả thù cho người chủ tướng. Tại Yên Thế, ngôi Đền Thề là nơi nghĩa quân cắt máu ăn thề làm lễ xuất quân đánh giặc Pháp. Âm thanh oai hùng, bi tráng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế vẫn còn đó với câu nói nổi tiếng của ông: “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi, chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng”.

30 năm giữ núi rừng Yên Thế

Trong ba năm, từ năm 1893 - 1895, quân Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Thực dân Pháp không từ một thủ đoạn nào, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Tay sai của Pháp là Lê Hoan cầm đầu đoàn quân, một mặt dụ hàng, mặt khác ra sức triệt hạ các xóm làng nơi nghĩa quân Yên Thế hoạt động. Hoàng Hoa Thám bằng chiến thuật du kích tài tình đã tránh được mũi nhọn của quân Pháp và đã gây cho họ những tổn thất nặng nề, nên vào năm 1894, Pháp đã yêu cầu giảng hòa, cắt nhượng cho nghĩa quân bốn tổng thuộc Yên Thế.

Hoàng Hoa Thám cũng muốn tranh thủ thời gian để chuẩn bị thêm lực lượng, ông đồng ý hòa hoãn. Nhưng đến tháng 10/1895, Pháp đã bội ước, huy động lực lượng mở những cuộc tấn công trên quy mô lớn vào Yên Thế. Không những thế, Pháp còn treo giải thưởng 30.000 franc cho kẻ nào bắt được Hoàng Hoa Thám. Lần ra quân này của quân Pháp cũng không đàn áp được phong trào nông dân Yên Thế, nên Pháp phải yêu cầu giảng hòa lần thứ hai vào năm 1897.

Tranh thủ thời gian hòa hoãn, Đề Thám vừa lo củng cố lực lượng quân sự vừa chú trọng phát triển kinh tế - văn hoá, xây dựng đất Phồn Xương tự do tự tại. Ông tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội, cho tu sửa, xây dựng mới nhiều đình, chùa, nhà thờ trong vùng.

Cũng trong thời gian hòa hoãn, nghĩa quân Yên Thế đã mở rộng địa bàn hoạt động, từ trung du đến đồng bằng. Không thể chấp nhận thực tế, đó là sự tồn tại của Nghĩa quân Yên Thế - vùng đất tự do trong tầm cai quản của mình, ngày 29/01/1909, Thống sứ Bắc Kỳ đã huy động 15.000 quân chính quy và lính khố xanh, 400 lính dõng là một lực lượng lớn nhất từ trước tới lúc đó do đại tá Batay và đại thần Lê Hoan chỉ huy tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế. Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa phải rút lui khỏi Yên Thế, đến Thái Nguyên, Tam Đảo. Tuy nhiên, trước thế giặc mạnh, lực lượng nghĩa quân giảm sút dần và tới cuối 1909 bị tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng hai thủ hạ tâm phúc và bị kẻ thù sát hại năm 1913.

30 năm giữ núi rừng, Lương Văn Nắm, rồi Hoàng Hoa Thám đã cùng nghĩa binh Yên Thế đánh cho thực dân Pháp và bọn tay sai những đòn thất điên bát đảo khiến cho quân thù mỗi lần nhắc đến cái tên Yên Thế. Đất của cụ Đề cũng từ đó mà thành tên. 130 năm đã trôi qua, kể từ ngày đó, nhưng dư âm của Khởi nghĩa Yên Thế vẫn vang vọng cùng đất trời cùng với khát vọng ngàn đời: Khát vọng tự do.

Phan Bội Châu suy tôn Hoàng Hoa Thám là vị tướng quân chân chính (Chân tướng quân). Khi viết về Hoàng Hoa Thám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những dòng rất trân trọng: Người anh hùng dân tộc ấy cùng với một ít nghĩa quân kiên trung của ông đã chiếm lĩnh cả một tỉnh nhỏ và đương đầu với thực dân Pháp trong nhiều năm…

Trần Dũng

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site