09:42 | 15/03/2014

Xuân ấm dưới mái nhà chung

(LV) - Sự kiện văn hoá thường niên Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang dần khẳng định thương hiệu riêng và trở thành điểm đến hấp dẫn giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Toả sáng những sắc màu văn hoá

Mùa xuân, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của những lễ hội. Sự đa dạng văn hoá của các dân tộc anh em giống như những bông hoa rực rỡ cùng khoe sắc trong vườn hoa chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Tháng Giêng khởi đầu cho một năm lao động sản xuất, vì thế, vào dịp này, đồng bào các dân tộc trên cả nước cũng có những hoạt động lễ hội đặc sắc khai Xuân, cầu mùa, gửi gắm ước mơ, hy vọng vào những mùa vàng bội thu. Từ đây, những lễ hội Xuân đậm sắc màu được hình thành sống động trong dòng chảy văn hóa các dân tộc.

Mỗi dịp xuân về, đồng bào các dân tộc lại háo hức về ‘‘Làng’’ để vui Tết...
Mỗi dịp xuân về, đồng bào các dân tộc lại háo hức về ‘‘Làng’’ để vui Tết....

Những nét đẹp văn hóa đó đã hiện diện trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” 2014 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đồng bào các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Mường, Sán Chay, Lô Lô, Chăm, Cor, Brâu, Chu Ru… đến từ các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Bình Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng đã cùng hội tụ về “Ngôi nhà chung” với “hành trang” là những lễ hội độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình. Những lễ hội Xuân đậm sắc màu như: Lễ cúng trỉa lúa của dân tộc Brâu (Kon Tum), Hội làng mừng năm mới của dân tộc Dao Thanh Y (Quảng Ninh), Lễ hội cầu mùa mừng năm mới của dân tộc Sán Chay (Phú Thọ), Lễ hội Chá Chiêng của dân tộc Thái (Hoà Bình), Lễ hội bắt chồng của dân tộc Chu Ru (Lâm Đồng)… được chính các chủ thể văn hóa tái hiện sống động trong không gian văn hoá của mình tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã làm bừng lên sức sống của văn hoá. Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” vì thế được coi như cuốn “từ điển sống” về những lễ hội mùa xuân trên khắp cả nước. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm và cảm nhận không chỉ một mà nhiều sắc màu văn hóa với những nét đặc trưng bản sắc khác nhau.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” sau 3 năm tổ chức đã dần tạo dựng được thương hiệu, trở thành “đặc sản riêng có” của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam và được dư luận, báo chí đánh giá rất cao. “Chúng ta có thể tự hào rằng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã và đang xây dựng được thương hiệu Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, cần phải tiếp tục giữ cho bền vững, tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn, đồng thời không ngừng đổi mới để lần sau tốt hơn lần trước”.

Thiêng liêng hai chữ “đồng bào”

Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” với ý nghĩa là nơi hội tụ những lễ hội mùa xuân trên khắp các vùng miền trong cả nước, từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Nhưng vượt lên trên ý nghĩa đó, đây còn là dịp để cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng hội tụ dưới mái nhà chung, nối vòng tay đoàn kết. Đó cũng chính là minh chứng có tính biểu tượng về tinh thần đoàn kết, sức lan tỏa của một truyền thống quý báu được hình thành và lưu giữ suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

... và mang ‘‘Tết’’ về làng
... và mang ‘‘Tết’’ về làng.

Trong Ngày hội đặc biệt này, sự hiện diện của Chủ tịch nước, chúc Tết đồng bào các dân tộc Việt Nam được ví như một “món quà vô giá” đối với không ít bà con. Sự gần gũi, thân mật của người đứng đầu Nhà nước; những lời chúc mộc mạc chứa đựng biết bao tình cảm của bà con, tất cả đã xoá đi khoảng cách giữa vị lãnh đạo tối cao với đồng bào, thổi bùng lên nhiệt huyết của những người con chung một bọc, làm ấm lên không khí của mùa xuân đất trời. Hình ảnh quây quần của đồng bào 54 dân tộc, kiều bào bên Chủ tịch nước tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là tình cảm của anh em trong cùng một nhà, xum vầy đầu Xuân mới, mang truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mộc mạc nhưng ấm áp, như lời của nước non ngàn năm: “Chúng ta có 54 dân tộc anh em ở khắp mọi miền đất nước, đã tạo thành khối đoàn kết thống nhất. Tôi mong rằng những cuộc gặp gỡ thế này không chỉ giao lưu tình cảm mà quan trọng hơn để bảo tồn, phát huy văn hóa Việt Nam, qua đây trở thành động lực lớn để thúc đẩy mối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta”.

Dưới mái nhà chung, đồng bào các dân tộc tay trong tay giữa vòng tròn đoàn kết, say sưa trong điệu xòe, nhịp bước, nụ cười tươi hân hoan trong nắng Xuân. Dường như, mọi khoảng cách địa lý Bắc - Nam, khoảng cách vùng miền, những bất đồng ngôn ngữ đều bị xóa nhòa. “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc tại Hà Nội bừng lên sức sống của văn hóa, tình cảm anh em một nhà thêm khăng khít và lan tỏa.

Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 15 - 17/02/2014 (ngày 16 - 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ) đã khép lại, nhưng chuỗi các hoạt động trong Ngày hội đã thực sự để lại những ấn tượng tốt đẹp và hấp dẫn, lôi cuốn du khách bởi chính những giá trị bản sắc của các dân tộc, nhất là những giá trị văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của 54 dân tộc anh em. Và sự tham gia của hàng vạn du khách trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” cũng đã chứng minh một cách thuyết phục sức hấp dẫn của chương trình này.

Song Nguyên

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site