06:26 | 27/08/2014

Nữ cựu chiến binh say mê sưu tầm ảnh Bác Hồ

(LV) - Là học sinh theo học tại Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng, tại đây cựu chiến binh Nguyễn Thị Nguyệt đã may mắn được gặp Bác Hồ. Từ đó, hình ảnh thân thương của Bác Hồ đã khắc sâu trong tâm trí bà và thôi thúc bà bắt tay sưu tập những hình ảnh, thông tin về Bác để học tập, noi theo gương Bác.

>>> Những câu chuyện về lá cờ đỏ sao vàng 

>>> Sư tử đá kiểu Trung Quốc và chuyện giữ gìn bản sắc văn hoá 

>>> Tổ chức Tuần "Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng" 

Bộ sưu tập quý giá

Đã được nghe kể về bà và bộ sưu tập ảnh Bác Hồ của bà, nhưng khi đến nhà bà (đường Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM) được tận mắt nhìn thấy hơn ngàn tấm ảnh về Bác Hồ, tôi thật sự ngỡ ngàng trước một công trình sưu tập hiếm có về cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh qua ảnh của người cựu chiến binh, một nhà giáo đã ở tuổi ngoài 70.

Đó là bộ sưu tập gồm có 4 bộ với 16 cuốn với khoảng 1.300 bức ảnh được sắp xếp theo những chủ đề khác nhau về cuộc đời của Bác Hồ như: Hình ảnh những người thân trong gia đình Bác; Hình ảnh Bác học ở Huế; Bác dạy học ở trường Dục Thanh; Hình ảnh Bác ra đi tìm đường cứu nước ở Bến Nhà Rồng; Bác ở nước ngoài và nhiều nhất vẫn là hình ảnh Bác với đồng bào trong cả nước và với nhân dân trên khắp thế giới như: Bác Hồ với phụ nữ, Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với thanh niên…

Hình ảnh Bác Hồ luôn khắc sâu trong tâm trí nhiều thế hệ Việt Nam. Ảnh tư liệu
Hình ảnh Bác Hồ luôn khắc sâu trong tâm trí nhiều thế hệ Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Xem bức ảnh chụp chung với Bác Hồ khi Người về thăm Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng, bà Nguyệt bồi hồi nhớ lại: “Ngày hôm đó vào năm 1959, sau khi nhà trường tập trung học sinh xong chúng tôi mới biết có Bác Hồ đến thăm. Ai cũng hân hoan chờ đợi giây phút hạnh phúc nhất trong đời mình. Là thành viên của đội Sao Đỏ nên tôi được vinh dự ra cổng đón Bác cùng với nhiều cán bộ, thầy cô trong trường. Trong buổi nói chuyện, Bác ân cần thăm hỏi tình hình học tập và sinh sống của tất cả học sinh phải xa gia đình ra Bắc học tập. Bác động viên chúng tôi học thật giỏi, thật chuyên cần. Những tiếng vỗ tay vang dội sau mỗi lần Bác nói làm cho không khí cả sân trường càng náo nức thêm”.

Chính từ buổi gặp hôm đó, hình ảnh thân thương, niềm cảm kích và yêu kính vị lãnh tụ của dân tộc đã khắc sâu vào tâm trí bà và thôi thúc bà bắt tay vào sưu tập ảnh về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người, làm cơ sở cho sự phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện bản thân.

Những kỷ niệm đáng nhớ

Bà Nguyệt chia sẻ: “Trong hơn ngàn tấm ảnh về Bác Hồ mà tôi có được đến ngày hôm nay, có tấm ảnh tôi được các vị lãnh đạo cao cấp tặng, có tấm bạn bè đồng nghiệp gửi đến nhưng có tấm tôi phải cất công đi tìm mấy tháng trời đạp xe đến tận hang cùng ngõ hẻm mới sở hữu được. Thậm chí, khi qua Pháp thăm con gái đang học tập ở đó, tôi cũng cất công đi tìm thêm được hàng trăm tấm ảnh của Bác. Cũng có tấm do cơ duyên mang đến mà tôi có được. Chỉ vào tấm ảnh Bác Hồ chụp chung với Hoàng thân Souphanouvong, bà Nguyệt cho biết, đây là tấm ảnh in trong một cuốn sách nhưng giá hơi cao nên không đủ tiền để mua. Thấy được điều băn khoăn của tôi, một thanh niên chưa hề quen biết trong nhà sách đã bỏ tiền mua tặng - bà xúc động kể lại.

 Bà Nguyễn Thị Nguyệt cùng bộ sưu tập quý giá
Bà Nguyễn Thị Nguyệt cùng bộ sưu tập quý giá.

Để có bộ sưu tập quý giá ấy, trong vòng 30 năm, bà đã chắt chiu, dành dụm một phần từng đồng lương ít ỏi, kể cả khi khó khăn nhất để chăm chút, nâng niu khiến bộ sưu tập ngày một nhiều và hoàn thiện hơn. Thế nhưng, không bao giờ bà trả lời khi có người hỏi về tiền bạc và công sức để làm điều này. Bà coi đó là tình cảm của một người con miền Nam đối với Bác Hồ, trách nhiệm của một nhà giáo dục đối với thế hệ trẻ và trên hết là sự đền ơn đáp nghĩa của một công dân Việt Nam đối với công lao trời biển của Hồ Chủ tịch mà không có gì so sánh được.

Trong “kho tàng” của bà còn có một bộ sưu tập khác ngoài tư liệu Bác Hồ là bộ sách, ảnh về các liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Một Võ Thị Sáu kiên trung, bất khuất, một Mạc Thị Bưởi gan dạ, mưu trí, bên cạnh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện chèn lưng cứu pháo… Những tư liệu này đã giúp bà có thêm câu chuyện kể về lịch sử, những giai đoạn cách mạng liên quan đến cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.

Ngoài ra, bà còn sưu tầm hơn 3.000 mẩu chuyện, đầu sách lưu trữ thành tám tập mục lục theo từng chuyên đề như: Bác với tuổi mầm non, Bác với quê hương, Bác với phụ nữ, Bác với bộ đội, Bác và các hoạt động ở châu Á... Trong vai trò là Bí thư chi bộ khu phố, bà chủ động triển khai việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 2001 thông qua việc đọc những mẩu chuyện về Bác trong các buổi họp chi bộ, cũng như tại các buổi sinh hoạt chuyên đề, trao đổi với học sinh, thanh niên… từ khu phố, phường, quận, Thành phố cho đến các tỉnh thành trong cả nước. Từ những câu chuyện kể của bà, hình ảnh vị lãnh tụ hiện lên đẹp đẽ, giản dị, thật khiêm nhường và mẫu mực khiến người nghe ai cũng xúc động và say mê.

Năm 1955, bà Nguyễn Thị Nguyệt học Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Năm 1961, bà sang học thể dục thể thao hệ sư phạm tại Trường Thể thao trung ương Liên Xô. Năm 1966, bà làm huấn luyện viên môn bóng chuyền cho hệ văn hóa thể thao ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Từ năm 1969 - 1973, bà dạy bộ môn bóng chuyền tại Trường Kỹ thuật Trung ương, sau đó bà về công tác ở Vụ Thể thao nâng cao và Vụ Đào tạo cán bộ. Sau năm 1980, bà sang Liên Xô tu nghiệp. Năm 1991, bà làm Phó giám đốc Cơ quan thường trú Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) tại TP.HCM, rồi làm Giám đốc chi nhánh Công ty Dụng cụ TDTT Trung ương đến lúc nghỉ hưu.

Minh Dũng

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site