10:02 | 12/10/2014

Những góc nhìn về Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(LV) - Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được chính thức “mở cổng” vào ngày 19/9/2010 - thời điểm Làng chính thức đi vào vận hành vừa khai thác từng phần, vừa đẩy nhanh hoàn thiện các hạng mục của Dự án. Từ đó đến nay, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được cộng đồng các dân tộc Việt Nam biết đến là “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em, du khách trong và ngoài nước được biết đến như một địa chỉ khám phá những nét văn hoá đặc sắc, kiến trúc độc đáo của các dân tộc ngay giữa lòng Thủ đô.

Nỗ lực làm nên “Ngôi nhà chung”…

Sau nhiều năm khảo sát thực địa và lập phương án xây dựng… dự án Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chính thức được khởi công xây dựng vào năm 1999 ở khu Nam hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Quy hoạch chung xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam điều chỉnh theo Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 15/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định “Làng” là một quần thể đa dạng với 7 khu chức năng được xây dựng trên diện tích 1.544 ha gồm cả diện tích mặt đất và mặt nước.

Từ năm 2007, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp về chỉ đạo, điều hành quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, hợp tác huy động các nguồn lực xã hội, xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt, sau sự kiện khai trương Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 19/9/2010, đánh dấu bước ngoặt của Làng chính thức mở cổng đón khách tham quan, không gian chung của Khu các Làng dân tộc đã và đang dần được hoàn thiện, đi vào vận hành và khai thác cục bộ.

Quần thể chùa Khmer được tái hiện  tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Quần thể chùa Khmer được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn

Để hình thành nên “Ngôi nhà chung” như hiện nay, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã nỗ lực không ngừng triển khai thực hiện đồng bộ công tác đầu tư xây dựng hàng năm, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung, đặc biệt là các công trình kiến trúc nhà ở và cảnh quan của 54 làng dân tộc. Đây là kết quả sau một thời gian dài nghiên cứu, điền dã và lấy ý kiến các địa phương, các nhà quản lý, nghiên cứu và chính những chủ thể văn hoá. Liên tục từ năm 2007 - 2014, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã hoàn thành 200% - 300% kế hoạch ngân sách. Đó là những bước đột phá và thành tích đáng khích lệ. Các công trình đã hoàn thành và được bàn giao cho các đơn vị trực thuộc để quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng và phát huy hiệu quả sử dụng phục vụ các hoạt động của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Cộng đồng dân tộc chung tay

Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xác định là một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân cả nước và khách quốc tế; đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ… Chính vì vậy, chủ thể không thể thiếu của các hoạt động đó chính là cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các già làng, trưởng bản, nhân sỹ, tri thức chính là người “thổi hồn” vào các nhà, các làng bản tại đây.

Quần thể tháp Chăm được đồng bào Chăm coi là không gian thiêng của dân tộc mình tại Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ thu hút khách tham quan mỗi khi tới Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Quần thể tháp Chăm được đồng bào Chăm coi là không gian thiêng của dân tộc mình tại Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ thu hút khách tham quan mỗi khi tới Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn

Mỗi năm, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã huy động luân phiên, định kỳ các cộng đồng dân tộc về tham gia các hoạt động, sự kiện từ 5 - 7 đợt, mỗi đợt trong thời gian từ 5 - 15 ngày. Trong 5 năm qua, đã huy động được 141 lượt với 40 dân tộc đến từ 40 tỉnh, thành phố, tổng số lên tới 3.470 đồng bào dân tộc. Các nghệ nhân, đồng bào dân tộc đã mang đến “Ngôi nhà chung” những nét đặc trưng, đặc sắc của dân tộc mình, cùng tham gia các chương trình sự kiện có chọn lọc, mang đậm bản sắc dân tộc, nhằm tôn vinh văn hoá truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, qua đó, tăng cường giao lưu, đoàn kết, học hỏi giữa các cộng đồng dân tộc, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam và góp phần hoàn thiện thêm cảnh quan, độ bền cho các ngôi nhà, làm tăng tính hấp dẫn, sinh động, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Nếu đó là đồng bào các dân tộc được về với “Ngôi nhà chung”, chủ thể được giới thiệu về văn hoá của dân tộc mình, thì những người đến với Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ các em học sinh, sinh viên, đến các nhà nghiên cứu, quản lý và đặc biệt là du khách trong nước và quốc tế đã góp phần không nhỏ tạo nên “nguồn sinh khí” cho các khu làng, tạo nên động lực thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoạt động của “Làng”.

Nhiều lễ, hội của đồng bào được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch Việt Nam thu hút đông đảo du khách tham dự (trong ảnh là Hội đua bò Bảy Núi - An Giang được tái hiện tại Làng năm 2013)
Nhiều lễ, hội của đồng bào được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch Việt Nam thu hút đông đảo du khách tham dự (trong ảnh là Hội đua bò Bảy Núi - An Giang được tái hiện tại Làng năm 2013). Ảnh: Hà Tuấn

Tuy vẫn đang trong quá trình xây dựng, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tiến hành vừa thi công, vừa vận hành, khai thác cục bộ. Điều này chứng tỏ sự cố gắng nỗ lực với mong muốn người dân được chiêm ngưỡng, khám phá, trải nghiệm những nét đặc sắc của 54 dân tộc mà không phải đi đâu xa. Đó là những công trình đồ sộ được chính tay các nghệ nhân thi công như: Nhà rông, nhà dài, nhà sàn, chùa Kh’mer, tháp Chăm… Đó là những lễ hội mà không phải ai một lần trong đời cũng có thể chứng kiến: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, chợ nổi Nam Bộ, Hội đua bò Bảy Núi, Hội đua ngựa Bắc Hà, Hội Bài chòi, hát Bả trạo, những lễ hội mùa xuân của cộng đồng các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc… Đó là những đặc sản vùng miền có lẽ ở Hà Nội chỉ đến Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam mới tìm được. Tất cả đều có sự chung tay góp sức của các chủ thể văn hoá, đồng bào các dân tộc tái hiện, thực hiện, giới thiệu.

Tuy còn nhiều khó khăn, do điều kiện khách quan và chủ quan, những hoạt động ấy chỉ được diễn ra theo định kỳ, hoặc hưởng ứng các sự kiện, ngày lễ lớn, truyền thống của dân tộc... Nhưng, ở thời điểm hiện tại, đó được xem là cách phù hợp nhất để giới thiệu, quảng bá và thu hút du khách đến với “Làng”.

Cách nhìn mang tính xây dựng

Có lẽ, không ai hiểu ngôi nhà của mình bằng chính mình, ngay từ khi “Làng” mới mở cửa, đồng bào dân tộc đã được tận mắt thấy ngôi nhà của mình tại Làng, nhiều đồng bào đã trầm trồ thán phục. Già làng A Xiêng Ngố - Dân tộc Giẻ Triêng đến từ Gia Lai đã nhiều lần nhắc lại: “Những ngôi nhà sàn, nhà dài của người dân tộc chúng tôi giờ không còn nhiều nữa mà cũng không có điều kiện để làm. Vậy mà về đây, được sống trong ngôi nhà ấy thấy thật sự ấm cúng, gần gũi, thật sự vui mừng vì nhiều người biết đến ngôi nhà của dân tộc mình”. Tuy nhiên, già cũng chia sẻ nhiều băn khoăn khi ngôi làng, ngôi nhà không được ở, hoạt động thường xuyên thì rất dễ bị ẩm mốc, mối mọt, cháy…, nhất là trong khu làng có diện tích rộng, tập trung rất nhiều nhà nhưng lại ở cách xa nhau.

Các nghệ nhân chế tác, tạo nên không gian
Các nghệ nhân chế tác, tạo nên không gian "Vườn tượng Tây Nguyên" tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn

Đó cũng là trăn trở của tập thể lãnh đạo Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm tìm giải pháp thoả đáng, bởi các công trình kiến trúc của 54 dân tộc Việt Nam tại Khu các làng dân tộc phần lớn được thể hiện bằng vật liệu tranh, tre, nứa lá theo đúng “bản gốc” của từng dân tộc, vì vậy xuống cấp nhanh hơn các công trình kiên cố hay vật liệu bền vững… Trong khi đó, thời tiết vùng Sơn Tây phức tạp, nhiều lốc, mưa và về mùa hè nhiệt độ lên cao rất dễ xảy ra hoả hoạn… Để khắc phục, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý, vận hành, khai thác có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp công trình và công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập do kinh phí hạn chế, nhân lực thiếu kinh nghiệm, chưa kể việc bảo dưỡng, duy tu phải cần thời gian thẩm định để đảm bảo đúng theo luật định.

Vượt lên những khó khăn đó, các hoạt động tại “Làng” vẫn tiếp tục diễn ra thường xuyên. Ngoài 3 sự kiện định kỳ được tổ chức: Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc, Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam (19/4), Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (18 - 23/11), Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động khác vào các dịp nghỉ lễ và các ngày kỷ niệm như: 30/4 - 1/5, 2/9, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Thương binh liệt sỹ, Ngày Biên phòng…

Không chỉ du khách trong nước, bạn bè quốc tế khi đến với Làng cũng rất ấn tượng với những trải nghiệm văn hoá độc đáo
Không chỉ du khách trong nước, bạn bè quốc tế khi đến với Làng cũng rất ấn tượng với những trải nghiệm văn hoá độc đáo. Ảnh: Hà Tuấn

Anh Chu Hồng Duyên, giảng viên Đại học Trần Quốc Tuấn, Sơn Tây, Hà Nội, người thường xuyên có mặt tại các sự kiện của “Làng” chia sẻ: Vì ít có điều kiện đi đây đi đó, nên mỗi lần sự kiện là một lần tôi được khám phá nhiều nét văn hoá đặc trưng của nhiều vùng đất. Tôi ấn tượng với việc tái hiện chợ nổi Nam Bộ tại Làng (sự kiện trong Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam năm 2013) - Đó quả là một điều thú vị, ý nghĩa! Mong rằng sẽ có nhiều chương trình như vậy, để người dân được chiêm ngưỡng, thưởng thức những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc, được trực tiếp tham gia sẽ tác động đến nhận thức của người dân trong việc gìn giữ bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, đến từ Washington (Hoa Kỳ), Chủ tịch Hội Việt kiều tại Hoa Kỳ nhân dịp đầu năm mới về thăm quê hương, khi đưa đoàn kiều bào tới Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chia sẻ: Việc phát huy, bảo tồn văn hoá dân tộc có nhiều cách, trong đó cách Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang làm là đúng hướng. Tôi nghĩ, với nhiều lễ hội gọn nhẹ, mang tính đặc trưng cao, ít tốn kém thường xuyên được tổ chức tại đây sẽ thu hút du khách, sự quan tâm của nhà đầu tư hơn hẳn các chương trình văn hoá mang tính thương mại, kinh doanh, hỗn loạn bên ngoài. Giáo sư Hà Tôn Vinh cũng hy vọng, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh của mình để hoạt động hiệu quả và xứng tầm.

Minh Quế

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site