20:40 | 15/01/2015

Cần nhiều biện pháp đồng bộ trong quản lý hoạt động lễ hội

(LV) - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lần đầu tiên đưa ra bản dự thảo hướng dẫn Tiêu chí đánh giá thực hiện công tác quản lý lễ hội hàng năm đối với cơ sở. Đây được xem như thước đo cho công tác quản lý lễ hội thời gian tới, qua đó sẽ có các biện pháp chấn chỉnh hiệu quả với từng lễ hội.

>>> Bảo tồn Di sản văn hoá biển đảo 

>>> Hà Nội tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi an toàn, tiết kiệm 

Chiều ngày 15/01, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Hội nghị này nhằm đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014, kết quả đã đạt được, hạn chế và nguyên nhân rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cơ sở. Trên cơ sở đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014, các đại biểu đề xuất giải pháp có tính cấp thiết, lâu dài nhằm tổ chức và quản lý lễ hội năm 2015 theo hướng khoa học, tiến bộ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.

Vẫn còn bất cập trong tổ chức, quản lý lễ hội

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị cho thấy công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014 trên địa bàn cả nước đã thành công, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách; việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Ý thức của nhân dân, du khách tham gia lễ hội đã được nâng cao, các hiện tượng phản cảm trong lễ hội không còn phổ biến như trước đây.

Năm 2014, nhiệm vụ đột phá trong tổ chức, quản lý lễ hội là hạn chế đốt đồ mã, chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội được triển khai thực hiện. Việc này đã bước đầu tạo được sự đồng thuận trong xã hội; tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tình trạng sử dụng tiền lẻ tùy tiện gây phản cảm tại lễ hội, công trình tín ngưỡng, di tích đã giảm đi rất nhiều…

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: MH

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả nêu trên, việc tổ chức hoạt động lễ hội năm 2014 ở một số địa phương vẫn diễn ra tình trạng đặt tiền lễ, tiền công đức không đúng nơi quy định. Có nơi làm hòm công đức bằng kính, đặt tiền giọt dầu lên tay Phật, tay tượng, lên cành cây; có nơi vẫn tiếp nhận đồ công đức bằng hiện vật như ông hổ, sư tử đá… gây nhiều phản cảm. Bên cạnh đó là công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số lễ hội chưa được đảm bảo, hiện tượng chen lấn, xô đẩy vẫn còn tồn tại ở một số lễ hội như lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định), lễ Cướp Phết (Vĩnh Phúc)…; xuất hiện biến tướng của cờ bạc trá hình…

Điều này là do một bộ phận du khách có sự “thái quá” về niềm tin tín ngưỡng, cố chen lấn xô đẩy, tìm mọi cách đạt được mục tiêu cầu lộc, cầu tài, cầu danh…mà chưa quan tâm đến sự linh thiêng, tôn nghiêm và vẻ đẹp của lễ hội. Bên cạnh đó, các lễ hội đều thu hút lượng lớn du khách đến vào cùng thời gian, địa điểm trong khi cơ sở hạ tầng di tích, dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự chưa đáp ứng được nhu cầu đón hàng triệu lượt khách đổ về lễ hội trong một thời gian ngắn. Thống kê cho thấy, năm 2014 đã có khoảng 15 triệu người dân tham dự các lễ hội lớn nhỏ diễn ra trên toàn quốc.

Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ: Công tác tuyên truyền, giới thiệu về các lễ hội, di tích, bảng biểu hướng dẫn nhân dân còn ít và chưa rõ ràng. Vẫn còn hiện tượng trang trí lễ hội bằng các loại đèn lồng không rõ nguồn gốc, in chữ nước ngoài. Đặc biệt là vào tháng 2/2014 đã xuất hiện hiện tượng đạo lạ hoạt động, phát tán tài liệu trái phép trong lễ hội...

Phân cấp trách nhiệm quản lý lễ hội ở địa phương

Theo ý kiến một số đại biểu tại Hội nghị, nguyên nhân của các thực trạng trên là do quy định, văn bản quản lý lễ hội còn chưa chặt chẽ, chế tài xử phạt các vi phạm chưa có tính răn đe.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, các hành vi vi phạm trong lễ hội rất khó xử lý, việc xử phạt vi phạm hành chính là vô cùng khó khăn với lực lượng thanh tra. Thanh tra không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính, muốn xử phạt được thì phải bắt được hành vi vi phạm đó lập biên bản sau đó mới ban hành quyết định xử phạt hành chính rồi mới tiến hành xử phạt được. Trong khi đó lễ hội tập trung rất nhiều người nhưng chỉ diễn ra một thời gian ngắn nếu làm như thế thì giỏi lắm là xử phạt được một vụ.

Để công tác quản lý lễ hội năm 2015 đạt được hiệu quả như mong muốn, thời gian tới Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức 3 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội tại 9 tỉnh thành trong cả nước, Thanh tra Bộ sẽ tiến hành kiểm tra 60 lễ hội trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc cần đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra tại các lễ hội.

“Chúng ta cần đổi mới cách thanh tra kiểm tra, nên phân cấp thanh tra kiểm tra cho cấp Sở. Không nhất thiết Bộ cứ phải tổ chức nhiều đoàn đi mà không hiệu quả. Hãy để Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm về quản lý lễ hội ở tỉnh mình”, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai nếu ý kiến.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MH

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nêu rõ: Việc tổ chức, quản lý các hoạt động lễ hội muốn thành công, an toàn, văn minh cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chứ không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa. So với những năm trước, việc tổ chức và quản lý lễ hội năm 2014 của nước ta đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tốt là nhờ sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, sát sao của các cấp, các ngành, các địa phương.

Cũng theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, trong năm 2015, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cần phải thực hiện tốt hơn, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn hẳn năm 2014, đặc biệt là ở những vấn đề còn tồn đọng, được dư luận xã hội quan tâm. Để làm được việc này, các địa phương, các ban quản lý di tích, lễ hội và đặc biệt là Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam cần phối hợp với nhau để quản lý, thực hiện tốt việc giảm tối đa hiện tượng đốt đồ mã, vàng mã, tránh tạo thành hiện tượng đáng chú ý như ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).

Đối với vấn đề nhạy cảm và khó khăn đó là quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, không thể thực hiện trong thời gian ngắn song là việc cần phải làm để nguồn đóng góp, tấm lòng của khách thập phương được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về di tích lịch sử, giá trị văn hóa của lễ hội và nâng cao ý thức của người dân khi tham gia lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Đặc biệt, các địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, hiện vật lạ không phù hợp với văn hóa Việt Nam trong các di tích, lễ hội.

Với những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2014, rõ ràng, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều biện pháp đồng bộ để công tác quản lý lễ hội năm 2015 tiếp tục đạt được nhiều chuyển biến tích cực, để lễ hội thực sự là di sản văn hoá quý báu chứa đựng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.

Song Nguyên

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site