08:19 | 03/03/2015

Một mùa Xuân mới với “Ngôi nhà chung”

(LV) - Lần đọc gần 100 trang lưu bút viết tay của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương, các địa phương, nhìn nhận sự chung tay xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam của đại diện 54 dân tộc, 41/63 tỉnh, thành phố với các đoàn nghệ nhân dân tộc về tham gia các hoạt động tại đây, là minh chứng lớn nhất cho tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, niềm tin “bất biến” của cộng đồng các dân tộc với “Ngôi nhà chung”.

>>> Khi “Làng” thực sự là “Mái nhà chung” 

>>> Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”: Nối vòng tay đoàn kết 

Niềm tin gửi gắm

Mùa xuân năm 2008, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến thăm và làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã viết: “Đoàn công tác của Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong việc triển khai dự án quốc gia rất quan trọng này. Chúc các đồng chí tiếp tục phát huy tinh thần dám nhận trách nhiệm, sáng tạo, vượt khó để đưa dự án đi vào hoạt động… đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào cả nước”.

Xuân Canh Dần năm 2010, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng): “Chúc các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng dự án mang tầm cỡ quốc gia này, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, động viên niềm tự hào dân tộc, để giới thiệu cho bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam am hiểu sâu sắc hơn tinh hoa văn hóa Việt Nam”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành thăm và làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Xuân 2013.     Ảnh: Thanh Hà
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành thăm và làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Xuân 2013. Ảnh: Thanh Hà

Mùa xuân năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dặn dò: “Bác Hồ căn dặn chúng ta: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt… Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Một lần nữa, tôi bày tỏ mong muốn các đồng chí sẽ thành công trong nhiệm vụ xây dựng thành công Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trong chuyến thăm Làng tháng 9/2012 khẳng định: “Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, vì vậy, việc xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, để cho nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và người nước ngoài đến thăm, thấy được truyền thống dựng nước và giữ nước, bản sắc của các dân tộc Việt Nam”.

Tiếng nói từ những dòng lưu bút ân tình

Bà Nguyễn Tú Anh, trưởng đoàn, đại diện nghệ nhân dân tộc H’Mông, tỉnh Hà Giang khi về tham gia các hoạt động Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam tháng 11/2013 tại “Làng”, viết: “Đến đây, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm rất tận tình chu đáo của Ban Tổ chức về nơi ăn chốn ở, hoạt động tại chợ vùng cao... Chúng tôi mong muốn rằng 22 dân tộc của tỉnh Hà Giang cũng sẽ được về đây giao lưu với các cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Đại diện đồng bào Tây Nguyên, đồng bào Brâu, ông Đỗ Quang Sự, trưởng đoàn cộng đồng dân tộc Brâu tỉnh Kon Tum khi về tham gia sự kiện Xuân 2014 đã viết những dòng chia sẻ chân thành: “Người Brâu không nói được nhiều, chỉ biết cám ơn Đảng và Nhà nước đã có một không gian để người Brâu đến sinh hoạt như ở nhà mình (Kon Tum) nhưng hơn ở quê là được gặp được nhiều các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc” và “mong được về Làng nhiều lần hơn”.

Cũng trong sự kiện Xuân 2014, ông Hồ Trọng Hải, đại diện cho đồng bào Cor đến từ huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam viết: “Đồng bào dân tộc Cor đến với Làng Văn hóa như về với cộng đồng các dân tộc Việt Nam anh hùng, đoàn kết, thủy chung trong truyền thống và bản sắc của các dân tộc Việt Nam”.

Có thể nói, qua những dòng lưu bút tâm tình chia sẻ mộc mạc, giản dị và cả những chia sẻ, mong muốn của cộng đồng các dân tộc đối với “Làng” như “tiếp lửa”, tiếp thêm sức mạnh để toàn thể cán bộ, nhân viên Ban Quản lý nỗ lực trong các hoạt động vì cộng đồng và kết nối các cộng đồng dân tộc tại “Ngôi nhà chung”.

Chung tay xây dựng bằng hành động cụ thể

Về “Làng”, đồng bào không chỉ “tự giới thiệu về mình” mà còn chia sẻ và góp sức xây dựng “Ngôi nhà chung” bằng những hành động cụ thể.

Mang cây ra trồng tại Làng: Đồng bào Ba Na ở làng Đăk Wơt của tỉnh Kon Tum (nơi có nghệ nhân chiêng lão luyện A Thút) đã từng đem cả loại cây vẫn thường dùng để làm dùi đánh chiêng ra trồng ở khu làng Ba Na của mình ở Làng để lần sau ra, nếu dùi có hỏng đã có cây chặt để làm dùi...

Ăn chay vẫn nấu... cỗ cưới: Đồng bào Chăm về Làng thấy ngôi tháp Chăm, ngôi nhà của đồng bào tại Làng, rưng rưng xúc động, tự nói với nhau rằng, công việc dù khó mấy cũng thực hiện. Cụ thể nhất là lần tái hiện đám cưới Chăm của đồng bào Chăm (An Giang) năm 2012. Lần tổ chức tái hiện vào đúng tháng Ramadan (tháng ăn chay) nên các nghệ nhân nấu cỗ cưới chỉ áng chừng chứ không thể nêm nếm. “Đám cưới Chăm trái mùa” vì thế cũng không thể trọn vẹn khi thực khách thưởng thức các món cà ri bò truyền thống và các loại bánh đặc sản do chính các nghệ nhân Chăm làm ra thì “chủ nhà” vẫn nhịn chay cả ngày, nhưng đồng bào vẫn thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Tái hiện bài bản lễ hội: Đồng bào Lự tỉnh Lai Châu khi tổ chức tái hiện lễ hội Căm Mường năm 2013 tại Làng đã chia sẻ: Đây là lần đầu tiên đồng bào về với Làng, có sự phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức tái hiện lễ hội một cách bài bản. Đồng bào rất hào hứng bởi có du khách chứng kiến, quan tâm. Chứng tỏ, sự hiện diện của các ngôi nhà, các làng bản tại “Làng” mang giá trị văn hóa tinh thần rất lớn, bởi ở đó, lòng tự tôn, tự hào được khơi dậy và nâng lên ý thức gìn giữ, tôn vinh bản sắc dân tộc một cách đậm nét và chân thực nhất.

“Làng” mang đến một dáng hình quê hương đất nước gần gũi, thân thiện. Không phải cứ đi đâu đó các nơi, mà chỉ cần đến “Làng”, sẽ bắt gặp hình bóng một làng quê, một thôn ấp, một buôn bản của Việt Nam. Sự tích hợp đó, chắc chắn góp phần làm xích lại gần nhau hơn giữa những con người và dân tộc tưởng chừng như rất xa cách trên mọi miền Tổ quốc.

Hoàng Huyền

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site