07:21 | 08/02/2016

Một ngày với lính radar ở Trường Sa

(LV) - Vẫn biết đề tài về người lính vốn rất phong phú và đa dạng, nhưng để có được đề tài về lực lượng Phòng không - Không quân nhân dịp xuân mới giữa sóng nước trùng khơi lại là chuyện khác, vì thời gian rất ít nên tôi đã để lộ sự lo lắng, bồi hồi...

Gặp gỡ giữa trùng khơi

Tôi gặp Trung khi anh rời phiên trực, một nhân viên thông tin Trạm radar 11 thuộc Sư đoàn 377 (quân chủng Phòng không - Không quân), mang quân hàm thượng úy, dáng thư sinh, đôi mắt sáng và nụ cười hiền rất trẻ. Đó là một buổi chiều duy nhất hai chúng tôi được “vi vu” xung quanh đảo, dưới những tán bàng vuông râm mát, sắp đón mùa xuân mới, những nụ bàng phớt hồng chúm chím đã bắt đầu bung cánh khoe sắc. Tôi đã có được cảm xúc để bắt đầu một câu chuyện nào đó về người lính canh trời Trường Sa… Sau bữa cơm chiều vội vàng mà hiếm hoi trên đảo, ai cũng muốn có nhiều thời gian để gần gũi bộ đội, bởi nơi trùng khơi Tổ quốc biết đến bao giờ gặp lại.

Bộ đội radar Trường Sa luôn cảnh giác cao độ, làm chủ trang bị khí tài phát hiện mục tiêu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam
Bộ đội radar Trường Sa luôn cảnh giác cao độ, làm chủ trang bị khí tài phát hiện mục tiêu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Trung đã gặp tôi và nói: "Đây là năm thứ 2 em đón xuân trên đảo, vật chất, tinh thần trên đảo đầy đủ, nhưng em vẫn thèm có cảm giác của một cơn gió se lạnh mùa đông...". Đêm ấy, thấy Trung ôm đàn mê mải hòa theo câu hát trên sân khấu cột mốc chủ quyền: "Ở nơi này bốn phía là trời mây/ Ăng ten đứng đưa mắt nhìn lặng lẽ/ Cao hơn núi chúng tôi người lính trẻ/ Chiến sỹ radar nơi biển, chốt biên thùy...". Mắt tôi bỗng cay cay vì tiếng hát của Trung, tôi hiểu rõ Trung muốn nhắn gửi điều gì trong lời hát ngọt ngào ấy. Tiếng vỗ tay không ngớt dành cho Trung cũng là lúc tiếng còi tàu ngoài cảng báo hiệu nhổ neo theo lịch trình, mọi người rời khỏi ghế và nhốn nháo tiến về cầu tàu. Chiếc cầu nhỏ được bắc qua mạn tàu, tôi muốn chờ Trung đến để chúc cậu ấy đón Tết vui vẻ và cũng để nói lời tạm biệt.

Tiếng còi tàu báo hiệu nhổ neo, lúc này mỗi người mang một cảm xúc, họ đang hào hứng cho chuyến hành trình đến đảo mới, cũng có thể họ muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp trong phút chia tay, bởi cảm nhận và sự lưu luyến giữa muôn trùng sóng nước khác ở đất liền. Còn tôi, tôi đang rất nhớ nơi mà mình đã có những giờ phút tuyệt vời, được gặp anh em lính trên giàn ăng ten, dưới phòng máy trực sẵn sàng chiến đấu, ngoài vườn rau tăng gia và được tha hồ hỏi chuyện cùng những anh bộ đội hiền khô, hóm hỉnh…

Lại một mùa Xuân sắp đến, chúng tôi ra thăm đảo, không chỉ có hoa mai, hoa đào, thực phẩm, lá dong… mà còn nhiều hơn thế đó là cảm xúc người đi, người ở. Vậy cũng quá đủ cho chúng tôi lưu luyến nhau rồi. Tất cả như một cơn gió nhẹ thoáng qua, bình dị mà trong sáng là điều hoàn toàn có thật và tự nhiên ở giữa muôn trùng sóng nước Trường Sa.

Phút thư giãn của người lính đảo
Phút thư giãn của người lính đảo.

Văn hóa ứng xử của Bộ đội Trường Sa

Tôi đã nói với Trung rằng sẽ rất nhớ Trường Sa khi trở về đất liền. Với tôi, được gặp Trung cũng như những người lính trên quần đảo Trường Sa đó lại là một sự trải nghiệm quý báu.

Nhớ lại buổi chiều hôm ấy, chương trình giao lưu văn nghệ sắp diễn ra trên đảo. Vì dự định công việc nên tôi cứ như con thoi, chạy qua chạy lại giữa hai đơn vị Hải quân và Phòng không - Không quân. Tôi chợt hiểu rằng, đề tài người lính ở Trường Sa thật thú vị nhưng các phóng viên ra đảo chủ yếu "oanh tạc" bên bộ đội Hải quân, còn hiếm hoi lắm mới có một bài viết về người lính Phòng không - Không quân, Trung rất muốn cho tôi "mục sở thị" cuộc sống và công việc của lính rađa canh trời. Đó là lý do Trung tình nguyện làm "hướng dẫn viên" cho tôi suốt cả buổi chiều.

Có thể nói rằng ở Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió ấy, không chỉ có Trung mà tất cả cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa họ luôn chịu đựng gian khổ, chủ động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống của mình, họ luôn luôn vui vẻ lạc quan và rất tự tin, có bản lĩnh vững vàng trong mọi gian khó. Ngoài ra, luôn thể hiện sự tôn trọng quý mến, nhiệt tình trong việc đưa đón, hướng dẫn các đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm đảo. Tích cực, tự giác hăng say học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, kỹ, chiến thuật, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị trong mọi hoàn cảnh… thể hiện văn hóa ứng xử tốt đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ” trên quần đảo Trường Sa

Đêm về khuya, mặt biển như được đổ tràn một lớp ánh bạc lấp lánh. Từng đợt sóng bạc đầu xô vào làm cả con tàu rung lắc, chếnh choáng. Tôi và anh em trong đoàn vẫn tiếp tục nhiều câu chuyện khác trên boong, không ai muốn trở về phòng vì sợ giấc ngủ sâu sẽ làm gián đoạn những cảm xúc đang có. Những chuyến tàu chở mùa Xuân ra đảo sẽ lại ra khơi như một lời hẹn ước, khoảng cách ấy, con người ấy được rút ngắn lại và không còn xa xôi, cách trở nữa…

Xuân đến, mùa bàng vuông sẽ lại trổ bông và những chuyến tàu tiếp tục đi về phía ban mai, nơi ấy, có người lính canh trời, giữ biển.

Lê Phúc

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site