15:18 | 26/09/2016

Ông “Đoàn quân Việt Nam đi”

(LV) - Tính đến hôm nay chúng ta đã bước sang năm thứ 71 sau cuộc cách mạng ngày 19/8/1945. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 có cuộc mít tinh lịch sử hàng ngàn năm chưa có bao giờ: Lễ tuyên ngôn Độc lập. Bài hát chính thức vang lên trên quảng trường Ba Đình là bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao, mọi người hào hứng hát, 9 tháng sau tiến quân ca mới chính thức thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

>>> Tiếp nhận “Tiến quân ca” và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao 

Đã có lúc có cuộc thi sáng tác quốc ca mới, khá rầm rộ, khá tốn kém và viên ngọc “Tiến quân ca” vẫn sáng lấp lánh, không gì thay thế được. Sau này, mỗi lần ngồi với nhạc sĩ Văn Cao - Ông là Thư ký tòa soạn kiêm cây bút vẽ minh họa, sắp chữ và in báo của báo Lao động năm 1945, tôi nói vui: Bài hát của bác hát lên cả nước đứng nghiêm. Ông Văn Cao cười: “Năm 1944 khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (lực lượng Quân đội nhân dân ngày nay), Trung đội của ông Võ Nguyên Giáp đã đứng nghiêm, giơ nắm tay chào cờ đã hát bài này dưới gốc cây đa Tân Trào rồi. Chẳng đợi đến lúc cụ Hồ đã tuyên bố...

Và đến vừa qua, năm 2016 Nhà nước mới truy tặng thành tích cho ông Văn Cao, gia đình ông lần thứ hai tuyên bố hiến tặng bản quyền “Tiến quân ca” cho đất nước. Chuyện này sở dĩ phải nói lại vì có người, có cơ quan đòi thu tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc “Tiến quân ca” để trích một phần trả cho gia đình. Chúng tôi nghĩ “Tiến quân ca” mà thu tiền thì người thu cũng giàu mà gia đình ông cũng “thoát nghèo”. Ấy là cứ nghĩ liên cái nọ với cái kia thế. Giá trị của bài hát đã vượt xa suy nghĩ vụn vặt của chúng ta, những kẻ phàm trần!

Cố nhạc sĩ Văn Cao và bài hát
Cố nhạc sĩ Văn Cao và bài hát "Tiến quân ca".

Tôi là lớp hậu sinh, đã làm báo 50 năm vẫn “chưa là cái đinh” gì so với thời ông Văn Cao làm báo. Ông kể, năm 1945 trụ sở báo Lao động dọn về nhà 51 hàng Bồ. Đây cũng là trụ sở Công vận xứ uỷ Bắc Kỳ của Đảng. Ông Văn Cao đa tài, viết bài, biên tập, vẽ minh hoạ, sắp chữ và in báo. Thú thật chưa có nhà báo nào làm được ngần ấy công việc cho một tờ tuần báo.

Cố nhạc sĩ Văn Cao
Cố nhạc sĩ Văn Cao.

Sau này tôi hỏi: Nhiều việc thế sao bác làm được? Ông bảo: Hồi ấy mình còn trẻ, tớ còn là biệt động, được phát súng lục để ám sát Tây đấy nhé! Ông cười, chòm râu thưa bạc phơ rung rung, đôi vai gầy nhô lên trông rất thương. Thời “gian khổ” rõ là chẳng có gì mà ăn, đến lúc được “tự do” ông lại quá già yếu không ăn được, nhất là những bữa liên hoan, bọn tôi ăn như thần trùng, ông chỉ ngồi nhâm nhi ly rượu quê. Bà Băng, vợ ông đưa tôi cái cặp lồng lấy phần để ông ăn dần. Tôi lo lấy phần cho ông mà rớt nước mắt. Rồi ông đi, đám tang ông đông lắm. Tôi vác vòng hoa cùng một phóng viên báo Lao Động chen vào, cũng phải có nhời với Ban Tổ chức mới được chen ngang. Anh Ban tổ chức này là nhà văn cũng nể mặt nhà báo vì còn đưa bài. Viết văn không đăng thì tiền đâu để tái sản xuất văn chương?

Tôi sinh ra, mẹ tôi đã bế tôi đi xem cha tôi và bà con đồng chí cướp kho thóc của Nhật và thành lập chính quyền Việt Minh. Mỗi lần hát Quốc ca trong các lễ quan trọng, lại nhớ đến ông Văn Cao, tên là Cao mà mọi người vẫn thấy ông già nhỏ thó, râu tóc phất phơ như gió ngàn chiến khu còn thổi mãi vào ông đến bây giờ.

Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ Văn Cao (1923 - 1995), người nghệ sĩ tài hoa đã để lại cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nhiều tác phẩm quý giá, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc như: Tiến quân ca, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội, Mùa xuân đầu tiên... Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, cho đất nước, nhạc sĩ Văn Cao đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất tại Sắc lệnh số 32 – SL ngày 25/4/1949, với nội dung “ Ông Văn Cao, nhạc sĩ có tài, người đã có công sáng tác bài Quốc ca”. Ngoài ra, ông còn được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất (1993) và truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt 1 (năm 1996). Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Nam Định.
 
 

Nhà báo Trần Đức Chính

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site