09:32 | 18/03/2017

Dân còn cuồng tín, lễ hội còn phản cảm

(LV) - Trong những ngày đầu xuân đã có rất nhiều lễ hội diễn ra trên cả nước, bên cạnh những lễ hội mang bản sắc văn hóa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân thì vẫn còn những lễ hội với những hình ảnh phản cảm. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các địa phương cần xử lý rốt ráo hơn nữa vấn đề này trong thời gian tới.

>>> Giảm bạo lực vì một mùa lễ hội an lành 

Vì sao hủ tục vẫn tồn tại?

Dù mới vào mùa Lễ hội 2017 nhưng đã không ít dư luận về những hình ảnh phản cảm: tục treo cổ trâu đến chết ở Đền Đông Cuông (Yên Bái) dù là hình ảnh của năm 2016 cũng vẫn khiến không ít người giật mình; sư thầy chùa Hương cố ý phát lộc bằng cách tung lên khiến người dân tranh giành phản cảm; cướp lộc hoa tre ở Đền Gióng (Sóc Sơn), cướp lộc Đền Trần (Nam Định), Cướp Phết (Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ)… vẫn là những hình ảnh làm xấu bức tranh văn hóa tâm linh của người Việt.

Xoa tiền lên tượng Phật ở Chùa Bái Đính
Xoa tiền lên tượng Phật ở Chùa Bái Đính.

Lý giải một trong những nguyên nhân lễ hội tồn tại những “cổ tục” lạc hậu, không còn phù hợp, khó chấp nhận trong bối cảnh hiện nay, Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho biết: sau năm 1954, chúng ta đã cắt bỏ gần như hết tất cả các lễ hội. Và gần như hội hè đã biến mất trong đời sống người dân Việt hàng chục năm. Nhưng từ năm 1990, các nhà nghiên cứu văn hóa bắt đầu đi sưu tầm, tổ chức, phục dựng theo một xu hướng về nguồn. Trong quá trình đó, chúng ta chủ trương càng tái hiện nguyên vẹn càng tốt. Và các “cổ tục” trong lễ hội đã được phục dựng quá đà, tràn lan, không có lựa chọn.

Sự “đứt gãy gián đoạn” các lễ hội trong một khoảng thời gian có lẽ cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho người dân chưa hiểu đúng về bản chất của lễ hội. Cộng với bối cảnh xã hội con người sống hiện nay không thể giống so với bối cảnh ra đời của lễ hội. Cũng tương tự như vậy, có những cổ tục tại lễ hội mang tính văn hóa, có ý nghĩa tốt đẹp thì cần gìn những “cổ tục” dù chỉ là tái hiện lại nhưng không còn phù hợp và không thể chấp nhận được trong bối cảnh hôm nay. Chẳng hạn “hành vi đả thương, giết con vật đều là cổ tục nguyên bản. Thậm chí, theo quan niệm cũ, hành vi “đả thương” sẽ mang lại tính chất thiêng liêng cho lễ hội. Thời xưa, người ta xem đó là chuyện bình thường còn trong xã hội văn minh và hiện đại ngày nay, việc đâm, chém, giết con vật đã không còn phù hợp” - nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền chia sẻ.

Hàng nghìn người dân tham gia cướp Phết tại Hội Phết Hiền Quan
Hàng nghìn người dân tham gia cướp Phết tại Hội Phết Hiền Quan. Ảnh: Trung Kiên

Tranh giành, cướp giật, buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan, đặt niềm tin mù quáng, thiếu căn cứ đã khiến nhiều người có những hành xử trái với giáo lý nhà Phật. Lối sống thực dụng đã len lỏi, phô bày tận chốn linh thiêng.

Một lý do nữa cũng được nhiều nhà tâm lý chỉ ra khi những cổ tục phản cảm được dung dưỡng, phát triển là trong các lễ hội còn tồn tại tâm lý đám đông. Tâm lý đám đông hiểu một cách ngắn gọn và dễ hiểu là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi nhiều người khác đến mức cá nhân có thể “đánh mất chính mình” và không hiểu chính mình. Mức độ hành vi của người bị chi phối bởi tâm lý đám đông thường tăng lên chóng mặt ở cả hai khía cạnh tốt và xấu, nếu đang tốt sẽ tốt thêm và xấu thì càng xấu thêm.

Bên cạnh đó “lợi ích kinh tế” mang lại từ những lễ hội tại các địa phương đã khiến quy mô lễ hội luôn được mở rộng, những cổ tục phản cảm chưa được khắc phục nhằm tạo ra sự khác biệt, “độc đáo” so với lễ hội khác, thậm chí còn thổi phồng lên những “huyền tích” làm “thiêng hóa”, đánh đúng tâm lý tò mò, thực dụng… của du khách bốn phương tham gia lễ hội.

Điều chỉnh lễ hội đến khi phù hợp mới thôi

Những hình ảnh không đẹp trong tục cướp lộc hoa tre tại lễ Hội Gióng đền Sóc Sơn thời gian gần đây là do chính cách hành xử của những người đi bảo vệ lễ phẩm và người tham gia cướp lộc; hình ảnh những người tham dự (được cho là khách mời) tại đêm khai ấn Đền Trần trèo rào vào hậu cung cướp lộc lấy may (dù lộc đã bị cất đi nhưng vẫn tạo hình ảnh lộn xộn xấu xí)… khiến chúng ta không thể chối bỏ trách nhiệm từ cả phía những người tổ chức và những người tham dự.

Chen lấn xin lộc ở Chùa Hương
Chen lấn xin lộc ở Chùa Hương.

Trước thực trạng này, ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho rằng: “Lễ hội là vốn quý của dân tộc, nhưng trong quá trình thực hiện phải có chắt lọc. Những hủ tục không phù hợp với văn minh nữa thì phải loại bỏ. Thay vào đó, chúng ta có thể thay thế bằng hình thức khác. Bộ VHTTDL luôn nhất quán trong bảo tồn lễ hội nhưng bảo tồn có phát huy với tinh thần là: các hủ tục thì loại bỏ để phù hợp với nếp sống văn minh và xu thế hội nhập hiện nay. Nếu cướp lộc mà tranh, đánh nhau thì bỏ, hay treo cổ trâu đến chết, chém lợn mang con dao lớn ra giữa sân đình thì cũng phải bỏ và dùng hình thức khác thay thế”.

Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL cho biết: “Hành vi cướp lộc như ở chùa Hương (tự phát), hay cả cướp lộc tre, cướp Phết (có trong phong tục lễ hội) thì đều không phù hợp với văn hóa hiện nay. Tới đây, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục lấy ý kiến nhân dân và các nhà nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp hơn nữa. Mỗi mùa lễ hội có bất cập đòi hỏi cơ quan quản lý điều chỉnh, bao giờ phù hợp thì thôi”.

Tùng Linh

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site