23:16 | 12/04/2017

Bộ GDĐT công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

(LV) – Chiều 12/4, Bộ GDĐT đã tổ chức buổi họp báo về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ áp dụng từ năm học 2018 – 2019. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa và GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình) chủ trì buổi họp báo.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể, Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình cũng đã được Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình giáo dục phổ thông thẩm định lần thứ nhất.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

Về Phương pháp xây dựng chương trình, với định hướng tiếp cận năng lực thay vì định hướng tiếp cận nội dung, Chương trình GDPT tổng thể áp dụng phương pháp Sơ đồ ngược (Back - Mapping) và Phương pháp Đánh giá tác động của chính sách.

Nội dung chính của chương trình tổng thể hướng đến xây dựng "Chân dung" người học sinh mới. Theo đó, chương trình nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. Đồng thời, chắt lọc cho phù hợp với điều kiện nước ta, dự thảo chương trình hướng nêu ra 10 năng lực cốt lõi, gồm: Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định là năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Trong bản dự thảo Chương trình tổng thể đồng thời còn nêu rõ các nội dung: Kế hoạch dạy học, Hệ thống môn học, Đổi mới phương pháp giáo dục, Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục, Điều kiện thực hiện chương trình và Phát triển chương trình giáo dục phổ thông.

Về hệ thống môn học, chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT. Hệ thống các môn học của chương trình GDPT mới được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Trong đó, môn học bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học. Môn học bắt buộc có phân hóa là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (mô-đun), trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Môn học tự chọn là môn học không bắt buộc, được học sinh tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Môn học tự chọn bắt buộc là môn học mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Theo Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể mới, học sinh Tiểu học sẽ học các môn bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

Đối với Trung học cơ sở, học sinh học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Đối với bậc Trung học phổ thông, dự thảo Chương trình tổng thể mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Các môn học bắt buộc ở lớp 10 gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.

Ở lớp 11 và lớp 12, học sinh sẽ học các môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn bắt buộc gồm: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập. Học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn này. Hai môn học tự chọn cho học sinh lớp 11 và 12 là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.

Hà Trung

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site