07:49 | 17/05/2017

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về chế độ “Dân chủ mới”

(LV) - Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 05 - CT/TW về: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong các nội hàm tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam giữ một vị trí đặc biệt.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 đã ghi rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để… nhất thiết phải trải qua một thời kì quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”.

Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ bản bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1953 về “Dân chủ mới”. Bài viết do Người  tự soạn, tự tay đánh máy và sửa chữa, là bài số 48 trong loạt bài “Thường thức chính trị”. Đây là một tác phẩm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 50 bài, kí bút danh Đ.X, đăng dần trên báo Cứu Quốc, Nhà xuất bản Sự Thật tập hợp in thành sách lần đầu vào năm 1954. Các bài viết của Bác trong loạt bài này rất ngắn gọn, thường chỉ 400 đến hơn 500 chữ, được trình bày khái quát theo từng vấn đề. Theo Bác nếu: “Các bạn đọc kĩ, nhớ suốt và khéo liên hệ với công việc hàng ngày  của mình, thì chắc rằng những bài học ấy  giúp ích cho các bạn khá nhiều”.

 

Trang bìa cuốn sách “Thường thức chính trị” do Nhà xuất bản Sự Thật in năm 1954
Trang bìa cuốn sách “Thường thức chính trị” do Nhà xuất bản Sự Thật in năm 1954.

Trong bài Dân chủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã nêu lên một cách khái quát con đường phát triển của các dân tộc là “từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - nói chung loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy”.

Nhưng theo Người thì cũng còn “tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản)… Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - như các nước….Trung Quốc, Việt Nam ta,…”. Như vậy , nếu như trong Chính cương vắn tắt năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu của cách mạng  Việt Nam là: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” , thì đến năm 1953, Người  nói một cách rõ hơn là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) của Việt Nam phải trải qua chế độ dân chủ mới.

Vậy thì những đặc điểm của chế độ dân chủ mới là gì? Người viết tiếp:

1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và giai cấp công nhân, nhân dân đánh đổ đế quốc và phong kiến. Trên nền tảng công nông liên minh, nhân dân lao động làm chủ nước nhà, xây dựng nhân dân dân chủ chuyên chính, nghĩa là dân chủ với dân, chuyên  chính (trừng trị) bọn phản động”.

Đồng thời Người cũng chỉ ra trong thời kì dân chủ mới, sẽ có các loại hình kinh tế:

“2. Trong chế độ dân chủ mới, có 5 loại hình kinh tế khác nhau:

A. Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân)

B. Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội)

C. Kinh tế của cá nhân nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội)

D. Tư bản của tư nhân.

E. Tư bản của nhà nước (như nhà nước hùn vốn với tư bản để kinh doanh)”.

Người xác định loại hình kinh tế chủ đạo và hướng phát triển của kinh tế Việt Nam: “Trong 5 loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”.

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về những yếu tố sẽ mang lại thành công cho nhân dân ta:

“ - Tư tưởng của giai cấp công nhân (tư tưởng Mác - Lênin) là tư tưởng lãnh đaọ, ngày càng phát triển và củng cố.

- Đảng Lao động kiên quyết lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động (dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân có các đoàn thể cách mạng chắc chắn của họ như: công đoàn, nông hội, hội thanh niên, hội phụ nữ…) thực hiện dân chủ mới và tiến dần đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản).

- Trong nước thì nhân dân ta hăng hái  kháng chiến, thi đua sản xuất, quyết tâm phấn đấu, quyết tâm tiến lên. Trên thế giới thì có phe dân chủ hòa bình ủng hộ ta. Vì những lẽ đó, ta nhất định thành công”.

 

Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội vui mừng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 25/11/1965
Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội vui mừng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 25/11/1965 . Ảnh: Tư liệu

64 năm đã trôi qua, đọc lại bài “Dân chủ mới” Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, càng đọc, càng suy ngẫm, càng thấy tầm nhìn xa, trông rộng cũng như tài dự đoán tương lai của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù trong bài viết này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa dùng thuật ngữ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, song việc Người nêu lên các thành phần kinh tế, xác định thành phần giữ vai trò chủ  đạo, hướng tiến lên và các yếu tố đảm bảo  thắng lợi vẫn vẹn nguyên giá trị trong hoàn cảnh hôm nay.

Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Người, đọc lại bài viết này để càng thêm tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, dù còn phải kinh qua nhiều gian nan, vất vả song nhất định sẽ đến đích - vì đó là con đường tất yếu và duy nhất đúng. 

           Ts. Chu Đức Tính

                                                                        

 

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site