14:16 | 15/05/2017

Nêu cao vai trò người có uy tín trong giữ gìn bản sắc văn hóa

(LV) - Bộ VHTTDL vừa tổ chức buổi gặp mặt cho 122 đại biểu các dân tộc của 15 tỉnh khu vực phía Bắc tại Hà Nội. Một hoạt động thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò, trách nhiệm của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Đó là các dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Cao Lan, Thái, Mông, Dao, Lô Lô, Khơ Mú, Phù Lá, La Chí, Mường, Hà Nhì, Giáy, Kháng là những tấm gương sáng đại diện cho các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân người có uy tín...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín tại Phủ Chủ tịch
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín tại Phủ Chủ tịch . Ảnh: Nhan Sáng
 

Theo GS.TS Hoàng Nam, hiện nay các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tuy phong phú nhưng chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức và đang đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc văn hoá tộc người, cá biệt có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống...

122 đại biểu già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân người có uy tín đã vinh dự được gặp gỡ, báo cáo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đã được Chủ tịch nước ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực, hiệu quả của các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới khu vực phía Bắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, sự giao thoa về văn hoá đang diễn ra ngày càng gay gắt trên các phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều giá trị văn hoá, văn nghệ, làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của từng dân tộc theo thời gian bị mai một, bị xâm thực bởi văn hóa của các dân tộc khác hoặc bị thất truyền. Đáng lo ngại, lớp trẻ hiện nay do thiếu định hướng, thiếu các điều kiện cần thiết để thực hành văn hóa, nên văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng mai một, xu hướng lãng quên và xa rời bản sắc văn hóa ngày càng trở nên sâu sắc, đặc biệt ở các cộng đồng có số dân rất ít người. Mặt khác, do tác động của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới về kinh tế - văn hóa cũng làm cho các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đối diện với nhiều thách thức - GS.TS Hoàng Nam nói.

Tại cuộc gặp mặt, các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người uy tín vùng đồng bào dân tộc đã nêu rõ những nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống, mất bản sắc trong cộng đồng các dân tộc, đồng thời đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để bảo tồn văn hóa các dân tộc.

Ông Mai Thanh Sợi, 74 tuổi người có uy tín dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng thôn bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho hay: Thời kỳ hội nhập, văn hóa của cộng đồng các dân tộc có nhiều nguy cơ mai một, mất dần, thậm chí là mất hẳn, hiện nay nhiều người trẻ tuổi hầu như không am hiểu về chính văn hóa của dân tộc mình. Mất đi văn hóa dân tộc có nghĩa là mất dân tộc, sẽ dẫn tới sự ra đời của một dân tộc “lửng” không thông thuộc văn hóa của dân tộc nào. Do đó, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng bào từng dân tộc phải có cách giáo dục, đào tạo để chính con em dân tộc mình thấm nhuần, hiểu được truyền thống, tiếp nhận bản sắc văn hóa quý báu của cha ông - Ông Sợi nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm của mình gần 20 năm qua, ông Mai Thanh Sợi đã tiến hành sưu tầm, lưu giữ lại nhiều giá trị văn hóa độc đáo của người Tày ở vùng Nghĩa Đô thành 12 chuyên đề riêng biệt như phong tục, tập quán, hát ru, ca dao, tục ngữ… và mong muốn xuất bản những chuyên đề này thành sách để đồng bào Tày cùng tham khảo để giữ gìn bản sắc.

Cũng như ông Mai Thanh Sợi, nghệ nhân Lò Văn Biến, 85 tuổi, bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cũng dành cả đời nghiên cứu, lưu giữ và truyền dạy văn hóa cho các thế hệ đồng bào dân tộc Thái. Ông là “pho sử sống” của đồng bào Thái, có công lớn trong việc gìn giữ, truyền dạy múa xòe, cũng như xây dựng hồ sơ đề nghị đưa múa xòe ở Mường Lò thành di sản văn hóa phi vật thể. Ông cho rằng các cấp, ngành cần gấp rút hỗ trợ, tổ chức cho đồng bào các dân tộc thiểu số sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào mình, trong đó đặc biệt lưu ý vai trò của những người có uy tín, người có kinh nghiệm và nắm rõ các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho các đại biểu tại buổi gặp mặt
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho các đại biểu tại buổi gặp mặt.

Trao đổi tại buổi gặp mặt, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nhiều năm qua Bộ VHTTDL đã kịp thời rà soát, bằng các giải pháp cụ thể lấy nòng cốt là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc trực tiếp tham gia truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đề cao ý thức và trách nhiệm tự bảo vệ văn hóa của chính dân tộc mình.

Cùng với việc tổ chức các cuộc gặp mặt thường niên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn để các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính cấp bách, thiết thực, phù hợp với từng dân tộc, nhằm bảo tồn, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Mong rằng, khi trở về địa phương các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, bằng uy tín của mình tiếp tục vận động con cháu, bà con trong buôn, làng nơi sinh sống luôn tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đánh giá cao Bộ VHTTDL đã có sáng kiến tổ chức buổi gặp mặt này. Trong những thành tựu to lớn về mọi mặt mà đất nước nỗ lực đạt được những năm qua có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng bào các dân tộc, trong đó có các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc. 

Nguyễn Thị Hải Nhung

(Vụ trưởng Vụ VHDT, BộVHTTDL)


Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site