07:39 | 19/06/2017

Gian nan nhà báo chống tiêu cực

(LV) - Nhà báo bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, giúp đỡ những người nghèo khó, yếu thế, bị xâm hại quyền lợi, hay phanh phui những vụ việc tiêu cực là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, khi tác nghiệp để thu thập tài liệu, nhà báo cũng gặp vô vàn khó khăn.

Quy định pháp luật bảo vệ nhà báo

Ngay cả khi Điều 25 Luật Báo chí (2016) quy định rất rõ khi đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí, nhà báo chỉ cần xuất trình Thẻ nhà báo, song vẫn xuất hiện nhiều trường hợp ngăn cản. Có cơ quan khi nhà báo đến làm việc, xuất trình Thẻ nhà báo thì lại hạch sách yêu cầu phải có giấy giới thiệu. Rồi khi có giấy giới thiệu lại viện cớ lãnh đạo đi vắng, người giữ hồ sơ nghỉ phép…

 

Bị ngăn cản tiếp cận nguồn tài liệu từ chính lãnh đạo các cơ quan cung cấp, các nhà báo phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để tìm kiếm, thu thập thông tin. Có không ít trường hợp nhà báo phải mạo hiểm xông pha vào hiện trường để thu thập. Bị phát hiện, có nhà báo bị hành hung, thương tích nặng phải nhập viện. Còn nhẹ hơn thì bị cướp, đập phá phương tiện hành nghề như máy quay phim, máy ảnh, ghi âm…

Sở dĩ, nhiều vị lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân bất hợp tác và có hành vi hành hung, đập phá phương tiện của nhà báo do chế tài xử lý hành vi vi phạm còn quá nhẹ. Theo thống kê của Thanh tra báo chí xuất bản (Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông): Năm 2014, có 38 vụ việc nhà báo, phóng viên bị cản trở hoạt động tác nghiệp được phản ánh, trong đó có 17 vụ được tiếp nhận và xử lý bởi cơ quan chức năng (chiếm 44,7%). Thường khi bị hành hung, các nhà báo, phóng viên hay gửi đơn đến cơ quan công an giải quyết. Nếu tỷ lệ thương tật trên 11% thì cơ quan chức năng sẽ xử lý theo luật Hình sự, còn nếu dưới thì sẽ xử lý hành chính, hoặc thậm chí hai bên tự dàn xếp. Một số hành vi khác xâm phạm đến quyền lợi ích của nhà báo không được quy định cụ thể riêng mà lại dựa vào luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản… Và rất ít các vụ việc được trình báo tới cơ quan chuyên môn, Thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo để lên tiếng bảo vệ và xử lý hành chính theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Luật Hình sự 2015 đã đề cập đến hành vi “Xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin của công dân” là một hành vi phạm tội. Người thực hiện hành vi vi phạm này có thể phải chịu trách nhiệm với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù, ngoài ra nếu là người có chức vụ có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm.

Sau nhiều vụ hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp, nhiều nhà báo đề xuất nên đưa hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp vào luật Hình sự.

Sức ép

Trong khi các quy định pháp luật bảo vệ nhà báo còn nhiều bất cập thì khi đấu tranh chống tiêu cực, nhà báo còn phải chịu thêm nhiều áp lực khác. Đầu tiên là chi phí cho quá trình điều tra. Nhiều cơ quan báo chí, tất cả chi phí cho quá trình điều tra chỉ được thanh toán bằng công tác phí, sau đó nếu tác phẩm báo chí được đăng tải thì được trả nhuận bút. Nhuận bút một tác phẩm báo chí cho dù cao đến đâu cũng ít khi bù đắp được công sức và chi phí bỏ ra. Do đó, để theo đuổi một đề tài, một vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí phải chấp nhận đầu tư lớn. Bên cạnh đầu tư chi phí, các cơ quan báo chí, nhà báo còn đối diện với những áp lực của tổ chức, cá nhân tham nhũng, tiêu cực tạo ra nhằm ngăn cản.

Tổ chức, cá nhân có thể đề nghị xử lý, thậm chí kiện ra tòa án về những thông tin trong các bài viết sai hoặc không. Nhiều trường hợp thì “nhờ” người có địa vị để tác động nhà báo ngừng điều tra, ngừng khai thác, cơ quan báo chí ngừng đăng tải. Có trường hợp nhà báo không bị mua chuộc, vẫn kiên quyết điều tra thì tổ chức, cá nhân tiêu cực tìm cách “chạy” hối lộ người có thẩm quyền ở cơ quan báo chí để dừng đăng tải. Và nếu có thể còn vu khống, xử lý kỷ luật, sa thải nhà báo, phóng viên.

Chống tiêu cực trong cơ quan báo chí

Nhà báo, phóng viên chống tham nhũng, tiêu cực bên ngoài khó một, thì chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính cơ quan báo chí nơi mình làm việc khó 10. Nhiều nhà báo biết quyền lợi của mình bị xâm phạm, nhưng lại e ngại không dám bày tỏ ý kiến, cam tâm chịu thiệt thòi. Có nhà báo sau thời gian thử thách, đã được ký hợp đồng lao động mấy năm trời, nhưng cơ quan không đóng Bảo hiểm xã hội. Còn chuyện bị cắt thưởng, bị đánh giá, xếp loại thi đua không công bằng thì nhiều lắm.

 

Cho đến thời điểm này, việc nhà báo chống tiêu cực trong cơ quan báo chí của mình đếm trên đầu ngón tay. Bởi vì công việc chống tiêu cực, lãng phí trong cơ quan báo chí vô cùng khó khăn. Đó là những lãnh đạo trực tiếp, người có “thẩm quyền” ban hành ngay những quyết định khen thưởng, kỷ luật cho nhà báo. Tất nhiên điều này cũng giống như nhiều công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan khác không phải cơ quan báo chí. Nhưng điều này thì khác, đó là rất ít các cơ quan báo chí phanh phui tiêu cực ở báo bạn.

E ngại và biết là gian truân nhưng đôi khi nhà báo buộc phải đứng lên chống tiêu cực xảy ra với lãnh đạo của mình, trong cơ quan báo chí của mình. Đó là khi quyền lợi của mình, của tập thể hay lợi ích của xã hội bị xâm phạm nghiêm trọng. Khi đó, những góp ý, phê bình của nhà báo không những không được tiếp thu, trái lại còn bị trù dập...

Tuy vậy, dù gian nan, nhưng báo chí, nhà báo, phóng viên không thể không đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài biểu dương người tốt việc tốt, chống tiêu cực cũng là một việc hết sức bình thường trong hoạt động báo chí. Giải báo chí Quốc gia, Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”, do Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức đều đã trao cho nhiều tác phẩm đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thậm chí, ngay đầu năm 2017, đã có một Giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được phát động. Giải này do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Nhà báo Từ Khôi

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên  
Email    
Tiêu đề  


Captcha
Mã xác nhận  
Phản hồi  
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site