17:15 | 18/05/2018

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong thời kỳ hội nhập và phát triển

(LV) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại thế kỷ XX. Tư tưởng của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và của cả dân tộc ta. Một phần quan trọng trong di sản quý báu đó là những luận điểm của Người về công tác dân vận gắn liền với quá trình phát triển của Cách mạng Việt Nam.

>>> Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân vẫn nguyên tính thời sự

Vai trò đặc biệt của công tác dân vận

Ngay trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục, vận động thuyết phục quần chúng nhân dân giác ngộ cách mạng. Trước khi rời Pháp năm 1923, Người đã viết: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Sau này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp, huy động lực lượng toàn dân tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả nước vững bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực trong sử dụng hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, Người nói và viết bao giờ cũng ngắn gọn, dễ hiểu, sâu sắc nhưng lại rất bình dị, phong cách tuyên truyền cũng rất độc đáo và gần gũi. Người luôn coi trọng công tác vận động quần chúng với tinh thần “Mọi lợi ích đều vì dân, mọi quyền hành đều ở nơi dân, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, Người đã nhấn mạnh vai trò của công tác dân vận “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì vậy “Công tác dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà đoàn thể và Chính phủ giao cho”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên(năm 1954. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên (năm 1954). Ảnh tư liệu.

Bằng kinh nghiệm của chính mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp dân vận là phải: Tuyên truyền cho dân, gương mẫu trước dân, quan tâm và giải quyết lợi ích của dân. Trong cuộc kháng chiến kiến quốc lực lượng chính là ở dân. Vì vậy, “Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho nhân dân”.

Nói về làm công tác dân vận, Người cho rằng, “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Cần phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân lao động, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng thời quan tâm giải quyết lợi ích cho dân “Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách dù có hay đến mấy cũng không thể thực hiện được”. Trái lại, “đưa tiền của dân, sức của dân, làm việc lợi ích cho dân thì bảo gì dân cũng hăng hái, việc gì cũng thành công”. Người cho rằng, “Muốn được lòng dân, trước hết phải yêu nhân dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Điều đó cho thấy công tác dân vận vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là tạo sự đồng thuận trong nhân dân và tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Công tác dân vận trong thời kỳ đổi mới và hội nhập

Đảng ta đã xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta, là tiền đề quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Công tác dân vận đã đạt được những kết quả quan trọng và tích cực, thu hút được sự hưởng ứng tham gia đông đảo của người dân, các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành và đoàn thể với nhiều hoạt động có ý nghĩa và đã có tác động lan tỏa rất lớn. Tuy nhiên để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác dân vận, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định lấy năm 2018 là Năm Dân vận, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác dân vận và tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hoạt động của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong công tác dân vận trước tình hình mới.

 

Công tác dân vận tốt góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ổn định ở địa phương
Công tác dân vận tốt góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ổn định ở địa phương.

Trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước; vấn đề đặt ra là không chỉ nhận thức đúng, đầy đủ, toàn diện những vấn đề cốt lõi của công tác dân vận mà cần xác định rõ đối tượng, nội dung, phương thức tiến hành của công tác dân vận. Trong đó, coi trọng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thuyết phục, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng đoàn kết thống nhất thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ động nêu gương những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, góp phần chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, cán bộ làm công tác dân vận phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng, bản lĩnh và uy tín để thu phục quần chúng và phải thật sự gương mẫu trước nhân dân: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, trước hết thực hiện tốt phương châm lãnh đạo của Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện, đoàn thể tham mưu và làm nòng cốt. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với nội dung thực hiện cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua yêu nước. Coi trọng thực hiện tốt công tác dân vận ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trước hết là thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, sửa đổi lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa. Nêu cao đạo đức công vụ với tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, ổn định đời sống nhân dân. Tích cực chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, chống tham nhũng, lãng phí quan liêu, xa dân, xa cơ sở... góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nhà báo Nguyễn Đình Lợi

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site