14:45 | 12/09/2018

Không gian trải nghiệm văn hóa “ba trong một”

(LV) - Chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần vài bước ra khỏi thành phố ồn ào, tấp nập, du khách đã được ngồi trong những ngôi nhà truyền thống, trò chuyện với đồng bào ở mọi miền đất nước, thưởng thức những món ăn đặc trưng của các dân tộc. Đó là những nét thú vị và vô cùng độc đáo trong một tour du lịch xuyên Việt một ngày chỉ có tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

>>> Tháng 8 vui Ngày hội tuổi thơ

Mỗi cánh cửa mở ra một không gian văn hóa

Biết có khách tới thăm nhà, nghệ nhân A Viết Thị Nhi (Làng dân tộc Tà Ôi) dừng tay dệt cửi, bày biện lại bàn uống nước để đón khách. Những nghệ nhân, đồng bào dân tộc Tà Ôi luôn có cách đón khách tới nhà tưng bừng với màn cồng chiêng cùng lời ca, tiếng hát rộn ràng. Trên bàn uống nước, ngoài chén nước trà nồng hậu bao giờ cũng có những chiếc bánh “tình yêu” - bánh sừng trâu của người dân vùng miền núi Trường Sơn. Vừa mời khách, cô A Viết Thị Nhi vui vẻ giới thiệu về tên gọi đặc biệt của loại bánh này, khi hai chiếc được ghép lại buộc chung một cặp mang ý nghĩa có đôi có lứa, thường dùng trong những dịp lễ hội, đám cưới hay đón khách quý tới nhà. Câu chuyện về những bài dân ca, dân vũ chào khách, những món ăn truyền thống của đồng bào được phụ họa bởi tiếng thoi dệt lách cách vui tai khiến những vị khách lần đầu tới Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

Với sự hiện hữu của các nghệ nhânđồng bào -chủ thể văn hóa trong không gian đặc trưng của dân tộc mình, những ngôi nhà truyền thống như được thổi hồn, truyền sức sống, để trở thành những mô hình du lịch cộng đồng thu nhỏ, để “Ngôi nhà chung” trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nướcvà quốc tế.

Biểu diễn Khèn Mông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam   Ảnh: Minh Tiến
Biểu diễn Khèn Mông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Ảnh: Minh Tiến.

Là một trong những gia đình ở xa nhất về quây quần tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, gia đình nghệ nhân Lâm Thị Hương (ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Ðề, Sóc Trăng) ban ngày biểu diễn kịch Rôbăm cho du khách biết tới loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khmer, buổi tối lại quây quần chuẩn bị nguyên liệu làm cốm dẹp, bánh tét, bánh xèo. Bà chia sẻ, nếu chỉ có một vài khách tới thăm nhà thì gia đình sẽ diễn kịch ngay trong ngôi nhà truyền thống của người Khmer, còn nếu đoàn đông người muốn thưởng thức thì sân khấu phải dời ra ngoài sân rộng hay bãi cỏ để cho mọi người đều có thể tham dự. Sau vài năm gắn bó với “Ngôi nhà chung”, nghệ nhân Lâm Thị Hương chẳng còn nhớ đã đón bao nhiêu đoàn khách tới xem kịch, nhưng bà sẽ chẳng bao giờ quên được sự thích thú, yêu mến mà khán giả dành cho nghệ thuật truyền thống tưởng như thất truyền của dân tộc mình.

Vào các ngày trong tuần hay dịp cuối tuần, du khách đến Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam có thể tới không gian làng dân tộc Mường, dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú, dân tộc Giẻ Triêng, dân tộc Ê Đê, dân tộc Khmer… Tại đây đều có các hoạt động tái hiện cuộc sống hàng ngày, thao tác, trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, tham quan tuyến điểm, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ… do bà con các dân tộc trực tiếp thực hiện.

Giới thiệu nghề dệt của đồng bào dân tộc Ê Đê và Tà Ôi   Ảnh: Minh Tiến
Giới thiệu nghề dệt của đồng bào dân tộc Ê Đê và Tà Ôi Ảnh: Minh Tiến.

Cùng với nhu cầu thưởng thức món ăn khi tham gia các chương trình khám phá, trải nghiệm văn hóa tại “Làng”, các gia đình cũng cải tạo không gian quanh nhà để trồng rau, nuôi gà, cải tạo những đồi hoang thành những vườn chè xanh…giống như ở quê nhà, du khách có thể cùng tham gia vào công việc hàng ngày với đồng bào, tự tay ra vườn hái rau sạch, bắt gà trong chuồng, vào bếp nấu ăn, dệt vải thổ cẩm… giống như đang trải nghiệm du lịch cùng cộng đồng ở Tây Bắc, Tây Nguyên.

Sức hút từ sản phẩm ẩm thực

Những nghệ nhân, đồng bào các dân tộc sinh sống ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có lẽ cũng không ngờ những chiếc bánh sừng trâu, chút thịt gác bếp, hộp cà phêđủ vị nắng gió cao nguyên…mang theo lót lòng cho nguôi ngoai nỗi nhớ quê lại trở thành đặc sản được du khách yêu thích, gây thương gây nhớ khi tới “Ngôi nhà chung” này. Chị H’Nư Niê (Đắk Lắk) là người mang những hạt cà phêtừ rẫy của nhà mình ra Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tự tay rang xay, trước để mời bà con chòm xóm rồi mở hàng bán cho du khách. Ngoài chuyện thưởng thức cà phê, chị còn trở thành “chuyên gia” giới thiệu cho du khách về cách thưởng thức đặc sản Tây Nguyên đúng điệu nhất.Không ít khách đã trở thành khách quen, cứ lên “Làng” là nhất định phải tới quán cà phêđặc biệt này thưởng thức.

Điều đặc biệt, những món ăn mà đồng bào nấu trước hết cho gia đình và bà con cùng sống trong “Làng” mình nên cách nấu, nguyên liệu và gia vị được giữ nguyên như ở từ quê nhà. Đó cũng là cách mà những nghệ nhân vơi bớt đi nỗi nhớ quê để gắn bó với “ngôi nhà thứ hai” của mình, trở thành bà con chòm xóm thân tình với đồng bào các dân tộc đến từ những vùng miền khác nhau, vừa mang đến cho du khách những cảm nhận chân thực nhất về cuộc sống ở “Ngôi nhà chung”.

Trình diễn cồng chiêng trong không gian nhà Ê Đê   Ảnh: Thanh Hà
Trình diễn cồng chiêng trong không gian nhà Ê Đê Ảnh: Thanh Hà.

Ngay tại Hà Nội,du khách cũng có thể kiếm cho mình một thực đơn vô cùng phong phú, với các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; gà nấu mọ, gà nướng…của dân tộc Khơ Mú; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày…do chính đồng bào thực hiện, lại thưởng thức đúng trong không gian truyền thống của từng dân tộc tại “Ngôi nhà chung”.

Cách đây khoảng ba năm, lần đầu tiên chị Hoàng Thị Việt Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) tới tham quan tại Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam, điều chị nhớ nhất chính là chiếc xe ô tô chở lỉnh kỉnh những món ăn, sản vật địa phương chị mua về trong một lần “Làng” tổ chức chợ quê. Chị nhớ lại: “Với một tín đồ ẩm thực như tôi thì đến một vùng đất mà chưa được thưởng thức đặc sản của địa phương thì hành trình đó vẫn chưa trọn vẹn. Bởi vậy mà có một ngày lên “Làng”, tôi được thưởng thức những món ngon đủ các vùng miền, do chính các cô, các chú đến từ Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Huế, Cần Thơ… làm, với gia vị được mang từ chính quê hương của họ khiến tôi thấy mình giống như vừa tham gia một tour xuyên Việt thú vị vậy”.Điều này có lẽ đúng với mọi du khách đã từng thưởng thức ẩm thực tại các khu nhà tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, khiến du khách sẽ nhớ mãi hương vị của từng món ăn và không quên tình cảm nồng hậu, chân tình của những gia chủ mến khách.

Từ Giang

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site