07:25 | 09/12/2018

Rực rỡ sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc

(LV) - Được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, Ngày hội văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc đã tạo ra một sân chơi giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch, mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc.

>>> Vĩnh Phúc lần đầu tổ chức Ngày hội tôn vinh văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc

Ngày vui đoàn tụ

Đứng trước gian hàng của tỉnh Bắc Giang với những hiện vật giới thiệu dân tộc Cao Lan, ông Vi Văn Lộc (thôn Đồng Chằm, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã cất tiếng hỏi: “Người Cao Lan còn nhớ những lời ca tiếng hát của dân tộc mình không?”. Giống như những lần hát Sình ca tại quê nhà, bà Trạc Thị Ngọn (thôn Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang) đã trả lời bằng một đoạn giao duyên đối đáp quen thuộc.

Nghe được tiếng nói, lời ca tiếng hát của dân tộc mình, những người con của dân tộc Cao Lan quanh đó đều quây quần lại trò chuyện, hát hò. Dù mới gặp nhau đã tay bắt mặt mừng như người quen lâu ngày mới hội ngộ. Họ còn hẹn nhau tới ngày lễ hội xuống đồng dịp đầu xuân năm mới được tới nhà nhau chơi.

1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc của 9 tỉnh vùng Đông Bắc bao gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh cùng với tỉnh láng giềng Thanh Hoá đã tề tựu trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X tại tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 2/11 đến ngày 4/11/2018. Đây như ngày vui hội ngộ của đồng bào Dao, Tày, Nùng, Mông, Kinh, Cao Lan… sinh sống trên địa bàn.

Biết bao câu chuyện làm quen như vậy của những người đến từ nhiều vùng quê khác nhau trên dải đất Đông Bắc Tổ quốc. Những món quà quê như bánh hòn, bánh đa, thịt chua, thịt lợn gác bếp… được mang ra mời khách, để mọi người biết thêm những đặc sản vùng miền, tạo không khí phấn khởi cho đồng bào, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Các hoạt động thể thao trong khuôn khổ Ngày hội có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với khán giả. Các vận động viên nghiệp dư đến từ các thôn bản tham gia hăng hái những môn thể thao dân tộc như bóng đá, vật dân tộc, đẩy gậy, kéo co, tung còn, bắn nỏ… Không gian sôi động nhất là khi các đội thi đấu kéo co - môn thể thao đã được UNESCO ghi danh, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại mà chúng ta vừa được đón nhận tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X này.

Anh Trần Ánh Sáng (dân tộc Sán Dìu, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) tự hào vì mình là một trong những người uy tín trong cộng đồng được đại diện cho xã về tham dự Ngày hội. Được gặp bà con dân tộc mình cũng như giao lưu với những bạn bè các dân tộc, anh cho biết, mọi người đều rất vui khi về với Ngày hội, tham gia hết mình trong các hoạt động trình diễn, biểu diễn các giai điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc... cũng như có ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc mình.

Quảng bá truyền thống văn hóa dân tộc

Là một trong những người yêu thích văn hóa dân gian, ông Hoàng Văn Chất (xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) ngồi xem gần như trọn vẹn 45 tiết mục của 10 tỉnh tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng. Ông cho biết, mỗi phần biểu diễn đều để lại ấn tượng riêng. “Chẳng hạn như các làn điệu Then của tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn và Lạng Sơn rất thân thuộc. Hát trống chiêng của dân tộc Thổ, tỉnh Thanh Hóa, múa hát của dân tộc Sán Chay, tỉnh Thái Nguyên thì rộn ràng. Liền anh liền chị mớ ba mớ bảy quan họ Bắc Giang thì tình tứ. Còn tiết mục múa khèn của các cháu học sinh tỉnh Hà Giang thì lại độc đáo và vui nhộn…”. Mỗi dịp tổ chức Ngày hội, đồng bào các dân tộc được gặp gỡ, trao đổi với nhau từ tiếng nói, trang phục đến các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ... giữa các dân tộc địa phương với nhau. Với thế hệ nghệ nhân trẻ tham gia chương trình, đây cũng là cách để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo mà cha ông đã để lại.

Không chỉ là chương trình giao lưu, nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được trình diễn, qua đó quảng bá tiềm năng, sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tỉnh tham dự ngày hội đã trưng bày, giới thiệu đặc trưng văn hóa cộng đồng, địa phương mình thông qua hiện vật: tranh, ảnh, sách, tờ gấp; mô hình hiện vật, nhạc cụ, trang phục truyền thống của dân tộc, nghề thủ công, thổ cẩm, sản vật của địa phương nhằm giới thiệu cho du khách thập phương về địa phương của mình.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung (Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: “Thông qua các hoạt động sôi động, giàu bản sắc văn hóa của Ngày hội, khán giả, du khách gần xa đã được tham dự, chứng kiến và được thưởng thức những giai điệu âm thanh, giàu bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, giúp cho chúng ta hiểu biết, yêu quý, trân trọng và giữ gìn các di sản văn hoá quý giá của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc nói riêng”.

Từ Giang

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site