14:27 | 29/07/2019

Nhân tố chủ quan hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

(LV) - Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm tổng hòa của yếu tố khách quan và chủ quan. Bên cạnh những yếu tố khách quan như nguồn gốc gia đình, quê hương, dân tộc, văn hoá phương Đông, phương Tây, chủ nghĩa Mác - Lênin thì cần phải nhấn mạnh vai trò của nhân tố chủ quan Hồ Chí Minh trong việc tiếp thu có chọn lọc các giá trị tư tưởng giáo dục Việt Nam và thế giới.

Chính điều này đã làm nên một Danh nhân văn hoá kiệt xuất- Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam Hồ Chí Minh và làm cho tư tưởng của Người có sự khác biệt cơ bản về chất so với nhiều lãnh tụ cách mạng đương thời. Ở Người thể hiện cả hai tính cách lớn, tấm gương lớn về giáo dục: Vừa là nhà giáo dục vĩ đại vừa là người học trò xuất sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giản di trong từng khoảnh khắc
Chủ tịch Hồ Chí Minh giản di trong từng khoảnh khắc.

Lúc còn là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, dạy ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) Người rất được học sinh yêu quý, có thể nói đó là nghề đầu tiên trên bước đường đi tìm chân lý của Người. Qua những ngày tháng ngắn ngủi trên đất Phan Thiết, phần nào đó, Người đã chứng tỏ khả năng cũng như định hướng về giáo dục. Công lao vĩ đại đầu tiên của Người là đã thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, mở lớp đào tạo, rèn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam – tiêu biểu như Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn… Trong điều kiện khó khăn, việc mở rộng lớp giảng dạy, từ khâu soạn bài, tài liệu đứng lớp, tổ chức thực hiện, đều do Hồ Chí Minh đảm nhiệm. Chất lượng hiệu quả, tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục - đào tạo cán bộ đã được lịch sử kiểm nghiệm, chúng ta càng thấy được sự vĩ đại của nhà giáo dục Hồ Chí Minh qua bao nhiêu năm Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta.

Khác với những nhà cách mạng trên thế giới, Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh đất nước nô lệ, Người không thể ngồi yên một chỗ để học. Trường học của Hồ Chí Minh rất rộng lớn đó là cuộc sống, là thực tiễn hoạt động, Người học ở nhân dân, học ở những bậc danh nhân, lãnh tụ trên thế giới. Trong chuyến thăm Indonesia 27/2/1959 khi nói chuyện với sinh viên trường Đại học thành phố Băng Đung, Người đã nhấn mạnh: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường học. Tôi đã đi du lịch để làm việc, đó là trường đại học của tôi, đó là trường học của tôi. Trường học ấy đã dạy tôi khoa học xã hội. Nó đã dạy tôi cách yêu, cách ghét, yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình và căm ghét áp bức, ích kỷ...Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học quân sự...trường học ấy đã dạy tôi lịch sử...trường học ấy đã dạy tôi chính trị. Chính trị là gì? Theo như tôi biết đó là sự đoàn kết toàn dân”.

Cuộc sống khiêm tốn, giản dị và trong sáng, có phần khắc kỷ, ngay cả khi Hồ Chí Minh ở chức vụ cao nhất cũng đủ thấy sự đồng cảm sâu lắng, gần gũi, chan hòa với những người lao động bình thường: Một nếp nhà sàn đơn sơ, một đôi dép cao su, và sau bộ quần áo ka-ki bạc màu và một nhịp đập trái tim “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”...

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không gian làm việc tại Khu nhà sàn
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không gian làm việc tại Khu nhà sàn.

Hồ Chí Minh không chỉ có tấm lòng, có cái "tâm" ngời sáng mà ở Người còn thể hiện tầm tư duy khoa học, một sự hiểu biết thông tuệ. Với tư chất thông minh và lòng ham học hỏi, Người đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa phương Đông, các quan điểm dân chủ, nhân đạo, tiến bộ của văn hóa phương Tây, đặc biệt tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Thời gian bôn ba hải ngoại là thời gian Người tự học và đã đạt đến trình độ viết và nói thông thạo nhiều thứ tiếng trên thế giới. Với ý chí kiên cường và nghị lực phi thường, Người tự vũ trang cho mình vốn kiến thức và bản lĩnh học vấn tiếp cận đến tầm văn hóa thế giới.

Một kho tàng kiến thức nữa mà Hồ Chí Minh say mê tìm hiểu, khám phá đó là thực tế đất nước và thực tế thế giới. Vào thời điểm đầu thế kỷ XX, cũng có nhiều người Việt Nam ra nước ngoài để buôn bán, làm doanh nghiệp, có người đi học văn chương, còn anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài lại chọn môi trường riêng cho mình, đó là đến với những người lao động, kiếm sống bằng nghề nghiệp bình thường nhất (làm bồi bếp, quét tuyết, vẽ thuê, rửa ảnh...). Và đúng là trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Tất Thành đã thu lượm được một vốn sống vô cùng phong phú, một kiến thức sâu rộng; cũng chính từ con đường này, anh càng khắc sâu thêm tình thương yêu con người, nâng cao trí tuệ của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc sau này.

Có thể nói, chính nhân tố chủ quan như khả năng tư duy và trí tuệ Hồ Chí Minh cùng với bản lĩnh kiên định, luôn tin vào nhân dân, khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, nhạy bén với cái mới, có phương pháp biện chứng, có đầu óc thực tiễn. Đồng thời, với tâm hồn của một nhà yêu nước chân chính, Sự khổ công học tập để chiếm lĩnh vốn tri thức phong phú của thời đại, vốn kinh nghiệm đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh định ra các quyết sách đúng đắn, sáng tạo để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

TS. Đỗ Thị Thanh Hương

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site