Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ là điểm du lịch hấp dẫn
(LV) - Theo Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu: Xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) là một trung tâm hoạt động Văn hoá Thể thao và Du lịch mang tính Quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các giá trị văn hoá truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời cung cấp các dịch vụ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí... phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân trong nước và khách quốc tế.
Vừa đầu tư xây dựng, vừa vận hành khai thác.
Trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 19/9/2010 Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã khai trương đưa vào hoạt động một phần Khu các làng dân tộc Việt Nam và hạ tầng kỹ thuật chung. Với phương châm vừa đầu tư xây dựng, vừa vận hành khai thác, công trình xây dựng đến đâu được chuyển giao và đưa vào khai thác đến đó, tổ chức tốt các hoạt động phục vụ khách tham quan, từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến đầu tư xây dựng các khu chức năng không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhằm sớm hoàn thành một thiết chế văn hoá lớn của cả nước.
Thực hiện quan điểm “Để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình”, từ ngày “Mở cổng Làng” đến nay đã có hàng trăm lượt cộng đồng các dân tộc với gần 8000 lượt nghệ nhân, trí thức, già làng, trưởng bản, đồng bào dân tộc từ khắp các vùng miền của Tổ quốc về tham gia các sự kiện và hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tại đây, đồng bào các dân tộc đã tái hiện hàng trăm lễ hội dân gian đặc sắc, trình diễn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc, trưng bầy triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và giới thiệu ẩm thực dân tộc... thu hút sự quan tâm của khách tham quan.
 |
Đồng bào Tây Nguyên đang hoạt động tại Làng Văn hóa biểu diễn phục vụ du khách. |
Cùng với các sự kiện thường niên và hoạt động của chủ thể văn hoá có các chương trình nghệ thuật, xiếc, tạp kỹ của các Nhà hát (Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam) Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam...đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong các hoạt động tại Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam, từng bước hình thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Trong 10 năm qua (19/9/2010 - đến nay) đã có trên 3,5 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tham dự các sự kiện văn hoá thể thao du lịch và giao lưu với đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống, hoạt động tại “Ngôi nhà chung’ giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Thông qua các hoạt động trải nghiệm về văn hoá dân tộc và giao lưu văn nghệ với đồng bào các dân tộc đã để lại cho du khách những ấn tượng tốt đẹp.
Cùng với các cuộc hành hương của các tầng lớp nhân dân về cội nguồn tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc có công với đất nước; Đã có rất nhiều du khách và nhân dân từ mọi miền của Tổ quốc về Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam tham quan, tìm hiểu văn hoá của 54 dân tộc anh em như một nhu cầu tự nhiên và là một biểu hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đột phá trong hợp tác đầu tư xây dựng và tổ chức các hoạt động
Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Công trình văn hoá có tính đặc thù đã trở thành “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Để trở thành điểm du lịch hấp dẫn, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương cần có sự phối hợp thường xuyên của các địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời, lãnh đạo Ban Quản lý sớm có các giải pháp tổng thể, đồng bộ triển khai có hiệu quả Kế hoạch đầu tư và phát triển Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 và các năm tiếp theo.
Trước hết là đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến đầu tư xây dựng các khu chức năng không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước như: Khu Trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, Khu Dịch vụ du lịch tổng hợp, Khu Công viên bến thuyền, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô... Đăc biệt là áp dụng các cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng và xã hội hoá các hoạt động phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tiềm năng và đảm bảo tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý vận hành, khai thác các công trình nhằm sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
 |
Chương trình nghệ thuật nhân dịp Quốc khánh 2/9/2020 |
Thực hiện quan điểm “Để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình”, cùng với sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ động phối hợp với các địa phương nơi có đồng bào dân tộc sinh sống để thống nhất kế hoạch huy động nghệ nhân, đồng bào các dân tộc tham gia hoạt động thường xuyên tại “Làng”. Đảm bảo tính bền vững trong thực hiện kế hoạch và đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc với phát triển du lịch. Điều quan trọng là vận dụng các chính sách, chế độ đối với đồng bào dân tộc thiểu số tham gia hoạt động tại “Ngôi nhà chung” phù hợp với thực tiễn đời sống hiện nay để đồng bào các dân tộc yên tâm hoạt động, cống hiến và sáng tạo.
Để gìn giữ và phát huy các di sản văn hoá và thu hút khách tham quan Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần có chương trình hoạt động tổng thể, xác định rõ quy mô, nội dung, kịch bản cho từng hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và phù hợp với từng đối tượng khách tham quan. Các sự kiện thường niên hàng năm và các hoạt động của đồng bào các dân tộc luôn có sự đổi mới, sáng tạo, tránh lặp đi lặp lại nhiều lần gây nhàm chán. Nội dung có chiều sâu và tạo điều kiện cho du khách tương tác, trải nghiệm khám phá văn hoá dân tộc góp phần bảo tồn gìn giữ, phát huy di sản văn hoá và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch và khai thác có hiệu quả các công trình đã hoàn thành. Tạo dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp để du khách tham quan, thưởng ngoạn và cùng với các dịch vụ phù hợp, hấp dẫn để du khách có thời gian lưu lại ở “Làng” lâu hơn. Trên cơ sở tổ chức tốt các dịch đáp ứng nhu cầu của khách tham quan tạo nguồn thu để duy tu bảo dưỡng các công trình góp phần để Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam thật sự là điểm đến hấp dẫn và thực sự là Khu du lịch Quốc gia theo kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phương Hằng