07:17 | 18/10/2013

Lý Sơn hướng đến phát triển du lịch bền vững

(LV) - Lý Sơn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh độc đáo và nhiều di tích mang nét văn hóa tâm linh, nhưng việc phát triển du lịch bền vững tại đảo Lý Sơn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Từ năm 2007, tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định công nhận và khai trương tuyến du lịch “Biển đảo Lý Sơn”, gồm các điểm du lịch theo tuyến chùa Hang, đình làng An Hải, chùa Đục, Miệng núi lửa, Di tích lịch sử Hải đội Trường Sa – Hoàng Sa, Âm linh tự và một số ngôi nhà cổ tại huyện Lý Sơn… Tuy nhiên, đa phần các tài nguyên du lịch đều ở dạng tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác nên doanh thu từ hoạt động tham quan du lịch chưa cao. Hầu hết các điểm tham quan là các điểm du lịch tâm linh, còn mang nặng tính cộng đồng địa phương chứ chưa được quy hoạch để phục vụ du lịch. Hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch đều còn ở dạng tự phát, quy mô nhỏ bé.

Dấu tích miệng núi lửa hàng triệu năm còn nguyên vẹn, hoang sơ ở huyện đảo Lý Sơn.
Dấu tích miệng núi lửa hàng triệu năm còn nguyên vẹn ở huyện đảo Lý Sơn.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về môi trường

Là hòn đảo nằm giữa biển, Lý Sơn dễ trở thành nơi tập kết của các loại rác, chất thải… trôi dạt trên biển. Cùng với đó là sự thiếu ý thức, tập quán sống của một bộ phận người dân xả thải trực tiếp rác sinh hoạt ra biển, dầu nhớt từ các loại tàu thuyền… Trong vài năm tới, khi mà hoạt động du lịch phát triển, lượng rác thải sẽ nhiều hơn và khó kiểm soát hơn. Vì vậy, để giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo không gian du lịch an toàn, trong lành… cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn

Bên cạnh công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, Lý Sơn cần xác định cho mình hướng phát triển đến loại hình du lịch cộng đồng, phù hợp với thực trạng các nguồn tài nguyên hiện có trên đảo. Loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng bản địa sẽ giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường du lịch, có cơ hội giao lưu văn hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu hút các công trình phúc lợi của các doanh nghiệp… Vì vậy, cần đầu tư, cập nhật những công trình nghiên cứu chuyên đề về du lịch cộng đồng để có thể nắm bắt thị trường, xác định rõ nhu cầu của du khách đến với Lý Sơn, từ đó đề ra những chiến lược, thiết kế những sản phẩm có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.

Ngoài các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, nét đặc biệt của Lý Sơn là ở đời sống văn hóa lễ hội, các di tích lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của đảo mà chỉ duy nhất có ở nơi đây. Bởi vậy, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các di tích, danh thắng… là việc làm thường xuyên, nhằm kéo dài tuổi thọ của di tích, nhưng không làm phá vỡ những tinh hoa của kiến trúc ban đầu. Việc khôi phục các lễ hội, di tích là rất cần thiết, tuy nhiên, ngoài việc bảo tồn các giá trị văn hóa, các yếu tố tâm linh, còn cần phải cải biên để phục vụ cho hoạt động du lịch, như bỏ một số thủ tục rườm rà, đơn giản hóa, làm cho người xem dễ hiểu hơn, gắn du khách với phần “hội”, cổ vũ họ tham gia… khi tổ chức nó thành sự kiện, lễ hội du lịch. Có như vậy mới gây được hứng thú, kích thích sự tò mò của du khách, tránh gây tâm lí nhàm chán vì không hiểu và phải chờ đợi phần lễ quá lâu trước khi tham gia phần hội.

Hành - một trong những đặc sản của đảo Lý Sơn
Tỏi - một trong những đặc sản của đảo Lý Sơn.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Ngoài nhu cầu tham quan, khám phá, tìm hiểu văn hóa… thì một nhu cầu không thể thiếu là các hoạt động mua sắm, giải trí. Quan trọng hơn, mỗi khách du lịch khi đến một vùng miền nào, dù ít hay nhiều cũng đều muốn tìm cho mình những món quà lưu niệm. Du lịch Lý Sơn cần chú ý đến nhu cầu này, có kế hoạch xây dựng các cửa hàng bán đồ lưu niệm, những sản vật trên đảo như: tỏi, hành, các loại vỏ ốc, đặc sản… vì nó mang lại nguồn thu rất lớn, đây là cách xuất khẩu tại chỗ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mà không cần qua trung gian. Các cửa hàng bán quà lưu niệm nên bố trí một cách khoa học ở các điểm tham quan và nhất là hình thành các khu vui chơi giải trí, mua sắm gần bến tàu. Cần có cơ chế kiểm soát chặt về giá và chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng chèn ép, chèo kéo khách du lịch.

Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đảo như: lặn biển, câu cá, ngắm san hô bằng thuyền đáy kính… gắn với các giá trị văn hóa. Xây dựng và phát triển các tour du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch Lý Sơn, tạo nhiều sản phẩm để du khách có thể lựa chọn theo nhu cầu.

Để tạo được hình ảnh cho du lịch Lý Sơn trong lòng du khách, bên cạnh việc đầu tư, quy hoạch các điểm du lịch, cần tăng cường đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Lý Sơn. Hiện nay, công tác xúc tiến quảng bá là hoạt động hết sức quan trọng để đưa sản phẩm đến với khách du lịch. Hình ảnh quảng bá về du lịch Lý Sơn một cách đầy đủ, tạo được nét riêng sẽ giúp cho các nhà điều hành du lịch dễ dàng thuyết phục khách hàng của mình trong việc chọn một điểm đến mới, ít bị tác động bởi cuộc sống hiện đại. Cần xác định mục tiêu, thị trường du khách mà Lý Sơn đang nhắm đến là loại khách du lịch và loại hình du lịch nào, để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, các hình ảnh quảng bá, tiếp thị tác động vào thị hiếu và nhu cầu của loại khách đó mới có sức thu hút được du khách.

Cao Thanh Thuận

Ý kiến bạn đọc
Họ và tên
Email
Tiêu đề


Captcha
Mã xác nhận
Phản hồi
 Off  Telex  VNI  VIQR
Tài liệu đính kèm: (.gif, .jpg, .png, .jpeg, .doc, .docx, .xls, .xlsx, .zip, .rar)
 
Văn hóa cần được đầu tư xứng tầm để phát triển/ Làng và những sắc hoa
Quan hệ dân tộc và đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam/ Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hà Nội linh thiêng và hào hoa qua các ca khúc/ " Giai điệu núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tết Độc lập nhớ về Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại
Loading
Langvietonline.vn
1 2 3 4 5
Review This Site